Ăn uống lành mạnh giúp giảm nguy cơ dậy thì sớm

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm nguy cơ dậy thì sớm

7 thói quen đơn giản giúp giữ dáng ở tuổi U60

Những nguồn carbohydrate tốt nhất cho sức khỏe

Vì sao một lô dầu gội thảo dược Hanayuki bị thu hồi trên toàn quốc?

Tuổi già có cần kiêng đồ ăn nhiều dầu mỡ?

Dậy thì sớm: Không chỉ là thay đổi cơ thể

Dậy thì ở bé gái thường bắt đầu trong độ tuổi từ 8 đến 13, với các dấu hiệu như mọc mụn, phát triển ngực, tăng trưởng chiều cao... Kinh nguyệt lần đầu thường xảy ra khoảng 2 năm sau khi ngực bắt đầu phát triển.

Tuy chỉ khoảng 1% trẻ em tại Mỹ bị dậy thì sớm (trước 8 tuổi), xu hướng dậy thì sớm đang tăng nhanh. Tuổi trung bình có kinh nguyệt đầu tiên đã giảm từ 12,1 (năm 1995) xuống còn 11,9 (giai đoạn 2013-2017), theo Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia Mỹ.

Việc có kinh sớm không chỉ là biểu hiện giới tính mà còn kéo theo nhiều nguy cơ: trầm cảm, rối loạn ăn uống, lạm dụng chất kích thích ở tuổi vị thành niên. Khi trưởng thành, những người này có nguy cơ cao hơn mắc ung thư vú, bệnh tim, béo phì và các vấn đề sức khỏe khác.

Chế độ ăn có liên quan đến thời điểm dậy thì

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trung tâm ung thư Fred Hutchinson (Mỹ) xem xét hồ sơ sức khỏe của hơn 7.500 trẻ em từ 9-14 tuổi trong chương trình “Growing Up Today” (tạm dịch: “Lớn lên hôm nay”) từ năm 1996-2001 và từ năm 2004-2008. Trong khuôn khổ nghiên cứu, trẻ em tham gia được khảo sát chi tiết về chế độ ăn.

Các nhà nghiên cứu sử dụng 2 thang điểm:

- Một thang đánh giá mức độ “lành mạnh” của chế độ ăn, ưu tiên rau củ, đậu, ngũ cốc nguyên cám; trừ điểm nếu tiêu thụ thịt đỏ, thực phẩm nhiều muối, đường hoặc chất béo chuyển hóa.

- Thang thứ 2 đo mức độ gây viêm của chế độ ăn, trong đó các thực phẩm như nước ngọt, thịt chế biến và tinh bột tinh luyện được xem là gây viêm cao.

Kết quả: tuổi trung bình có kinh nguyệt là 13,1. Các bé gái ăn uống lành mạnh có xu hướng hành kinh muộn hơn một chút so với nhóm ăn uống kém lành mạnh. Ngược lại, các bé ăn nhiều thực phẩm gây viêm lại hành kinh sớm hơn.

Cũng cần lưu ý một số điểm hạn chế của nghiên cứu. Nghiên cứu này có tính chất quan sát, tức là chỉ phát hiện mối liên hệ, không khẳng định nguyên nhân. Các tác giả nghiên cứu cũng cho biết, mẫu tham gia chủ yếu là trẻ em da trắng, nên chưa đủ đa dạng để phản ánh toàn diện ở mọi nhóm chủng tộc và sắc tộc.

Mỡ cơ thể và hormone sinh dục: mối liên hệ ảnh hưởng tuổi dậy thì

Hormone sinh dục có thể ảnh hưởng bởi chế độ ăn

Hormone sinh dục có thể ảnh hưởng bởi chế độ ăn

Theo các nhà nghiên cứu, chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến hormone sinh dục. Một số thực phẩm lành mạnh có liên quan đến việc giảm estrogen – hormone đóng vai trò quan trọng cho việc phát triển ngực và thời điểm có kinh nguyệt. Tình trạng viêm cũng đã được chứng minh có tác động đến hormone sinh dục.

Tiến sĩ Erin Hennessy, Giám đốc chương trình ChildObesity180 tại Đại học Tufts (Mỹ), giải thích thêm: lượng mỡ thừa hoặc mô mỡ tạo ra hormone leptin, có thể kích hoạt quá trình dậy thì.

“Mô mỡ làm tăng leptin – chất gửi tín hiệu lên não, thúc đẩy dậy thì. Mỡ cũng ảnh hưởng tới estrogen, góp phần làm ngực phát triển sớm và có kinh sớm hơn,” bà Hennessy nói.

Ngoài chế độ ăn, yếu tố di truyền, môi trường sống, vận động thể chất và hoàn cảnh kinh tế – xã hội cũng tác động đến tuổi dậy thì.

Cha mẹ nên làm gì để hỗ trợ trẻ?

Tiến sĩ Hennessy đưa ra ba lời khuyên thực tế:

- Không tập trung thái quá vào cân nặng. Hãy xem cân nặng là một phần của sức khỏe, không phải toàn bộ.

- Ăn uống lành mạnh theo cả gia đình. Khi mọi người cùng áp dụng, kết quả sẽ tốt và bền vững hơn.

- Tạo khuôn khổ ăn uống không ép buộc. Cha mẹ không nên ép trẻ ăn hoặc sử dụng thức ăn như phần thưởng. Nên để trẻ cùng lên thực đơn và tham gia nấu ăn để hình thành thói quen lành mạnh.

Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cho cả gia đình

Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cho cả gia đình

Nếu cần tham khảo thêm, phụ huynh có thể tra cứu chương trình MyPlate của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) để biết khẩu phần dinh dưỡng theo từng độ tuổi. Nguyên tắc cơ bản gồm:

+ Ăn đa dạng thực phẩm bao gồm rau củ quả đủ màu sắc

+ Tối thiểu 50% tinh bột là ngũ cốc nguyên cám

+ Bổ sung đạm từ thịt nạc, cá, trứng, đậu, hạt

+ Sử dụng sữa ít béo hoặc sản phẩm thay thế phù hợp

+ Giảm muối, đường, chất béo bão hòa

“Không phân biệt cân nặng ra sao, một chế độ ăn lành mạnh luôn là nền tảng của sức khỏe,” Tiến sĩ Hennessy nhấn mạnh.

Đồng ý kiến, Tiến sĩ Rachel Whooten, bác sĩ nội tiết nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Massachusetts (Mỹ) cho biết, tuổi dậy thì là thời điểm vàng để xây dựng lại các thói quen sống tốt hơn.

“Đây là giai đoạn quan trọng để điều chỉnh dinh dưỡng, tăng cường vận động, cải thiện giấc ngủ và giảm thời gian dùng thiết bị điện tử,...Ngay cả khi trước đó ăn uống không lành mạnh, vẫn chưa muộn để thay đổi.” bà Whooten nhận định.

 
Đào Dung (Theo CNBC)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