Empty
Empty
Empty

Khoảng 15 - 30% thanh thiếu niên ở Việt Nam gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đây là con số được đưa ra trong Báo cáo nghiên cứu về Tình hình sức khỏe tâm thần và sự phát triển trẻ em vị thành niên tại Việt Nam năm 2022 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Từ thực tế tại Trung tâm Tâm lý trị liệu Việt Nam (NHC), chuyên gia Lê Thị Thanh Phương nhận thấy, trẻ vị thành niên thường tới tư vấn với những vấn đề: Trẻ tự thu mình lại; Không muốn đến trường; Thiếu tự tin, không giao tiếp; Có những hành vi tự hại bản thân và tự sát; Có những biểu hiện của bệnh lý như trầm cảm, rối loạn hành vi hoặc rối loạn cảm xúc. Rất nhiều trường hợp như vậy được ghi nhận ở học sinh cấp THCS và THPT. Trong đó, có 2 nhóm đáng lưu tâm và cần sự hỗ trợ của chuyên gia là lớp 8-9 và lớp 11-12. 

Cũng theo báo cáo của UNICEF, áp lực học tập là yếu tố có liên quan mật thiết đến sức khỏe tinh thần của học sinh. Những trải nghiệm của học sinh về áp lực học tập, lo lắng về điểm số, sự chán nản liên quan đến học lực, kỳ vọng của bản thân và khối lượng bài vở đều liên quan đáng kể đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Một nguyên nhân dẫn tới căng thẳng học tập là do trẻ vị thành niên phải "gánh" khối lượng bài vở không hề nhỏ. Hầu hết tất cả học sinh, từ vùng nông thôn tới thành thị, từ trường thường lẫn trường chuyên đều đồng ý rằng khối lượng bài vở quá nặng. Chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương cho hay: "Gần như 100% các bạn học sinh đến trị liệu ở trung tâm, bạn nào cũng căng thẳng với việc học tập. Kể cả những bạn học trường chuyên, đạt thành tích cao trong học tập và những bạn học ở những trường bình thường cũng có một áp lực giống như nhau. Đó là luôn cảm thấy mình không đủ giỏi, không đủ tốt."

Empty

Chuyên gia Thanh Phương chia sẻ, thời gian biểu phổ biến của học sinh hiện nay dày đặc, từ lịch học ở lớp, lịch học thêm, sau đó lại phải về nhà làm bài tập. Gần như trẻ sẽ đi ngủ vào lúc 1-2h sáng. Lịch sinh hoạt kín đặc là học, học và học sẽ kéo dài suốt 7 ngày trong tuần. Chính điều này khiến trẻ vị thành niên luôn luôn rơi vào trạng thái là căng thẳng, áp lực và gần như không có thời gian để xả stress, vui chơi, nói chuyện. Với quỹ thời gian eo hẹp đó, nhiều trẻ không có thời gian để hoạt động ngoài thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống.  

Empty
Empty

Không chỉ gặp áp lực trong học tập, trẻ vị thành niên còn phải đối mặt với nhiều căng thẳng trong mối quan hệ với những người xung quanh: Dù là cha mẹ và người thân trong nhà, hay bạn bè, thầy cô giáo. Trong quá trình trị liệu cho trẻ, chuyên gia Thanh Phương ghi nhận nhiều trẻ mất kết nối với cha mẹ, không thể chia sẻ do không có tiếng nói chung. Có những cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái, chỉ được vài câu sẽ nổ ra xung đột.

Cha mẹ nghĩ rằng là ưu tiên cho việc học của con, luôn để con ở trong trạng thái đóng cửa phòng và học. Nhưng khi thấy con luôn trong phòng, phụ huynh lại lo lắng không biết con đang làm gì, nghi ngờ con chơi game.

Với kỳ vọng lớn ở con cái, nhiều gia đình sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của con, không yêu cầu con phải tham gia vào việc nhà. Cha mẹ cảm thấy hài lòng khi thấy con đang ngồi học. Tuy nhiên, do không giúp đỡ cha mẹ trong việc nhà, trẻ ít có cơ hội giao lưu, tự tạo khoảng cách với người lớn, không có nhu cầu chia sẻ. Thậm chí, có trẻ không biết chào mẹ khi đi học, không có nhu cầu nói chuyện với bố.  

