Cứu sống nữ bệnh nhân nguy kịch, đòi chuyển viện vì sỏi ống mật chủ

Nữ bệnh nhân từng nguy kịch vì sỏi ống mật chủ được bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cứu sống trước thềm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 - Ảnh: Viết Hảo

Bạn cần biết gì về các cơn đau do sỏi mật?

Infographic: 1 số dạng bệnh túi mật thường gặp

Các nguy cơ gây sỏi mật và biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà

Cẩn trọng với bùn túi mật - Tiền thân của sỏi mật!

Chiều 23/2, bác sỹ Nguyễn Văn Xáng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một nữ bệnh nhân bị sỏi ống mật chủ, trong tình trạng nguy kịch sau 72 giờ dùng kỹ thuật lọc máu tiên tục và thực hiện phẫu thuật.

Trước đó, vào 14h35 ngày 19/2, bà Nguyễn Thị Thu T. (60 tuổi, phường Phước Long, TP Nha Trang) nhập viện trong tình trạng: Sốt cao 39 độ, mệt mỏi, vàng mắt, vàng da, tụt huyết áp.

Sau khi thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán bà T. bị choáng nhiễm trùng tiêu điểm từ đường tiêu hóa, biến chứng suy đa tạng. Xét nghiệm cận lâm sàng: Suy đa cơ quan (gan, thận, máu, tim).

Dù bệnh nhân đang nguy kịch, người nhà đã giục bác sỹ cho chuyển vào TP. HCM để cứu chữa.

Tuy nhiên, các bác sỹ nhận định, bệnh nhân bị tụt huyết áp, nếu đi TP. HCM có thể sẽ tử vong trên đường.

Ngay lúc đó, các bác sỹ quyết định cho tiêm kháng sinh mạnh, kết hợp lọc máu liên tục để lấy chất độc. Sau 72 giờ lọc máu, huyết áp của bà T. cải thiện, các chức năng có dấu hiệu bình thường trở lại. Nữ bệnh nhân sau đó được chụp CT thì phát hiện sỏi ống mật chủ, gây nhiễm trùng máu - suy đa tạng. Sau đó, ê-kíp các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã phẫu thuật nội soi lấy ra một viên sỏi kích thước 11mm, trong ống mật có nhiều dịch đục.

Trao đổi với PV, bác sỹ Nguyễn Lương Kỹ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết, trường hợp này nếu các bác sỹ không xử trí kịp thời và áp dụng kỹ thuật lọc máu liên tục thì tính mạng bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm.

“Thời điểm khi người nhà xin đi TP. HCM thì bệnh nhân rất nặng, chúng tôi cũng rất trăn trở. Chúng tôi cố gắng thuyết phục gia đình ở lại nhưng cũng rất lo nhưng nếu cho đi TP. HCM thì vô cùng nguy hiểm, có nhiều trường hợp tương tự đã tử vong trên đường”, bác sỹ Kỹ tâm sự.

“Lọc máu liên tục thuộc nhóm kỹ thuật cao và bác sỹ phải liên tục theo dõi. Bây giờ bệnh nhân đã tỉnh táo, phục hồi tốt khiến chúng tôi rất vui, nhất là trước thềm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2”, bác sỹ Kỹ nói.

Theo các bác sỹ, khi chưa áp dụng kỹ thuật lọc máu liên tục thì những ca tương tự có tỷ lệ tử vong từ 75-100%. Chi phí lọc máu liên tục cũng khá cao, khoảng 18 triệu đồng/bệnh nhân/ngày.

Đang chăm sóc cho mẹ, con gái của T. cho biết, hiện tại bà đã ăn cháo, nói chuyện bình thường. “Nhờ các bác sỹ xử lý kịp thời, nhanh lẹ mới cứu sống được mẹ tôi”, con gái bà T. nói như biết ơn.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn