Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Hội Cấp cứu và Liên đoàn cấp cứu thế giới (IFEM) và Hội Cấp cứu Mỹ (ACEP) tổ chức. Tham dự hội thảo gồm các giáo sư nổi tiếng đến từ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam.
Hội thảo là cơ hội để cập nhật, trao đổi các kiến thức chuyên môn, đào tạo và nâng cao trình độ cho các bác sĩ, điều dưỡng và báo cáo những thành tựu đạt được của chuyên ngành cấp cứu trong thời gian qua.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Cấp cứu là một chuyên ngành luôn phải đối mặt với những khó khăn nhất của y học lâm sàng, người cán bộ làm công tác cấp cứu luôn phải chạy đua với thời gian, với giờ vàng để tìm kiếm cơ hội sống cho người bệnh. Sự khó khăn, khắc nghiệt đó đòi hỏi người cán bộ làm công tác cấp cứu phải có tinh thần trách nhiệm cao, kiến thức vững vàng và một mô hình tổ chức cấp cứu hiệu quả. Hội nghị lần này đã đánh dấu sự lớn mạnh không ngừng của chuyên ngành cấp cứu đã đóng góp rất to lớn cho nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Sự phát triển mạnh mẽ của các khoa cấp cứu đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các chuyên ngành phát triển các kỹ thuật chuyên sâu và ngược lại các chuyên ngành lâm sàng cũng hỗ trợ cho chuyên ngành cấp cứu thực hiện được nhiều kỹ thuật can thiệp cấp cứu chuyên sâu. Thông qua các chương trình đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, chuyên ngành cấp cứu đã chuyển giao nhiều kỹ thuật cho các bệnh viện tỉnh, huyện và TP lớn”.Bà Nguyễn Thị Xuyên nói: Bộ Y tế đánh giá cao những thành tựu của chuyên ngành cấp cứu trong những năm qua, trong đó có vai trò rất quan trọng của bệnh viện Bạch Mai, khoa cấp cứu A9, Hội HSCC và chống độc, những kết quả đó đã góp không nhỏ vào những thành công chung của ngành y tế. Hội nghị quốc tế về y học cấp cứu năm 2016 có nhiều báo cáo khoa học với nhiều chủ đề phong phú và bổ ích về chuyên ngành hồi sức, cấp cứu: Cập nhật những tiến bộ mới trong y học cấp cứu, Tình hình phát triển hệ thống cấp cứu toàn cầu; Các kỹ thuật mới, tiến bộ trong điều trị cấp cứu…
Đây là diễn đàn khoa học để các GS, BS, cán bộ y tế của Việt Nam và thế giới học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn về chuyên ngành cấp cứu.
Để cho hệ thống cấp cứu không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu đất nước trong giai đoạn mới, Bộ Y tế đề nghị các lãnh đạo các bệnh viện, các cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương, các chuyên gia đầu ngành và các cán bộ làm công tác cấp cứu tham dự hôi nghị thông qua các báo cáo khoa học tập chung thảo luận để tìm ra những giải pháp để làm tốt những nội dung sau: Cần ưu tiên thích đáng về nhân lực, mặt bằng, trang thiết bị và các nguồn lực cho việc triển khai quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc để nhanh chóng xây dựng được một hệ thống cấp cứu tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực.
Tập chung nghiên cứu các đề tài khoa học nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra với chuyên ngành cấp cứu. Tăng cường hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp quốc tế về lĩnh vực cấp cứu. Hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện còn ở mức thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, cần tập chung củng cố, xây dựng và phát triển hệ thống cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân ngoài bệnh viện, nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo kỹ thuật viên cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân cấp cứu”...
Bộ Y tế rất tin tưởng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của chuyên ngành cấp cứu để cho quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và CĐ được triển khai mạnh mẽ hơn nữa, để chúng ta sớm có được một hệ thống cấp cứu hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và hội nhập quốc tế.
Bộ Y tế mong rằng chuyên ngành cấp cứu tiếp tục phối hợp với các Tổ chức quốc tế, tăng cường đào tạo và nghiên cứu khoa học giúp cho chuyên ngành cấp cứu phát triển ở tầm cao mới.
Nhân dịp này, Bộ Y tế đã trao tặng thưởng kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho GS Joseph Rohan Lex vì những đóng góp của ông đối với việc đào tạo và hệ thống cấp cứu của Việt Nam./.
Bình luận của bạn