Nguy hiểm tiềm ẩn từ việc chở, dắt vật nuôi trên đường - Ảnh: Sức khỏe+
Chi bộn tiền cho việc nuôi thú cưng
Vì sao bạn lại trả tiền để chăm sóc thú cưng?
Có phải chúng ta đang yêu thú cưng quá đà?
Thú cưng cũng giúp chữa lành
Theo ghi nhận trên của phóng viên Sức khỏe+, trên trục đường giao giữa Nguyễn Khánh Toàn và Nguyễn Văn Huyên thuộc địa phận quận Cầu Giấy, Hà Nội. Vào mỗi tối từ khoảng 19h, các chủ phương tiện lần lượt chở vật nuôi tới bồn cây cạnh công viên Nghĩa Đô để chạy nhảy. Đáng nói, chủ phương tiện chở vật nuôi ngay trên đường đông đúc xe cộ nhưng không hề có biện pháp bảo hộ, với nhiều tư thế đứng ngồi khác nhau: ngồi vắt vẻo trên yên xe, trên đùi người chở, đứng phía trước tay lái, đứng trên chỗ để chân của xe tay ga hay có người sau ôm.
Chị N.H (Cầu Giấy, Hà Nội) là chủ nhân của 2 bé cún, chị cho biết thường xuyên đưa 2 bé đi dạo nhưng khi được hỏi về những nguy hiểm xung quanh, chị thản nhiên trả lời: “2 bé cún nhà mình khá thông minh nên việc huấn luyện chúng ở yên trên xe khi tham gia giao thông là điều đơn giản.”
Hầu hết lý do bao biện cho việc chở, dắt thú cưng đi dạo đều ở việc “chúng thông minh nên biết đảm bảo an toàn”. Tuy nhiên, đâu ai dám chắc được rằng, ngay cả những con vật dù đã được huấn luyện thành thục nhưng vẫn dễ dàng bị tác động, kích thích bởi các yếu tố ngoại cảnh như đèn nhấp nháy, tiếng còi xe hay những con vật nuôi khác… Một số vật nuôi thường khá thấp với tầm nhìn của người đi đường, việc chúng bất thường nhảy xuống đường, nhảy sang xe bên cạnh hoặc chồm lên phía trước là điều không thể tránh khỏi. Lúc đó, cả chủ phương tiện và người tham gia giao thông đều trở tay không kịp.
Ngoài ra, bồn cây trước công viên Nghĩa Đô cũng không có biển dành cho vật nuôi. Khi cho vật nuôi chơi tại đây, vì tự phát nên không hề có rào chắn. Không ít thú cưng đã chạy ra khỏi mặt đường, gây cản trở giao thông.
Không chỉ chở trên xe, nhiều người còn ngang nhiên vừa điều khiển xe vừa dắt chó đi dạo. Nguy hiểm ở chỗ, có không ít vật nuôi, chủ yếu là các loài chó có hình dáng to lớn, dữ tợn, khi bị kích động, sẵn sàng lao vào chỗ đông người, kéo theo cả chủ phương tiện. Theo phản xạ tự nhiên, họ thường đánh lái và phanh gấp nên rất dễ đâm vào các phương tiện khác hoặc ngã xuống đường.
Chị H.V.N (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết: “Bữa mình chở con mình tới ngã tư trên đường Nguyễn Văn Huyên gặp một xe đằng trước chở bạn chó, mà còn cho chó ngồi phía sau, tự nhiên bạn chó phóng từ xe xuống ngay trước đầu xe 2 mẹ con mình, mình và xe ngã nhào xuống đất. Rất may mình chỉ xây xước nhẹ còn bé con nhà mình thì không sao. Nhưng nếu có lần sau, mình không dám chắc được chuyện gì sẽ xảy ra. Mong mọi người ý thức hơn trong việc tham gia giao thông".
Anh P.V.H (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mình đã từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn từ việc chở, dắt thú cưng bất ngờ lao xuống đường. Đành rằng, có tấm lòng yêu thương động vật là tốt. Tuy nhiên, phải có ý thức, không thể vì muốn chở vật nuôi đi dạo mà bỏ qua an toàn giao thông. Đừng để đến khi hậu quả quá nặng nề rồi mới nghĩ đến 2 từ “giá như”.
Nhiều chủ vật nuôi còn lơ là, thiếu kiến thức trong việc đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Không ít các vụ tai nạn giao thông xảy ra do việc chở, dắt vật nuôi không đảm bảo an toàn. Một số trường hợp nhẹ thì xây xước, nặng có thể dẫn tới tử vong.
Các chủ vật nuôi cần nhận thức rõ sự nguy hiểm của việc chở, dắt thú cưng khi tham gia giao thông. Cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn để xử lý các trường hợp vi phạm trên, tránh các vụ việc thương tâm không đáng có xảy ra.
Theo quy định của pháp luật, cụ thể là tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ 100- 200.000 đồng đối với hành vi dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, nếu người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định sẽ bị phạt tiền từ 400 - 600.000 đồng theo khoản 3 Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Ngoài ra, người điều khiển, dẫn dắt súc vật vi phạm quy tắc giao thông đường bộ còn bị phạt tiền từ 60 - 100.000 đồng nếu vi phạm các quy định như không nhường đường theo quy định, không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn giao thông, không đủ dụng cụ đựng chất thải hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố... /.
Bình luận của bạn