Chụp X-quang, hoang mang người bệnh...

Y, bác sĩ chạy trước khi… chụp

Một kỹ thuật viên chụp X-quang ở khoa hồi sức trẻ em của một bệnh viện cho biết, mỗi ngày khoa tiến hành chụp X-quang cho khoảng hai bé, nhưng cũng có ngày trên bảy bé. Khi kỹ thuật viên bắt đầu chụp X-quang, các bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý đều rời khỏi phòng; trong khi các bệnh nhi chưa đến lượt chụp hay không được chụp vẫn nằm tại chỗ mà không được che chắn bằng các thiết bị bảo vệ. Có trường hợp, một giường bệnh có hai bệnh nhi, khi chụp cho một trong hai bé lại không chuyển bé còn lại đi nơi khác.

Một bệnh viện lớn trên địa bàn Q.5, TP.HCM mỗi ngày chụp X-quang, chụp CT (có sử dụng tia X-quang) cho khoảng 1.000 bệnh nhân; nhưng chỉ có bảy-chín phòng chụp. Hầu hết các phòng này có giường bệnh nên quy định tối thiểu cho phòng chụp phải từ 14m2 trở lên; tuy nhiên thực tế chỉ có hai-ba phòng có diện tích từ 16m2 trở lên, còn lại là các phòng từ 10-12m2. Một bác sĩ tại bệnh viện này cho biết, do cơ sở hạ tầng chật hẹp nên không thể cơi nới phòng rộng hơn. Vì quá tải nên mỗi phòng phải chụp X-quang cho khoảng 100 bệnh nhân/ngày. Bệnh nhân đông nên có khi xảy ra tình trạng người bệnh tự ý đẩy cửa vào trong lúc phòng đang chụp X-quang.

Một trung tâm khám bệnh trên địa bàn Q.10, TP.HCM, trong lúc gần đến lượt chụp X-quang, nhân viên gọi nhiều bệnh nhân vào ngồi trước cửa phòng chụp, dù có bệnh nhân phải mất hơn nửa giờ mới tới lượt.

Máy chụp X-quang thế hệ mới có giá cao, từ 300.000-500.000 USD nên một số cơ sở y tế vẫn tiếp tục sử dụng máy cũ, trong khi máy cũ thường phát ra các tia bức xạ với cường độ lớn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đặc biệt, nhiều phòng khám điều trị răng miệng đã sử dụng máy chụp X-quang nhưng không được cấp phép. Dù cường độ tia X khi chụp phim răng ở các phòng khám nha khoa rất nhỏ, nhưng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.


Nhân viên kỹ thuật nhận vào cùng lúc bốn - năm bệnh nhân

Còn 40 cơ sởchụp X-quang "chui"

Đại diện Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM cho biết, đến nay, Sở chỉ cấp phép cho khoảng 93% cơ sở y tế (565/605 cơ sở) được sử dụng tia X-quang. Gần 7% cơ sở còn lại chưa được cấp phép, chủ yếu là các cơ sở nha khoa. Các cơ sở này muốn khám và điều trị răng hàm phải thực hiện chụp X-quang, tuy nhiên có thể do phòng chụp không đạt chuẩn, sử dụng máy cũ nên không khai báo. Việc thanh tra các cơ sở này cũng gặp khó khăn, vì máy X-quang nhỏ gọn, các cơ sở có thể xếp lại và cất giấu nhanh chóng. Để hạn chế các cơ sở y tế chụp X-quang "chui", Sở Khoa học và công nghệ đã phối hợp với Sở Y tế TP, khi tiến hành cấp chứng chỉ hành nghề cho các phòng khám tư, nhất là phòng khám răng, nếu có thực hiện chụp X-quang phải kèm theo giấy phép tiến hành chụp bức xạ do Sở Khoa học và côngnghệ cấp.

