Trong một khuôn viên ngoài trời đẹp như tranh vẽ, một đám cưới trong mơ đang diễn ra. Cô dâu trong chiếc váy ren trắng, chú rể trong bộ complete phẳng phiu và một chiếc bánh cưới tuyệt đẹp, xung quanh là những người bạn thân nhất của cô dâu và chú rể. Đám cưới này, thực sự là hoàn hảo với Bree và Bond, hai chú chó Golden retriever và những người chủ của hai chú.
Đám cưới dành cho thú cưng đang ngày càng tăng ở Trung Quốc - nơi các chính sách của chính phủ không mấy thành công trong việc khuyến khích con người kết hôn, sinh con. Nhưng số lượng đám cưới hay sinh nhật dành cho thú cưng đang ngày càng tăng lên. Số lượng thú cưng tăng nhanh và sự chịu chi của những người chủ đang thúc đẩy xu hướng này. Số liệu thống kê của ngành cho thấy chi tiêu cho thú cưng vào năm 2023 đã tăng 3,2% lên 279,3 tỷ nhân dân tệ (tương đương 38,41 tỷ USD) so với năm trước.
"Con người tổ chức đám cưới được thì tại sao chó không thể tổ chức đám cưới?" Chủ của Bree cho biết sau khi dắt cô thú cưng của mình vào lễ đường, nơi cô chó trao lời thề sẽ luôn chia sẻ đồ ăn và chơi với chồng mình, Bond.
Theo số liệu của Công ty Acuity Knowledge Partners, tính đến năm 2023, khu vực thành thị của Trung Quốc có hơn 116 triệu con chó, mèo, ước tính thì cứ tám người Trung Quốc thì có khoảng một người sở hữu một con mèo hoặc một con chó, với phần lớn chủ sở hữu dưới 40 tuổi.
Chủ của Bree và Bond cho biết, dù đang yêu nhau nhưng họ cũng không vội kết hôn. Nhưng để chuẩn bị cho đám cưới của Bree và Bond, hai người đã dành nhiều tháng, từ thiết kế khung cảnh đám cưới, chụp ảnh cưới và đặt chiếc bánh cưới có trị giá 800 nhân dân tệ cho hai thú cưng của mình.
Yang Tao, chủ tiệm bánh dành cho thú cưng tại Thượng Hải, người đã chuẩn bị chiếc bánh cưới cho Bree và Bond, cho biết ban đầu cô rất ngạc nhiên khi khách hàng muốn làm bánh cưới, bánh sinh nhật cho chó. Yang cho biết thêm rằng cô đã phục vụ nhiều buổi lễ tương tự kể từ khi tiệm bánh của cô mở cửa vào năm 2022. "Tôi nghĩ sẽ có ngày càng nhiều đám cưới, tiệc sinh nhật cho chó mèo như vậy nữa", Yang cho biết. Hiện nay, tiệm bánh của cô Yang nhận thêm việc set up tiệc cho các đám cưới, đám sinh nhật chó mèo. Với cô, đó là một khoản thu lớn.
Tuy nhiên, chính cô Yang cũng cho rằng, những con chó, con mèo được tổ chức đám cưới đó, có thực sự thích đám cưới của chúng.
Không chỉ ở Trung Quốc, ở nhiều quốc gia trên thế giới, số lượng thú cưng đang tăng lên nhanh chóng.
Và thú cưng của chúng ta đang ngày càng giống con người hơn. Con người chiều chuộng chúng bằng các chế độ dinh dưỡng tùy chỉnh và túi đựng ba lô, liệu pháp thủy trị liệu cho chó và lưu trú tại các khách sạn dành cho mèo sang trọng. Tại All the Best, một chuỗi cửa hàng thú cưng cao cấp ở Seattle, các mặt hàng phổ biến nhất là đồ chơi cho mèo và chó, được thiết kế để mang lại niềm vui cho những con vật ngày càng "nằm một mình và buồn chán", cô Annie McCall, giám đốc tiếp thị của chuỗi cửa hàng cho biết.
Một số nhà đạo đức học về phúc lợi động vật và các nhà khoa học thú y đang tự hỏi liệu chúng ta có đi quá xa trong nỗ lực nhân bản hóa vật nuôi của mình hay không. Họ lập luận rằng chúng ta càng đối xử với vật nuôi như con người thì cuộc sống của vật nuôi càng bị hạn chế và phụ thuộc vào chúng ta, và vật nuôi của chúng ta càng phát sinh nhiều vấn đề về sức khỏe và hành vi.
“Chúng ta hiện nay coi vật nuôi không chỉ là thành viên trong gia đình mà còn ngang hàng với trẻ em. Vấn đề là, chó và mèo không phải là trẻ em, và chủ sở hữu ngày càng trở nên bảo vệ và hạn chế chúng. Vì vậy, động vật không thể thể hiện bản chất chó và mèo của chúng một cách tự do như chúng có thể”, James Serpell, Giáo sư danh dự về đạo đức và phúc lợi động vật tại Khoa Thú y, Đại học Pennsylvania (Mỹ), cho biết.
Tất nhiên, rủi ro sức khỏe bắt đầu từ việc lai tạo. Một trong những giống chó phổ biến nhất ở Hoa Kỳ là chó bulldog Pháp, một thành viên của họ chó đầu ngắn mặt phẳng, thân thiện với con người nhưng gặp vấn đề về hô hấp, cùng nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Nhưng con người cũng đang thay đổi mối quan hệ của động vật với môi trường xung quanh. Vì lo ngại về việc bị mất, nhiều con mèo hiện dành toàn bộ cuộc đời của chúng trong nhà. Cho đến cuối những năm 1970, ngay cả những chú chó thành phố cũng dành phần lớn thời gian ở ngoài trời, hoặc ở sân sau hoặc được thả rông quanh khu phố. Nhưng bây giờ, chó không được thả rông và chạy rông ngoài đường bị coi là trái luật.
Một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất của thị trường thú cưng là chuồng, vòng cổ, dây dắt và rọ mõm. Theo tiến sĩ Pierce, “hạn chế hoạt động tự do là thách thức mà thú cưng phải đối mặt nhiều nhất. Mặc dù chúng có khả năng bị bắt, bị ôtô chẹt nhưng những rủi ro đó được bù đắp bằng sự tự do trải nghiệm và di chuyển".
Trong khi chó được phép xuất hiện ngày càng nhiều ở các không gian của con người - nhà hàng, văn phòng, cửa hàng, khách sạn cũng như nhiều công viên có đường chạy dành riêng cho chó - sự hiện diện ngày càng tăng của chúng không đồng nghĩa với tính độc lập hơn.
Tiến sĩ Serpell cho biết, việc giam giữ và cô lập đã làm gia tăng sự lo lắng và tính hung dữ của động vật. Chưa kể, có khoảng 60% mèo và chó hiện đang thừa cân hoặc béo phì. Và một phần do gánh nặng và chi phí nuôi thú cưng hiện đại như phí thú y, chi phí trông giữ… ngày càng có nhiều người bỏ rơi động vật ở các trại cứu hộ động vật, dẫn đến tỷ lệ an tử* cao hơn. Theo Shelter Animals Count, một nhóm bảo vệ động vật, vào năm 2023, hơn 359.000 con chó đã bị an tử tại các trại cứu hộ, mức cao nhất trong 5 năm.
Phải công nhận rằng, thuần hóa một loài động vật luôn có nghĩa là phải đạt được sự cân bằng giữa bản chất của chúng và bản chất của chúng ta. TS. Alexandra Horowitz, một nhà nghiên cứu về nhận thức của loài chó tại Barnard College, cho biết: "Định nghĩa về sự tự do cho một con chó, một loài động vật đã được thuần hóa và được con người lựa chọn trong một thời gian dài, thực sự là một câu đố thú vị".
Bà đã đưa ra sự tương phản giữa những chú chó nhà với những chú chó thả rông – tình cảnh mà hầu hết trong số 900 triệu con chó trên thế giới đang mơ ước. Những chú chó thả rông có tuổi thọ ngắn hơn và không được đảm bảo về thức ăn, nhưng chúng được tự lựa chọn của mình. Bà cho biết: “Đó là một mô hình thú vị để chúng ta suy nghĩ về cách làm cho cuộc sống của một chú chó trở nên phong phú hơn, để chúng không chỉ bị giam cầm bởi những ý thích thất thường của chúng ta mọi lúc, và không gây nguy hiểm cho xã hội”.
Giáo sư tâm lý học, Harold Herzog - Đại học Western Carolina (Mỹ), người nghiên cứu về mối quan hệ giữa động vật và con người, cho biết: "Chúng ta càng coi chó và mèo là những sinh vật tự chủ, chúng ta càng không thể biện minh cho việc nuôi chúng làm thú cưng".
Đối với người nuôi thú cưng hiện đại, tiến sĩ Serpell đã đưa ra lời khuyên này: "Bằng mọi cách hãy tận hưởng tình bạn với chú chó của bạn. Nhưng chó không phải là người. Hãy tìm hiểu loài vật theo góc nhìn của chính nó thay vì buộc chúng phải tuân theo góc nhìn của bạn. Điều này cho phép bạn trải nghiệm gián tiếp cuộc sống của một sinh vật khác".
Bình luận của bạn