ĐBQH: Cần huy động sức mạnh của hệ thống y tế tư nhân (kỳ I)

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP.HCM - Ảnh: VGP.

Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp "3 tầng" chống dịch COVID-19

Đoàn đại biểu Quốc hội thăm nhà máy sữa Vinamilk tại Campuchia

Chất vấn ngành Y tế tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Cử tri mong muốn các giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19

Theo đó, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch cho năm 2022. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu dành thời gian để đánh giá về công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua.

Được phát biểu tối đa 7 phút, các đại biểu đã nhấn mạnh những kết quả đạt được và thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong phòng chống dịch của đợt bùng dịch lần thứ 4 vừa qua. Trong đó, đặc biệt vấn đề thực trạng y tế cơ sở nói chung và sự vào cuộc của y tế tư nhân nói riêng đang được nhiều đại biểu quan tâm, đưa ra thảo luận tại Quốc hội.

Nhắc lại về cuộc chiến chống dịch ở TP.HCM như bài học xương máu, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, đã có nhiều hy sinh, mất mát trong cuộc chiến chống dịch vừa qua khi có hơn 22.000 đồng bào ra đi vì COVID-19, chưa kể nhiều bệnh nhân khác thiệt mạng gián tiếp do chưa được chăm sóc tốt.

"Cần xem lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở, hiện chỉ 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở cũng 'không đáng kể gì đâu so với nhu cầu'. Trong khi nhiều địa phương thực hiện việc này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó cần có chính sách xuyên suốt, chủ trương quan điểm chỉ đạo của Chính phủ với Bộ Y tế về xây dựng y tế cơ sở", ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm của TP.HCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chỉ ra, chính sách hiện nay đang "chắp vá", thay đổi liên tục. Đơn cử như từ trung tâm y tế quận huyện chia làm ba phần bệnh viện, y tế dự phòng, phòng y tế…, dẫn tới bệnh viện chưa phải là bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng "què quặt", còn phòng y tế chỉ làm công việc hành chính, đã yếu còn thiếu.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, thời gian vừa qua chúng ta đã "bỏ quên" lực lượng y tế tư nhân, lực lượng này chưa được huy động kịp thời, chưa có cơ chế tham gia phòng chống dịch thế nào cho đúng. "Về vaccine, hiện nay chúng ta chưa cho phép vaccine dịch vụ. Theo tôi, vaccine dịch vụ cũng là hình thức để xã hội đóng góp"- vị đại biểu TP.HCM nói.

Cũng tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 8/11, Đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) đã kiến nghị đến Chính phủ 6 giải pháp căn cơ hơn trong công tác phòng chống dịch để đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, nền kinh tế nhanh chóng phục hồi. Trong đó, giải pháp thứ 6 là tích cực trong nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị và sự huy động y tế tư nhân tham gia vào chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, đại biểu Hậu Giang kiến nghị, nên áp dụng tương tự chi trả như cơ sở y tế công lập, những chi phí khác dựa trên minh bạch và sự tự nguyện của người dân.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của y tế tư nhân cũng được nhắc đến bởi đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) khi bàn về chính sách thu ngân sách thông qua 5 biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, biện pháp thứ 4 được đại biểu Hà Nội chia sẻ rằng: "Cần tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định, vững chắc để huy động sức mạnh của hệ thống y tế tư nhân vào công cuộc phòng, chống dịch, khắc phục những thiếu hụt, hạn chế của hệ thống y tế công lập".

Liên quan đến chính sách cho cơ sở y tế tư nhân điều trị COVID-19 và tiêm vaccine có thu phí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng chia sẻ, lực lượng y tế tư nhân đã được huy động rất sớm để tham gia chống dịch. Điển hình như tháng 7/2021, khi vào TP. HCM, Bộ Y tế đã gặp lãnh đạo tất cả bệnh viện tư nhân trên địa bàn để kêu gọi tham gia chăm sóc, điều trị F0, tiêm chủng...Và rất nhiều bệnh viện tư nhân đã hợp tác, dành một nửa số giường để điều trị COVID-19.

Tuy nhiên, theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A nên bệnh nhân được bảo hiểm y tế hoặc nhà nước chi trả toàn bộ phí điều trị.

"Thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị dịch vụ COVID-19, người dân sẽ có thêm lựa chọn" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

 
Hiệp Nguyễn H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn