Việt Nam nỗ lực chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

Lao là một trong những bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng lớn tới các nước đang phát triển

Ngày Thế giới Phòng, chống lao 2021: Chiến thắng COVID - Chấm dứt bệnh lao

Ngày quốc tế bệnh hiếm 2021: Những căn bệnh lạ được ghi nhận trong năm qua

Việt Nam và Mỹ hợp tác triển khai chiến lược mới nhằm chấm dứt bệnh lao

Một tuyến phố Hà Nội chính thức mang tên GS. Phạm Khắc Quảng

Bệnh lao: Gánh nặng với ngành y tế toàn cầu

Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh lây nhiễm. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trong năm 2019 toàn thế giới có khoảng 10 triệu người nhiễm lao, và 1,4 triệu người chết vì căn bệnh này, chủ yếu là ở các nước đang phát triển.

Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất thế giới. Theo báo cáo của tổ chức WHO năm 2020, hàng năm, ước tính cả nước có 170.000 ca mắc mới, hơn 11.000 ca tử vong. Số ca tử vong do lao ở nước ta còn cao hơn nhiều số ca tử vong do tai nạn giao thông.

Điều trị và chăm sóc bệnh nhân lao phổi - Ảnh: TTXVN

Hiện nay, Việt Nam vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có thẻ Bảo hiểm y tế mặc dù cũng đã có sự hỗ trợ của Nhà nước. Chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của người bệnh, là gánh nặng lớn đối với những người nghèo và cận nghèo. Trong khi đó, đây là đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mắc lao, có nguy cơ mắc lao cao hơn 2,5 lần.

Cuộc chiến chống bệnh lao trong bối cảnh dịch COVID-19

Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao. Đây là một trong những nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với ngành y tế Việt Nam, đặc biệt khi tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

“Đại dịch toàn cầu” COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn thế giới. Trong năm 2020, tỷ lệ phát hiện bệnh lao ở Việt Nam cũng giảm đi hơn 3%. Do đó, chủ đề mà Chương trình Chống lao Quốc gia đề ra năm nay là: “Việt Nam chiến thắng COVID - Chấm dứt bệnh lao”.

COVID-19 và bệnh lao có nhiều điểm tương đồng, nhất là qua cơ chế lây truyền của SARS-CoV-2 và Mycobacterium tuberculosis qua giọt tiết đường hô hấp. Đồng thời, việc phòng chống 2 căn bệnh này đều cần quan tâm bảo vệ sức khỏe của nhân viên y tế và nhóm nguy cơ cao, đồng thời chủ động truy vết và giảm lây lan dịch tễ.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn COVID-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5µm (micromet), lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài.

Cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh Chiến thắng bệnh lao (PASTB)

Nhân Ngày Thế giới Phòng, chống bệnh lao, Chương trình Chống lao Quốc gia và Quỹ PASTB phát động ủng hộ quỹ vì người bệnh lao bằng hình thức nhắn tin theo cú pháp TB gửi 1402. Mỗi tin nhắn tương đương số tiền ủng hộ 20.000 đồng. Thời gian bắt đầu từ 00h00 ngày 22/3 đến 24h00 ngày 21/5.

Lao là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng và điều trị thành công với phác đồ đúng đắn. Do đó, biện pháp hàng đầu để phòng bệnh lao là phát hiện sớm người mắc bệnh lao và điều trị cho đến khi khỏi bệnh, để không lây nhiễm cho người lành. Trẻ sơ sinh đủ cân nặng và sức khỏe phải được tiêm vaccine phòng lao BCG càng sớm càng tốt.

Vào ngày 24/3/1882, tại Berlin, bác sỹ người Đức Robert Koch công bố việc phát hiện ra vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra bệnh lao. Phát hiện này đã mở đường cho y học và khoa học phát triển phác đồ chống lại căn bệnh nguy hiểm này.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày công bố phát hiện vi khuẩn lao, Hiệp hội Chống Lao và Bệnh phổi Quốc tế (International Union Against Tuberculosis and Lung Disease - IUATLD) gợi ý ngày 24/3 là Ngày Thế giới Phòng, chống lao để nhắc nhở cộng đồng về mối nguy hại của bệnh lao. Chủ đề của Ngày Quốc tế Phòng, chống lao 2021 là “The clock is ticking – Đồng hồ đã điểm”.
Quỳnh Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin