Empty
Empty

Năm 2018, khi nhận được thông tin từ bác sỹ thú y rằng Ladybird – chú chó lai 9 tuổi mới lên cơn động kinh của mình, bị ung thư não, bà Heather Massey cảm thấy đau buồn. Nhưng với tiên lượng xấu, các bác sĩ đã tư vấn cho bà là không nên điều trị tiếp, và bà Massey đã đồng ý. Ladybird đã chết bốn tháng sau đó nhưng chi phí chụp MRI và các dịch vụ chăm sóc liên quan cho lần khám đó là gần 2.000USD và bà Massey đã thanh toán bằng thẻ tín dụng chuyên khoa mà bà đã biết trong một lần khám thú y trước đó. Khi ấy, bà Massey vẫn còn một món nợ ngân hàng phải trả với lãi suất là hơn 30%. Ở cái tuổi 52 và có bệnh trầm cảm, bà không đủ khả năng để ôm thêm món nợ nào nữa. Nhưng bà vẫn sẵn lòng bỏ ra một khoản tiền lớn để chữa chạy cho chú chó của mình. Với bà, đó là khoản chi đáng giá.

Chuyện của bà Massey chỉ là một trong vô vàn câu chuyện thực tế về các khoản chi tốn kém khi nuôi thú cưng. Và trong nhiều thập kỷ trước đây, phòng khám thú y và các bác sỹ thú y tại đó đã chăm sóc các thế hệ thú cưng, từ khi chúng sinh ra tới khi chết đi. Họ triệt sản, tiêm vaccine, bó bột, đỡ đẻ… Và khi những con vật bị bệnh nặng, họ chia buồn với những người chủ.

Vài năm trở lại đây, khi thú cưng được quan tâm và gắn bó nhiều hơn, những người chủ sẵn sàng chi các khoản lớn cho thú cưng hơn, thì ngành chăm sóc y tế dành cho thú cưng lại trở thành một ngành kinh doanh, giống như ngành y tế dành cho con người. Từ các phòng khám đơn lẻ, các bệnh viện dành cho thú cưng được trang bị máy móc hiện đại đã ra đời. Máy MRI đắt tiền, phòng thí nghiệm với thiết bị hiện đại, phòng chăm sóc đặc biệt hoạt động ngày đêm. Các chuyên gia về chó mèo cũng được chia thành các chuyên ngành như thần kinh học, tim mạch hay ung thư. Các loại thuốc, thực phẩm chức năng, thực phẩm đắt tiền dành cho thú cưng cũng được đầu tư sản xuất.

Sự đầu tư công nghệ vào thú cưng đã thúc đẩy thị trường này bùng nổ. Số liệu thống kê tại Mỹ cho thấy, tổng số tiền dành cho chăm sóc thú y đã tăng 60% trong 10 năm trở lại đây. Các công ty, tập đoàn tư nhân cũng đã đầu tư xây dựng hoặc thu mua lại các cơ sở chăm sóc thú y cũ, nâng cấp và tạo thành một hệ thống chăm sóc sức khỏe cho thú cưng bài bản. Bác sỹ tại các cơ sở này cũng trở thành những người “hái ra tiền”, thúc đẩy các trung tâm hoạt động hiệu quả, đem lại lợi nhuận cao hơn.

Empty

Kết quả là tình hình ngày càng trở nên bất ổn đối với những người nuôi động vật, vì hầu hết họ đều không có bảo hiểm vật nuôi.

Hàng trăm người đã từng chia sẻ về hóa đơn thú y đắt đỏ mà họ vẫn còn đang phải chi trả. Có người còn phải đi hiến huyết tương và làm thêm các công việc khác để chi trả tiền chữa bệnh tiêu hóa cho con chó của mình. Hay một cặp vợ chồng đã chia sẻ rằng, họ đang phải thanh toán hóa đơn 1.500USD cho chi phí phát hiện và điều trị giảm nhẹ cho khối u không thể phẫu thuật của con mèo nhà. Hóa đơn chưa trả hết thì con mèo đã chết.

