Muốn hạnh phúc: Hãy "dám bị ghét"

"Dám bị ghét" dẫn đường cho bạn trên nền tảng tâm lý học Adler

“Bệnh tật ư? Tại sao phải cam chịu”: Bí kíp chăm sóc sức khỏe từ cỏ lúa mì

Tự sự của trái tim: Thay đổi lối sống để tự cứu lấy chính mình

Áp dụng lý thuyết cú hích vào lĩnh vực sức khỏe

Hệ miễn dịch: Phương thuốc mạnh mẽ nhất của cơ thể

Tâm lý học Adler dưới góc nhìn người Nhật

Dám bị ghét là cuốn sách bán chạy ở Nhật trong năm 2014, sau đó được xuất bản sang tiếng Hàn, tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác. Marc Andreessen, doanh nhân huyền thoại của thung lũng Silicon nhận xét: “Dám bị ghét là sự kết hợp của tâm lý học Adler và chủ nghĩa triết học khắc kỷ, dưới hình thức đối thoại Socrates”. Đây là nhận xét ngắn gọn mà đầy đủ nhất dành cho cuốn sách tâm lý học dưới lớp vỏ self-help này.

Dám bị ghét phản ánh phần nào cá tính của 2 tác giả người Nhật đã tạo ra nó. Kishimi Ichiro là nhà triết học, tham gia giảng dạy về tâm lý học Adler và tư vấn cho thanh thiếu niên tại các phòng khám tâm lý. Với tư cách cố vấn của Hiệp hội Tâm lý học Adler Nhật Bản, ông đã dịch các nghiên cứu, bài viết của Alfred Adler sang tiếng Nhật, đồng thời là tác giả của cuốn Nhập môn Tâm lý học Adler.

Koga Fumitake là nhà văn tự do với nhiều tác phẩm bán chạy. Tình cờ gặp được tâm lý học Adler ở tuổi gần 30 tuổi, Koga Fumitake nhiều lần đến Kyoto gặp Kishimi Ichiro để đàm đạo về những tư tưởng thách thức lẽ thường trong bộ môn này. Những ghi chép của ông được thuật lại theo thể loại đối thoại trong triết học Hy Lạp cổ điển và trở thành cuốn sách Dám bị ghét.

Nhà tâm lý học Alfred Adler (1870-1937), người sáng lập trường phái tâm lý học cá nhân

Nhà tâm lý học Alfred Adler là người có tư tưởng khác biệt hoàn toàn so với “những người khổng lồ” của ngành tâm lý học là Sigmund Freud và Carl Jung. Thuyết mục đích của ông có thể thách thức, thậm chí là phủ định hoàn toàn niềm tin và thế giới quan hiện tại của chúng ta. Do đó, khi bắt đầu đọc Dám bị ghét, bạn phải bỏ qua định kiến cá nhân để có thể “can đảm” tìm hiểu và nghiền ngẫm tâm lý học Adler.

Làm thế nào để có được hạnh phúc?

Theo thuyết mục đích của Adler, để đạt được mục đích của mình, con người tạo ra những căn bệnh, những cảm xúc tiêu cực và lấy đó làm cái cớ để từ chối “hài hòa với xã hội”. Tâm lý học Adler không tiếp cận hiện tại như hậu quả của các sự kiện trong quá khứ, thay vào đó, cách diễn giải của nhà tâm lý học này có thể đánh “trúng tim đen” và gây khó chịu cho người lần đầu tiếp nhận.

Nếu bạn dễ nổi nóng, hãy ngẫm lại mục đích bạn sử dụng cảm xúc đó

Qua 5 đêm bàn luận và tranh biện, 2 nhân vật chàng thanh niên và triết gia đã động chạm tới nhiều vấn đề muôn thuở của con người: Tự do là gì, Hạnh phúc là gì, Cuộc đời của tôi có ý nghĩa gì,… Bằng việc xâu chuỗi những khái niệm này, bạn sẽ có được động lực để hạnh phúc: Đó là can đảm.

Theo tâm lý học Adler, bạn phải “dám bị ghét”, “dám bình thường” để “can đảm dám hạnh phúc”. Adler khai sáng cho người đọc về khái niệm tự do và lợi ích khi bạn thực hiện lối sống của mình, dám chấp nhận bản thân và cống hiến cho người khác.

Tuy nhiên, tâm lý học Adler không khuyến khích sự tranh giành quyền lực, thái độ ái kỷ, coi bản thân là trung tâm. Những khúc mắc, băn khoăn của người đọc được bày tỏ thông qua nhân vật chàng thanh niên. Bằng hình thức đối thoại hấp dẫn và gay cấn, triết gia sẽ giải đáp, tháo gỡ những khúc mắc ấy và dẫn bạn gần hơn tới sự thấu hiểu tâm lý học Adler.

Trong đêm đàm đạo cuối, triết gia nói rằng: “Để thực sự hiểu tâm lý học Adler đến mức thay đổi được cách sống thì phải mất một thời gian tương đương với nửa quãng đời đã sống”. Tuy nhiên, thời khắc bạn quyết định thay đổi bản thân và trở nên hạnh phúc không bao giờ là muộn. Dù chưa thể nắm vững tâm lý học Adler trong Dám bị ghét, bạn đọc hoàn toàn có thể học cách kiểm soát những thái độ của mình khi đối diện với những biến cố của cuộc đời.

Cuốn "Dám bị ghét" do Nhã Nam phát hành.

Giá bìa: 96.000 đồng.

Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa