Đề nghị tăng thẩm quyền cho cảnh sát môi trường


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hộiLê Thị Nga cho rằng, chỉ cần vận dụng triệt để hệ thống pháp luật hiện hành đã đủ xử lý rốt ráo nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng pháp luật bảo vệ môi trường đang gây bức xúc dư luận.

- Hàng loạt vụ vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường nghiêm trọng như Vedan, TungKuang Hải Dương, Nicotex Thanh Hóa, Hào Dương... bị phát hiện nhưng chẳng thấy cơ sở nào bị đóng cửa, vì sao, thưa bà?

Bà Lê Thị Nga: Là do Luật Bảo vệ môi trường đã không được chấp hành nghiêm. Pháp luật về cơ bản chẳng vướng gì, vấn đề là cơ quan chức năng các địa phương không áp dụng triệt để. Nhiều nơi hay viện lý do không đủ cơ sở quy trách nhiệm của pháp nhân. Kỳ thực, nếu có trách nhiệm hình sự của pháp nhân thì cuối cùng cũng đưa đến hình phạt đình chỉ hoạt động hoặc tạm đình chỉ hoạt động và sau đó phải bồi thường. Như thế, về bản chất, không bỏ tù được pháp nhân. Thậm chí còn chưa có cơ sở nào bị đình chỉ hoạt động.

- Vậy những vụ như Nicotex Thanh Thái đã có thể xử lý hình sự được, thưa bà?

Với trường hợp nhiều doanh nghiệp vi phạm cùng xả thải ra một dòng sông thì khó "phân chia" vi phạm, chứ sai phạm hiển nhiên như công ty Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa) đã đủ căn cứ khởi tố hình sự. Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đã quy định cụ thể vi phạm "đặc biệt nghiêm trọng" là sử dụng hóa chất độc gấp 5-10 lần, nhưng Nicotex Thanh Thái vi phạm tới 9.000 lần thì tại sao không khởi tố? Chí ít cũng phải khởi tố vụ án.


Người dân bức xúc, nghi ngờ về tính công minh trong xử lý các vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường (Ảnh: Những thùng thuốc sâu của công ty Nicotex Thanh Thái
chôn dưới đất bị người dân phát hiện)

- Vậy vì sao nhiều doanh nghiệp cứ liên tục tái vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong suốt thời gian dài?

Ở đây có sự thiếu trách nhiệm, thậm chí dung túng, bao che. Những vụ việc lớn bị phanh phui vừa qua không thể không dính dáng đến trách nhiệm của cán bộ quản lý môi trường. Cùng với đó, cán bộ thanh tra, kiểm tra đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí có cả dấu hiệu vụ lợi hoặc làm ngơ trước vi phạm. Ngoài ra, việc không giải quyết thỏa đáng kiếu nại, tố cáo của người dân, trong đó có vụ đã tố cáo hàng chục năm hoặc ngay cả khi công luận đã lên tiếng, cũng làm cho người dân phản ứng, nghi ngờ về tính công minh, thậm chí nghi ngờ cả việc cơ quan chức năng bao che vi phạm. Vụ Nicotex, Hào Dương là hai vụ gần đây nhất có nhiều nghi vấn. Thực trạng buông lỏng quản lý, dung túng, bao che nêu trên là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân phản ứng tự phát và có những hành động vượt quá quy định cho phép.

- Có giải pháp nào để lập lại trật tự trong thực thi pháp luật bảo vệ môi trường?

Tôi đề nghị thay đổi cách đánh giá khi có sự cố xảy ra. Thay vì quy lỗi cho thể chế, cho luật, hãy tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành, nhất là Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm cả về hành chính và hình sự, không chỉ đối với người trực tiếp vi phạm mà cả những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý Nhà nước. Trước mắt, cần xắn tay vào làm ngay đối với các vụ việc mà ĐBQH và cử tri đang bức xúc hiện nay.

Từ thực tế người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tự bảo vệ, tự thu thập chứng cứ theo đuổi các vụ kiện vi phạm pháp luật môi trường, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chủ trì, phối hợp với MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân, các tổ chức luật sư, luật gia, xây dựng cơ chế hữu hiệu hỗ trợ người dân cả về pháp lý và khắc phục hậu quả ổn định đời sống. Nhất thiết không để người dân rơi vào tình trạng không được bảo vệ tốt và hành động tự phát. Đặc biệt, cần tăng thẩm quyền và kiện toàn tổ chức phương tiện làm việc cho cảnh sát môi trường.

- Xin cảm ơn bà.
doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý