Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trẻ em không chỉ có nguy cơ mắc các tật khúc xạ mà còn phải đối mặt với các chấn thương nhãn khoa nghiêm trọng. Với tính hiếu động, tò mò và chưa ý thức được sự nguy hiểm, trẻ nhỏ rất dễ gặp các tai nạn về mắt khi vui chơi, sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, trong những kỳ nghỉ dài ngày, thiếu sự trông nom của người lớn, trẻ rất dễ gặp phải các tai nạn thương tích ảnh hưởng tới “cửa sổ tâm hồn”.
Theo BSCKII Trần Như Thảo - Trưởng khoa Nhãn Nhi, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, báo cáo của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, tỷ lệ trẻ dưới 17 tuổi gặp chấn thương mắt chiếm 40% số bệnh nhân đến khám do tai nạn nhãn khoa. Trong khi người trưởng thành đa phần gặp chấn thương trong lao động, trẻ em lại gặp các tai nạn về mắt khi chơi thể thao, sinh hoạt, vui chơi, thậm chí qua xô xát với bạn bè.
Trẻ em nam nghịch ngợm và dễ bị chấn thương về mắt hơn nữ (tỷ lệ cao gấp đôi, gấp bốn). Trẻ từ 6-10 tuổi, tức học sinh Tiểu học, có nguy cơ gặp chấn thương mắt cao nhất. Trẻ dưới 5 tuổi thường chỉ gặp chấn thương mắt khi ở một mình, không có người lớn trông coi.
Tùy theo mức độ, vị trí chấn thương mắt, trẻ sẽ có các dấu hiệu khác nhau: Từ quấy khóc, dụi mắt, đỏ mắt tới nhìn mờ… Khi nghi ngờ trẻ bị chấn thương mắt, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến trung tâm y tế gần nhất để sơ cứu và chuyển tuyến nếu cần. Cha mẹ cần lưu ý rằng, trẻ thường có tâm lý sợ người lớn la mắng, nên hay giấu giếm tai nạn thương tích, dẫn tới nhiều trường hợp trẻ nhập viện muộn.
Chấn thương mắt là một trong những nguyên nhân gây mù lòa một bên mắt phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng thị giác của trẻ. Để đảm bảo tương lai và giữ gìn thị lực cho con, cha mẹ chủ động phòng ngừa các tình huống gây nên chấn thương tại mắt trong sinh hoạt hàng ngày.
Bình luận của bạn