Các cơ sở đã được cấp phép chụp X-quang cũng còn có một số vi phạm như: không che chắn kỹ cho người chụp, để bệnh nhân chờ tới lượt ngay trong phòng chụp, cho nhiều người vào phòng chụp X-quang. Nhiều cơ sở còn sử dụng các máy cũ để chụp X-quang, chiếm tỷ lệ khoảng 0,5%. Hiện có đến 20% số phòng không đạt chuẩn. Một số cơ sở khi chụp X-quang đã không đóng kín cửa. Đây là các nguyên nhân có thể dẫn đến những rủi ro về bức xạ. Ngoài ra, qua quá trình kiểm tra, Sở Khoa học và công nghệ nhận thấy các cơ sở còn vi phạm quy định về an toàn bức xạ trong quá trình vận hành thiết bị. Phòng chụp X-quang thiếu các tín hiệu cảnh báo, đèn báo trước cửa ra vào, chưa dán nội quy an toàn bức xạ. Nguy hại hơn khi các cơ sở còn thiếu trang thiết bị quan sát bệnh nhân. Thậm chí cơ sở không treo bảng thông báo tia X-quang có hại cho thai nhi. Một số cơ sở y tế tư nhân có phòng chụp X-quang như một kho chứa với nhiều đồ đạc. Thực tế, tại một số cơ sở y tế, người phụ trách phòng chụp X-quang còn chưa nắm rõ trách nhiệm của mình, lưu giữ hồ sơ chưa đầy đủ, chưa thực hiện kiểm định thiết bị hàng năm.


Chụp X-quang cho bệnh nhi ở phòng cấp cứu của một bệnh viện tư

Tia bức xạ có thể gây ung thư

PGS-TS-BS Phạm Ngọc Hoa, Chủ tịch Hội Điện quang và y học hạt nhân khu vực TP.HCM cho biết, liều bức xạ an toàn cho phép trên một người là 20mvs/năm. Nếu bệnh nhi được chụp X-quang bụng, phổi thì tia xạ phát ra chỉ khoảng 0,05-0,1mvs ảnh hưởng không nhiều; nhưng nếu chụp X-quang bởi các loại máy CT nhiều lát cắt (như máy CT-Scanner 64 lát cắt trở lên) thì tia bức xạ phát ra là 5-10mvs. Tia X ảnh hưởng đến người bệnh thông qua cơ chế sinh học bức xạ. Cụ thể là làm thay đổi tế bào, sinh sản tế bào không bình thường, gây ra hiện tượng phân bào. Nếu nhiễm tia xạ kéo dài, người bệnh về sau có thể bị rụng tóc, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Còn theo BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM: nếu bị tia X tác động thời gian dài sẽ có nguy cơ bị ung thư máu, phổi, vú, hạch, nhất là những bệnh nhân mắc các bệnh lý như phổi, dạ dày... phải chụp X-quang, CT quá nhiều lần.

Các bác sĩ cho biết, để hạn chế tia bức xạ phát ra, các nhà sản xuất đã tạo ra nhiều loại máy X-quang thế hệ mới như máy cao tần, kỹ thuật số, có thể giảm được nguy cơ tia tán xạ đến 30 lần so với máy cũ. Dù các máy này ít ảnh hưởng đến sức khỏe thì kỹ thuật viên khi chụp cũng không nên lạm dụng mà cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chụp X-quang. Tuy nhiên, hiện nay các phòng chụp X-quang quá chật hẹp so với tiêu chuẩn thế giới (từ 20m2 trở lên) nên nguy hại từ tia X-quang vẫn còn nhiều. Nếu phòng chụp quá chật hẹp thì các tia bức xạ phát ra sẽ khuếch tán trên tường và dễ tác động trở lại người bệnh, do đó, không gian rộng sẽ giảm đi tình trạng hấp thu các tia bức xạ vào cơ thể. Ở các nước, khoa cấp cứu, hồi sức tại các bệnh viện chỉ có ba-bốn bệnh nhân và mỗi khi chụp X-quang, các bệnh nhân giường kế cạnh đều được phủ tấm rèm hoặc kèm thêm tấm chì cản bức xạ phát ra. Hoặc khi cần chụp phim X-quang thì đưa bệnh nhân vào buồng kín chuyên dụng.

PGS-TS-BS Phạm Ngọc Hoa khuyến cáo, khi bị tác động bởi tia X, các tế bào hoàn chỉnh ở người lớn sẽ ít bị ảnh hưởng; trong khi trẻ em có nhiều tế bào mầm đang trong giai đoạn tăng trưởng và biệt hóa nên sẽ bị ảnh hưởng bởi tia X nhiều hơn, nhất là cơ quan sinh dục. Do đó, ở những phòng hồi sức, cấp cứu, nếu chụp X-quang nên chuyển bệnh nhân ra ngoài. Với những trường hợp không chuyển được thì cần tạo khoảng cách xa giữa các giường bệnh, tạo thêm các tấm chì mỏng che bộ phận sinh dục cho các bệnh nhi khác.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin