Tuy công việc bận rộn, nhưng các chị em công sở vẫn bỏ ra nhiều thời gian để mày mò tự làm những món ăn ngày Tết
Cuối tuần làm dưa món thật ngon chuẩn bị đón Tết
Đậm đà hương vị cỗ Tết miền Trung
Đủ vị mặn ngọt chua cay trong cỗ Tết miền Nam
Ý nghĩa mâm ngũ quả trong văn hóa 3 miền
Tết Nguyên đán là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Đây là thời gian mà cả gia đình sẽ sum họp, quây quần bên nhau, ôn lại những kỷ niệm đã qua và cầu chúc cho một năm mới viên mãn và hạnh phúc. Tết đến, gia đình nào cũng chuẩn bị một mâm cỗ thịnh soạn với các món ăn truyền thống, trước là để cúng ông bà tổ tiên, sau là để mọi người trong nhà cùng thưởng thức, quây quần.
Chẳng mấy ngày nữa là tới Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân ngày càng tăng. Nhưng những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn đầy rẫy trên thị trường khiến cho các gia đình lo lắng. Đối mặt với thực trạng này, không ít chị em đã chủ động tìm kiếm, học hỏi cách thức tự làm các loại đồ ăn để an tâm đón Tết.
Người người, nhà nhà làm mứt
Mứt là món không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về. Nó đi sâu vào tiềm thức của người Việt, trở thành hương vị truyền thống mà không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, mứt có hợp vệ sinh hay không thì không ai dám đảm bảo. Vậy nên, thay vì chọn mua các loại mứt được chế biến sẵn, năm nay, các chị em lại đổ xô đi mua nguyên liệu để làm mứt handmade (mứt tự làm).
Năm nay các loại mứt dừa, mứt gừng, mứt bí đỏ được các chị em yêu thích vì sự bổ dưỡng, đẹp mã và có thể được trong một thời gian dài (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Theo chị Phạm Thị Liên (kế toán của một công ty truyền thông ở Cầu Giấy, Hà Nội): "Tự tay làm mứt vừa để thỏa đam mê bếp núc vừa để bảo vệ, chăm sóc gia đình tốt hơn trong thời buổi thật giả lẫn lộn. Cũng là cách thể hiện sự nữ công gia chánh".
Ngoài ra, lý do khiến mứt handmade trở thành một trào lưu rộng rãi ở chính sự dễ làm, dễ kiếm nguyên liệu. Có cầu ắt có cung, các diễn đàn, các trang mạng xã hội liên tục cập nhật, chia sẻ các công thức đồng thời quảng cáo luôn các địa chỉ chuyên cung cấp nguyên liệu.
Khéo léo với các món ăn truyền thống
Tết năm nay, không làm mứt, kẹo như những chị em khác, chị Bùi Ngọc Anh (lập trình viên một công ty IT ở Đống Đa, Hà Nội) bỏ nhiều công sức làm chè sen, bánh trôi và bánh chay để thết đãi mọi người. Bánh chưng, chè sen, bánh trôi, bánh chay, dưa hành… là những món ăn truyền thống trong dịp Tết của người dân Việt Nam. Mỗi món ăn đều có hương vị, màu sắc và chứa đựng những ý nghĩa riêng.
Chị Ngọc Anh: “Bánh chưng tự gói lấy không chỉ an toàn mà còn có ý nghĩa hơn bánh đi mua" (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Bánh trôi và chè sen do chị Trang tự làm (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Chị Ngọc Anh nói: "Cũng không phải khi nào cũng có dịp để mà cùng nhau nấu nướng, vì vậy mình đã đi mua sắm nguyên liệu, mấy mẹ con cùng nhau làm bánh chưng, bánh trôi, bánh chay và cả chè sen nữa. Vì công việc của mình rất bận rộn, nên đây chính là dịp để cả nhà xích lại gần nhau hơn".
Chị Kim Thư (chuyên viên kế toán ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, gia đình chị rất thích ăn thịt đông, nên vào ngày Tết trong mâm cỗ không thể thiếu món này.
“Phần thịt trong suốt như thạch tượng trưng cho sự may mắn. Các thành phần trong món thịt đông hòa quyện, gắn kết với nhau thể hiện sự hòa hợp trong gia đình. Vì thế, Tết nào mình cũng làm món này để cầu may và hạnh phúc”, chị Thư chia sẻ.
Bánh ngọt, bánh nướng vào mâm quà Tết
Là một nhân viên kế toán làm trong cơ quan Nhà nước, công việc vô cùng bận rộn, nhưng chị Phạm Quỳnh Trang vẫn giành thời gian cuối ngày để nấu nướng cho gia đình và những người thân. Bên cạnh những món ăn truyền thống của dân tộc, chị đã mày mò học làm bánh ngọt, đồ Tây.
Chị Quỳnh Trang chia sẻ: "Trước đây mình cũng thích nấu những món Việt. Nhưng vì tò mò với cách làm và cũng chợt nghĩ, tại sao mình lại chưa bao giờ học làm bánh ngọt nhỉ? Mình đã tìm hướng dẫn ở trên mạng, thấy có vẻ không quá khó nên đã làm thử. Mình nghĩ rằng mọi người vẫn hay sợ làm bánh ngọt, bánh nướng vì nó cầu kỳ và phức tạp. Nhưng càng khó thì mình càng muốn làm".
Để thỏa mãn niềm đam mê làm bánh, chị Quỳnh Trang đã đầu tư bộ lò nướng, vỉ nướng, máy xay và những nguyên liệu tốt từ các cửa hàng uy tín.
Bánh ngọt và đồ tây được nhiều người yêu thích (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
"Thời gian qua mình đã thử làm một số loại bánh để đổi gió cho mâm đồ ăn Tết. Các món truyền thống cũng rất ngon, nhưng nếu có thêm mấy cái bánh ngọt, bánh nướng thì vừa hấp dẫn, phong phú lại độc đáo. Mấy món này trẻ con và thanh niên cũng rất thích ăn".
"Khi trang trí một chiếc bánh, mình cảm giác dường như mình là một nghệ sỹ. Tỉ mẩn, cẩn thận, tập trung cao độ. Khi thấy người thân nâng niu và trầm trồ chiếc bánh, mình thấy tự hào vô cùng", chị Trang tâm sự.
Ngày nay do cuộc sống bận rộn, phần lớn các gia đình đều đặt món, mua đồ ngoài hàng, rất ít người tự mày mò nấu nướng. Vậy nên, những món ăn ngày Tết do chính những người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị có ý nghĩa vô cùng to lớn, nó thể hiện tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc, thể hiện trọn vẹn ý nghĩa đoàn viên, may mắn và khởi đầu cho một năm mới an lành, thịnh vượng.
Bình luận của bạn