Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lần đầu trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội - Ảnh: Media Quốc hội.
ĐBQH: Cần huy động sức mạnh của hệ thống y tế tư nhân (kỳ I)
Chất vấn ngành Y tế tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Cử tri mong muốn các giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV
Đúng 8 giờ sáng nay (10/11), dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bắt đầu tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế.
Là người đầu tiên ngồi "ghế nóng", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận được nhiều chất vấn của các đại biểu.
Tại phiên chất vấn các đại biểu: Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu); Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình); Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp); Đinh Ngọc Sỹ (Bình Thuận); Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương); Đinh Văn Đức (Đắk Lắk); Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn);... chất vấn Bộ trưởng về giải pháp triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128/NQ-CP trên phạm vi toàn quốc; tổ chức cách ly F1 tại nhà; quản lý giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2; quản lý bệnh viện công; sản xuất kit xét nghiệm trong nước; phân bổ vaccine và tiêm vaccine cho trẻ em; đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, tránh chảy máu chất xám; nâng cao chất lượng công tác dự báo diễn biến dịch; tham mưu, triển khai chiến lược vaccine công bằng; vấn đề cán bộ y tế sai phạm, vướng vào lao lý; nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước...
Cán bộ y tế vướng lao lý là "hết sức đau lòng"
Trả lời câu hỏi của hai ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) và Trịnh Xuân An (Đồng Nai) liên quan đến nhân lực y tế chất lượng cao và tình trạng hàng loạt cán bộ bộ y tế vướng vào vòng lao lý khi sai phạm trong đấu thầu và mua bán thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, đây là những vụ việc “hết sức đau lòng”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, bên cạnh nguyên nhân chủ quan, có những nguyên nhân khách quan. Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản để quy định, hướng dẫn trong lĩnh vực này; thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm.
“Chúng tôi lên án, mặt khác Bộ tiếp tục rà soát những vấn đề phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát với các đơn vị để ngăn ngừa, phòng chống, đấu tranh các trường hợp vi phạm”, Bộ trưởng Long nói.
Với câu hỏi “Vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế?” của đại biểu Trịnh Xuân An, tư lệnh ngành y tế khẳng định, Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát những hướng dẫn, thể chế liên quan đến quản lý và tăng cường kiểm tra, giám sát mua sắm, đầu thầu, phân cấp phân quyền.
Người đã tiêm 2 mũi, đi cùng thang máy với F0 có bị cách ly tập trung?
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt vấn đề, nhiều cử tri sống chung cư lo lắng về việc bắt buộc đưa F1 đưa đi cách ly tập trung mà không xem xét trường hợp cụ thể. Ví dụ, người tiêm 2 mũi, thực hiện 5K, chỉ tiếp xúc vài giây trong thang máy với F0 vẫn phải đi cách ly tập trung 14 ngày, trong khi đủ điều kiện cách ly tại nhà. "Ý kiến Bộ trưởng như thế nào?".
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giải đáp, dựa trên Nghị quyết về thích ứng an toàn, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc xét nghiệm, cách ly với trường hợp đi từ vùng dịch trở về. Người đã tiêm đủ hai liều vaccine, chỉ cần theo dõi y tế tại nhà 7 ngày và xét nghiệm ngày thứ nhất. Với F0 khỏi bệnh cũng tương tự như vậy.
Với người chưa tiêm vaccine thì phải cách ly tại nhà 14 ngày. Tuy nhiên, theo ông Long, tùy thuộc vào từng địa phương, nhất là khu vực có mật độ dân cư cao như chung cư mà chưa tiêm vaccine nhiều thì cố gắng đảm bảo cách ly linh hoạt để an toàn.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường giơ biển tranh luận. Theo ông Cường, "tôi thấy câu trả lời của Bộ trưởng chưa rõ, nhiều cử tri gọi cho tôi hỏi vấn đề cụ thể và phổ biến là người tiêm đủ hai mũi vaccine, đeo khẩu trang, không tiếp xúc và chẳng may đi cùng thang máy với F0 thì trong trường hợp này có bắt buộc phải cách ly tập trung hay không?"
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thừa nhận vấn đề này đã xảy ra với một vài địa phương, trong đó có Hà Nội. "Chúng tôi đã trao đổi với thành phố Hà Nội, với những trường hợp như vậy, chúng ta không bắt buộc phải cách ly tập trung 14 ngày, và trong hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rất rõ", Bộ trưởng nói và cho biết thêm, với những trường hợp này chỉ cần cách ly tại nhà 7 ngày.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, "với người tiêm vaccine hai mũi ra sao, người tiêm một mũi, người chưa tiêm và người khỏi bệnh như thế nào".
Giá xét nghiệm mỗi nơi một kiểu, có buông lỏng hay không?
Cơ bản thống nhất với những ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về quản lý giá xét nghiệm, tuy nhiên đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nêu thêm ý kiến tranh luận có hay không chuyện Bộ Y tế buông lỏng giá xét nghiệm COVID-19, dẫn đến mỗi địa phương một giá. “Tôi cho rằng đây là một thiếu sót”, ông Hòa nói.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, về trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán, trước đây, ông Long khẳng định không thuộc mặt hàng quản lý theo Luật Giá. Giá cả của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng, các nước. Giá sinh phẩm cũng khác nhau qua từng thời điểm, nếu cung ít - cầu nhiều thì giá thành cao hơn.
Theo Bộ trưởng, đối với giá xét nghiệm của các đơn vị y tế công lập thực hiện theo quy định của Bộ Y tế là thực thanh thực chi; đối với các đơn vị y tế tư nhân, giá là do đơn vị tự chịu trách nhiệm nhưng phải niêm yết, phải công khai.
Bộ trưởng xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, để trên cơ sở đó cùng với các đơn vị chức năng đưa ra những hình thức tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc giá xét nghiệm của các đơn vị tư nhân.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị đối với các địa phương cũng tăng cường việc kiểm tra, giám sát và cho biết Bộ Y tế đã có văn bản gửi cho các địa phương đối với việc này.
Bộ Y tế cũng đã nhận thấy trách nhiệm và đã có triển khai rất quyết liệt trong thời gian qua. Vì vậy, Bộ Y tế cũng đã chính thức đưa mặt hàng về sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng về quản lý giá.
Bộ trưởng khẳng định: Tới đây chắc chắn rằng việc giá xét nghiệm sẽ từng bước được điều chỉnh và trên một quan điểm chung là cố gắng hạ được giá xét nghiệm để bảo đảm cho vấn đề về thực thi những biện pháp về phòng, chống dịch cũng như bảo đảm hiệu quả.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (10 - 12/11). Trong đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long là thành viên Chính phủ ngồi “ghế nóng” đầu tiên. Hoạt động chất vấn thực hiện theo hình thức "hỏi nhanh, đáp gọn". Mỗi lượt sẽ có 3-5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút; người trả lời chất vấn sẽ giải đáp không quá 3 phút cho 1 câu hỏi, trường hợp đại biểu Quốc hội chưa đồng ý với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng đăng ký tranh luận, thời gian tranh luận không quá 2 phút. Thông tin tranh luận được yêu cầu "chính xác, đúng phạm vi chất vấn; không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn và không tranh luận giữa các đại biểu với nhau".
Bình luận của bạn