Con suy dinh dưỡng vì cha mẹ... quá chăm bẵm!


Thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy: 5,6% trẻ em thừa cân, béo phì, hơn 16% trẻ em suy dinh dưỡng. Khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em Việt Nam và khu vực Đông Nam Á (SEANUTS) cũng đưa ra con số báo động: hơn 50% trẻ Việt thiếu vitamin A, B1, C, D và sắt trong chế độ ăn hằng ngày. Cứ 3-4 trẻ thì có một bé mất cân bằng dinh dưỡng .


Mặc kệ chuyện ăn uống của con với tâm lý "trời sinh voi, trời sinh cỏ" hay ép con quá nhiều, bồi bổ quá mức... là một số sai lầm thường gặp của các ông bố, bà mẹ trong việc chăm con, khiến trẻ dần dần mất cân bằng dinh dưỡng.
Tình trạng trẻ thiếu hoặc thừa dưỡng chất thiết yếu ngày càng tăng. Ngoài môi trường, điều kiện sống... thì cách chăm sóc con của các gia đình là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến điều đó. Con chị Hải Anh, biên tập viên của một website bán hàng qua mạng, vừa tròn 2 tuổi nhưng đã nặng 17kg. Nhìn cậu bé tròn trĩnh, ai cũng thích. Nhưng là người trong cuộc, chị Hải Anh cùng chồng lại rất lo lắng. Bởi bác sĩ dinh dưỡng cho biết: cậu bé có nguy cơ béo phì, tăng huyết áp và rối loạn chuyển hóa đường khi đến tuổi trưởng thành nếu không "hãm" nhanh chuyện ăn uống.


Tình trạng trẻ thiếu hoặc thừa dưỡng chất ngày càng gia tăng. Ảnh: Internet

"Nào có phải nhà đông con đâu, nhà mỗi mình nó nên ép ăn cật lực cho bằng bạn bằng bè. Bao nhiêu đồ bổ cũng cố mua cho con ăn, nào ngờ lợi bất cập hại. Giờ béo quá, không thích chạy nhảy, chỉ thích xem tivi cả ngày. Mà cứ một, hai tiếng lại đòi ăn, cấm ăn thì khóc", chị Hải Anh kể.

Chuyên viên tư vấn của một trung tâm dinh dưỡng ở Hà Nội cho biết: ngoài yếu tố lượng và chất thức ăn thì sức khỏe của trẻ còn bị ảnh hưởng lớn bởi hệ tiêu hóa. Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên việc tiếp nhận quá nhiều bổ có thể khiến cơ quan này "quá tải", mệt mỏi và yếu đi. Ngược lại, trẻ ăn không tiêu thì sẽ rất chậm lớn hoặc rối loạn dinh dưỡng. Theo đó, cha mẹ chăm con cần "chăm" từ hệ tiêu hóa. "Để bụng bé tốt và ổn định, mẹ nên cho bé ăn nhiều rau xanh, sữa chua, bổ sung men vi sống hằng ngày", bà nói.

Rút kinh nghiệm của chị gái là càng ép, con càng biếng ăn nên Nguyễn Thùy Linh, ở Cầu Giấy, Hà Nội quán triệt tư tưởng để Bon - con gái ăn uống tùy thích ngay từ mới lọt lòng. Trong khi các mẹ hàng xóm chật vật cố đút cho con hết bát cháo thì chị Linh nhàn tênh vì con ăn được bao nhiêu thì ăn, chị không ép. Thậm chí, khi đã cất công nấu nướng mà Bon không muốn ăn, chị cũng đồng ý. Ngoài ra, nghĩ chất béo không tốt cho tim mạch nên chị còn hạn chế gia vị này khi nấu nướng.

Cho con ăn thiếu khoa học là sai lầm của cha mẹ đối với chế độ dinh dưỡng của con trẻ

Tưởng vậy là khoa học nhưng khi Bon đi học mẫu giáo, thấy con bé hơn nhiều so với bạn bè cùng tuổi, chị đưa đi khám mới "ngã ngửa" vì con suy dinh dưỡng thể thấp còi. Việc thiếu hụt chất béo góp phần khiến Bon chậm phát triển chiều cao, cân nặng. Chị sốt ruột nói: "Thấy mọi người đừng ép con ăn, mình cũng nghĩ trời sinh vòi, trời sinh cỏ, để con bé phát triển tự nhiên, nào ngờ..., giờ không biết làm sao".

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện nghiên cứu Y - Xã hội học cho biết: ở mỗi độ tuổi, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng khác nhau để đảm bảo sự phát triển. Điều này cần căn cứ trên chuẩn nghiên cứu dinh dưỡng và nhu cầu của mỗi bé. Các nhà khoa học trên thế giới cũng như ở Việt Nam khuyến nghị chế độ dinh dưỡng của trẻ theo bảng dưới đây:

Nhu cầu năng lượng cho trẻ em đến 9 tuổi không phân biệt giới

Nhóm tuổi của trẻ

Tổng nhu cầu năng lượng (KCal)

Từ sơ sinh đế 6 tháng (bú mẹ hoàn toàn)

555 (từ sữa mẹ)

Từ 7-8 tháng (bú mẹ+ăn bổ sung)

413+356 = 769

9-11 tháng (bú mẹ+ăn bổ sung)

379+478=858

12-23 tháng (bú mẹ+ăn bổ sung)

346+772=.118

2-3 tuổi

1.180

4-6 tuổi

1.470

7-9 tuổi

1.825

Ví dụ, trẻ 2-3 tuổi ở Việt Nam có cân nặng trung bình 14kg, sẽ cần cung cấp năng lượng mỗi ngày 1.180 KCalo.

Bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết thêm: việc trẻ mất cân bằng dinh dưỡng diễn ra dần dần song để lại những hậu quả nguy hiểm. Thông thường, khi cha mẹ phát hiện ra thì bé đã hoặc thừa cân béo phì, hoặc suy dinh dưỡng, và việc điều chỉnh lại thường rất khó khăn trong một quãng thời gian dài..

Bởi 2 năm đầu tiên là "giai đoạn vàng" về phát triển thể chất, trí não của trẻ. Nếu sai lầm trong chế độ dinh dưỡng có thể dẫn đến:

- Thiếu dinh dưỡng và các vi chất cần thiết: khiến trẻ suy dinh dưỡng, làm giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Những người trưởng thành từng bị thấp còi khi còn nhỏ thường có xu hướng mắc các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim và béo phì.

- Thừa dinh dưỡng: có nguy cơ dẫn đến thừa cân, béo phì, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, huyết áp, tim mạch, các bệnh mạn tính khác ngay từ lúc còn nhỏ cũng như khi trưởng thành…

Cũng theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, cha mẹ cần thường xuyên theo dõi sự phát triển về cân nặng và chiều cao của trẻ. Khi con tăng cân đều đặn và phù hợp với lứa tuổi thì có nghĩa là trẻ đang phát triển tốt, còn nếu không thì cần đi kiểm tra sớm. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên theo dõi các vấn đề liên quan đến chế độ dinh dưỡng của trẻ như biểu hiện nôn, chớ, màu sắc phân, thời điểm mọc răng, tình trạng vận động... để kịp thời can thiệp nếu cần, Chăm sóc sức khỏe trẻ cần đi từ sức khỏe hệ tiêu hóa. Bởi đây là cơ quan liên quan trực tiếp đến khả năng hấp thụ, chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể bé.


Hình thành thói quen ăn uống khoa học cho bé từ khi còn nhỏ. Ảnh: Internet

Các thông tin về chăm sóc trẻ em từ việc chia sẻ trên các diễn đàn là rất tốt tuy nhiên các bà mẹ cần cân nhắc, không nên áp dụng quá máy móc và cần tham vấn của chuyên gia dinh dưỡng và nhi khoa. Bởi trẻ ở mỗi độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau cần những giải pháp phù hợp thì mới có thể phát triển tốt, cao lớn và khỏe mạnh.
Theo Xuân Ngọc (VnExpress)
linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