Hay một kỹ thuật viên thú y ở Georgia, kiếm được chưa tới 10USD/giờ trong khi chú chó Roscoe và chú ngựa Gambit của bà đều gặp trường hợp khẩn cấp về y tế, dẫn đến các hóa đơn lên tới hơn 13.000USD. Bà cho biết các con vật của bà sẽ chết nếu bà không lựa chọn dịch vụ chăm sóc bổ sung. Và bà đã sử dụng hết hạn mức thẻ tín dụng, rút tiền từ tài khoản hưu trí của chồng và vay một khoản vay cá nhân. Roscoe sống thêm ba năm nữa và Gambit vẫn còn sống.

Trong các cuộc phỏng vấn, các bác sĩ thú y cho biết những người nuôi thú cưng phàn nàn về chi phí chăm sóc mà không biết rằng, chính các bác sỹ thú y cũng không kiếm được nhiều tiền hơn. Phần chi phí mà khách phải trả đa phần được tính cho chi phí thuốc men, xét nghiệm, vaccine và các vật tư khác...

Empty

Nhờ có các dịch vụ y tế tiên tiến hơn, vật nuôi ngày nay có thể sống sót sau những căn bệnh nghiêm trọng, như ung thư, mà trước đây không thể nghĩ tới. Chúng có thể phẫu thuật và dùng thuốc để cải thiện đáng kể cuộc sống của chúng.

Empty

Ngay cả những chuyến thăm khám thông thường cũng có thể tốn kém. Tiến sĩ David Roos, một bác sĩ thú y 86 tuổi ở Los Altos, California, cho biết ông quyết định nghỉ hưu vào một ngày năm 2014, khi ông kiểm tra một con chó mà chủ của nó là khách hàng lâu năm. Con vật đã được đưa vào viện vì nôn mửa. Tiến sĩ Roos cho biết thông thường ông sẽ bảo chủ của nó đưa con chó về nhà và cho nó uống nước ít một, nhưng một bác sĩ thú y khác đã yêu cầu chụp X-quang, xét nghiệm máu, truyền dịch tĩnh mạch và phải nằm viện. Tiến sĩ Roos biết rằng chủ của nó không đủ khả năng chi trả hóa đơn.

Tiến sĩ Roos cho biết: “Lúc đó, tôi nhận ra rằng ngành thú y đã thay đổi đến mức tôi không còn muốn làm nữa”.

Với sự gia tăng trong việc sở hữu vật nuôi và chủ vật nuôi sẵn sàng đi vay nợ để trả tiền chăm sóc y tế, các phòng khám thú y ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Theo Brakke Consulting, một công ty tập trung vào ngành chăm sóc sức khỏe động vật, khoảng 1/4 các phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu và 3/4 các phòng khám chuyên khoa hiện thuộc sở hữu của các tập đoàn.

Vào năm 2015, Mars – một công ty chuyên bán kẹo và thức ăn cho thú cưng - đã mua lại một chuỗi bệnh viện thú y chuyên khoa BluePearl. Vào năm 2017, công ty này đã mua lại một bệnh viện khác, VCA, với giá 9,1 tỷ USD.

Một số bác sĩ thú y đã làm việc trong các phòng khám này cho biết họ đã bị gây áp lực để thúc đẩy kiếm tiền nhiều hơn. Một bác sĩ thú y từ California cho biết cô đã nghỉ việc sau khi được thông báo rằng "chi phí cho mỗi khách hàng" của cô quá thấp. Một bác sĩ khác, từ Virginia, cho biết cô được thông báo rằng cô cần phải khám cho 21 con vật mỗi ngày. Một bác sĩ thứ ba, từ Colorado, cho biết cô đã rất ngạc nhiên khi nghe thấy một người quản lý nói rằng một số bác sĩ tại phòng khám của cô cần được hướng dẫn về cách "khiến khách hàng đồng ý". Những bác sĩ thú y này đã yêu cầu giấu tên vì họ lo ngại rằng việc nói ra có thể gây nguy hiểm cho triển vọng công việc trong tương lai với các hoạt động đầu tư vốn tư nhân.