Empty

Vấn đề thứ hai mà trẻ vị thành niên gặp phải là những mâu thuẫn trong mối quan hệ bạn bè đồng trang lứa. Trong độ tuổi này, trẻ có nhu cầu chia sẻ và thuộc về rất cao, nên dành nhiều kỳ vọng vào mối quan hệ với bạn bè. Khi xung đột với bạn bè xảy ra, chúng có tác động tiêu cực đến trải nghiệm của học sinh ở trường. Tình trạng bạo lực học đường, hành vi bắt nạt, nói xấu bạn bè trên mạng xã hội… càng làm trầm trọng thêm các vấn đề tâm lý ở trẻ vị thành niên.

Những căng thẳng không thể chia sẻ với cả gia đình lẫn bạn bè đẩy trẻ vào trạng thái cô đơn, áp lực, tủi thân. Sự mất kết nối và tương tác xã hội càng trở nên nghiêm trọng hơn trong giai đoạn dịch COVID-19, với nhiều đợt giãn cách xã hội kéo dài hàng tuần, hàng tháng. Chuyên gia Thanh Phương gọi đây là "cú sốc về tâm lý" với trẻ, để lại ảnh hưởng nghiêm trọng với sức khỏe thể chất lẫn tình thần của trẻ vị thành niên.

Về thể chất, trong đại dịch, nhiều trẻ không có cơ hội tập thể dục ngoài trời mà dành nhiều thời gian nhốt mình trong nhà. Thói quen chơi game, ôm điện thoại, lướt mạng xã hội cũng dễ khiến cận thị tiến triển nặng, sức khỏe giảm sút.

Về tâm lý, nhiều báo cáo, nghiên cứu ghi nhận, đại dịch gây ra nhiều vấn đề như trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần. Trong đại dịch COVID-19, tỷ lệ trẻ dưới 18 tuổi mắc triệu chứng trầm cảm, lo âu, mất ngủ… đều tăng so với giai đoạn trước đại dịch. Có ít nhất 13% trẻ từ 10 đến 19 tuổi được chẩn đoán mắc rối loạn sức khỏe tâm thần trong đại dịch.

Lý giải về nguyên nhân, chuyên gia Thanh Phương nhận định: "Khi ngồi trong bốn bức tường trong thời gian dài, trẻ dễ gặp ảo giác, phải tự đối diện với những suy nghĩ tiêu cực mà trẻ không thể tự xử lý được". Việc học trực tuyến khiến hiệu suất học tập, độ nghiêm túc và tập trung suy giảm khá nhiều. Trẻ không thể tập trung vào bài giảng, dẫn đến kết quả học tập sẽ không cao. Khi kết quả không cao, trẻ lại xuất hiện tâm lý thất vọng, sợ hãi bị cha mẹ trách móc. Vòng luẩn quẩn này khiến những mâu thuẫn và căng thẳng thêm sâu sắc, đến mức không thể hàn gắn được. Đây cũng là lúc trẻ xuất hiện suy nghĩ kết liễu cuộc đời mình để trốn thoát khỏi những khổ đau, tâm trạng tiêu cực.

Empty
Empty

Trong quá trình làm việc và trị liệu với trẻ vị thành niên, chuyên gia Thanh Phương gặp rất nhiều trường hợp trẻ chủ động nhận ra vấn đề tâm lý của bản thân, tự tìm kiếm địa chỉ trung tâm và xin phép cha mẹ đưa mình tới gặp chuyên gia tâm lý. Không chỉ có học sinh trên địa bàn Hà Nội mà còn có những trẻ đến từ các tỉnh khác. Cũng có rất nhiều gia đình chủ quan với biểu hiện và mong muốn của con; Chỉ khi nghe chuyên gia giải thích thì mới giật mình: "Con tôi có hiện tượng đấy à?". Rất may, sau đó các gia đình đều phối hợp, tạo điều kiện cho con trị liệu và đồng hành cùng với con họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Empty

Chuyên gia Thanh Phương nhận định, nỗ lực kể trên của trẻ vị thành niên thực sự quý giá, dù "muộn cũng còn hơn không". Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, gia đình và xã hội chưa trang bị đầy đủ những kiến thức về sức khỏe tâm lý trẻ vị thành niên. Không ít người lớn vẫn còn giữ quan niệm: "Trời sinh voi, trời sinh cỏ"; Thế hệ trước gia đình đông con, chẳng có điều kiện quan tâm đến tâm lý mà sao vẫn lớn lên, khỏe mạnh, thành đạt.

Chính khoảng cách về thế hệ đã đẩy cha mẹ xa trẻ vị thành niên, không thể nhận biết được dấu hiệu con gặp các vấn đề về tâm lý. Ví dụ, khi trẻ có dấu hiệu buồn, chán nản hoặc bị bắt nạt, cảm thấy mất động lực về cuộc sống hoặc không muốn đến trường, cha mẹ sẽ nhanh chóng quy chụp: Trẻ hư, lười, nghiện game, cá biệt, không chịu cố gắng. Nhưng mọi người không hiểu được rằng là con mê game vì sao, con mê đọc truyện vì sao? Đó là một hành vi đang chạy trốn, những căng thẳng, những đau đớn, những mệt mỏi của con mà bố mẹ và nhà trường không để ý. "Tất cả những thay đổi nhỏ nhất của học sinh đều có thể là những dấu hiệu để cha mẹ, thầy cô và nhà trường nhận biết rằng là trẻ cần phải được giúp đỡ và chúng ta cần phải để ý hơn nữa đến sức khỏe, tâm lý của trẻ", chuyên gia Thanh Phương cho hay.

Còn về mặt xã hội, không thể phủ nhận nguồn nhân lực, lẫn vật lực để hỗ trợ sức khỏe trẻ vị thành niên còn rất khiêm tốn. Theo báo cáo của UNICEF, “Bác sỹ chuyên khoa tâm thần còn thiếu, chưa nói đến bác sỹ chuyên khoa tâm thần nhi. Có rất ít người trong số họ được đào tạo về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em”. Khoảng tầm 2 năm gần đây, các trường đại học mới có phòng tư vấn tâm lý cho sinh viên. Trong khi đó, thực trạng báo động về sức khỏe, tâm lý của học sinh, sinh viên đã diễn ra nhiều năm rồi mà chưa nhận được sự quan tâm xác đáng. Ghi nhận nỗ lực của nhà trường và ngành giáo dục, chuyên gia Thanh Phương nhận định: "Trong thời gian tới, với vai trò của người chuyên gia, tôi nghĩ rằng phải có một sự đầu tư sâu và rộng hơn nữa để cho các bạn học sinh, sinh viên có một nơi để chia sẻ, có người hỗ trợ các bạn ấy vượt qua những giai đoạn khó khăn về tâm lý".

Empty

Mỗi nhóm tuổi trong ngưỡng vị thành niên lại có những vấn đề tâm lý đặc thù riêng. Ở lớp 6-7-8, trẻ thường say mê các thiết bị di động kết nối mạng như điện thoại, máy tính. Ở cấp THCS, trẻ hay gặp những vấn đề với bạn bè, về cảm giác tự ti. Lớn hơn một chút, sang cấp THPT, vấn đề của trẻ có thể mở rộng tới yêu đương, áp lực về học tập, cảm thấy thiếu tự tin về bản thân. Giai đoạn cuối cấp như lớp 9, lớp 12, trẻ luôn luôn có cảm giác căng thẳng về thi cử.

Nhưng dù con ở độ tuổi "ẩm ương" hay "ngỗ nghịch" thế nào, cha mẹ luôn đồng hành cùng con sẽ có thể nhận biết được những dấu hiệu thay đổi nhỏ nhất, từ đó đưa ra can thiệp phù hợp với sức khỏe tâm lý của trẻ:

- Trẻ tự dưng kém vui tươi, đột ngột thu mình, ít nói, hay khóc, không muốn đến trường.

- Trẻ cáu bẳn; Cảm xúc lên xuống thất thường.

- Trẻ tự ngắt kết nối: Lúc nào cũng muốn giam mình ở trong phòng, không muốn giao lưu với ai, không muốn ra ngoài.

- Có những hành vi tự hại bản thân mình, ví dụ như rạch tay.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