Các bác sĩ thú y khác cho biết quyền sở hữu của công ty không ảnh hưởng đến dịch vụ chăm sóc mà họ cung cấp. Tuy nhiên, Tiến sĩ Andrew Federer, Giám đốc y khoa của một phòng khám ở Mentor, Ohio, thuộc sở hữu của một chuỗi có tên là National Veterinary Associates, cho biết khi tiền lương của một người được gắn với số lượng thủ thuật và xét nghiệm mà họ thực hiện, thì họ khó có thể vượt qua sự “quyến rũ” của đồng tiền, đặc biệt là đối với các bác sĩ thú y mới vào nghề.

Empty
Empty

Chỉ có khoảng 4% chủ vật nuôi có bảo hiểm và các lựa chọn cũng rất hạn chế. Bảo hiểm vật nuôi thường loại trừ các tình trạng bệnh lý có từ trước và chi phí cao hơn đối với vật nuôi lớn tuổi, những vật nuôi có nhiều khả năng bị bệnh hơn.

Các công ty cũng có thể thay đổi các điều khoản. Đầu năm nay, một công ty bảo hiểm đã thông báo cho hàng nghìn chủ vật nuôi rằng họ sẽ ngừng bảo hiểm vật nuôi khiến họ phải vội vã đăng ký các gói bảo hiểm mới loại trừ các tình trạng bệnh lý đã có từ trước của vật nuôi. Phát ngôn viên của công ty này cho biết có khoảng 100.000 gói bảo hiểm đang bị ngừng.

Bà Stephanie Boerger ở Royal Oak, Michigan, cho biết công ty bảo hiểm này đã chi trả cho khoản hóa trị của con mèo của bà, nhưng họ đã nói với bà rằng họ sẽ không gia hạn khi hợp đồng hết hạn vào tháng 8 tới. Việc điều trị, tốn khoảng 1.000USD mỗi hai tháng, sẽ không được chi trả nữa. Điều này đẩy bà Boerger vào tình trạng: “Bây giờ tôi cảm thấy như mình phải lựa chọn giữa việc trả tiền hóa trị cho mèo hoặc để nó chết”. Bà Boerger đã tìm được một hợp đồng bảo hiểm y tế mới cho con mèo của mình

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của công ty này cũng cho biết, chi phí chăm sóc thú y tăng cao là lý do của việc này. "Chúng tôi phải đưa ra những quyết định khó khăn này để có thể tiếp tục chăm sóc nhiều vật nuôi hơn nữa trong tương lai”.

Nhiều bác sĩ thú y cũng cung cấp thẻ tín dụng chuyên khoa cho các chủ vật nuôi. Thế nhưng, những chiếc thẻ tín dụng y tế dạng này đã khiến nhiều người tiêu dùng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Chỉ có khoảng 80% chủ thẻ đã trả hết nợ trước khi thời hạn không tính lãi suất hết hạn.

Empty
Empty

Sau khi Ladybird chết, bà Massey đã nhận nuôi Lunabear, một chú chó lai Lab mà bà nói đùa là "dị ứng với cả không khí chúng ta hít thở". Lunabear cần thức ăn theo đơn có giá 6USD/hộp và uống một viên thuốc dị ứng 3USD/viên, ba lần một ngày. Năm ngoái, Lunabear đã phẫu thuật do gẫy chân.

Những chi phí này đã lên tới gần 4.000USD, phần lớn trong số đó đã được tính vào thẻ tín dụng lãi suất cao. Nhưng bà Massey, người bị trầm cảm nặng và sống một mình, cho biết những chú chó của bà được ưu tiên hàng đầu. “Tôi trả các hóa đơn trước khi tôi mua thức ăn", bà nói.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa