Đề xuất tích hợp đăng ký hiến tạng trên bằng lái xe, căn cước công dân

Thẻ căn cước công dân gắn chip có thể tích hợp thêm nhiều thông tin về y tế

Cứu sống 5 bệnh nhân từ 6 tạng của một người hiến tạng chết não

Hiến tạng cho người dưng

Bạn có biết máu hiến tặng được sử dụng như thế nào?

5 biện pháp phòng, chống cúm mùa theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Ngày 6/2, Bộ Y tế và Hội Khoa học Kinh tế - y tế Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về Đăng ký hiến và phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiến tặng mô, bộ phận cơ thể để cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, một món quà vô giá giúp kéo dài sự sống cho những người bệnh bị suy mô, tạng. Thực trạng nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam là rất lớn, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm.

Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giảng dạy, ngày 29/11/2006 Quốc hội đã thông qua Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

Qua hơn 15 năm thi hành, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có quy định về đăng ký hiến và vấn đề phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người. Hội thảo khoa học được tổ chức nhằm thực hiện quy trình xây dựng Luật và để có cơ sở đề xuất, hoàn thiện các chính sách trong dự án Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người (sửa đổi).

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất và cần sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, trong đó bổ sung hình thức đăng ký và cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng, tích hợp trên bằng lái xe hoặc căn cước công dân (CCCD).

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, việc tích hợp này sẽ giúp tăng lượng người đăng ký hiến tạng lên nhiều lần. Ông lý giải: "Việc đăng ký hiến tạng qua bằng lái xe và CCCD sẽ giúp hầu hết tiếp cận với mọi công dân khi đến tuổi trưởng thành. Khi người dân thi bằng lái xe hoặc làm CCCD sẽ được hỏi về việc có đồng ý hiến tạng hay không."

Đồng thời, việc tích hợp cũng thuận lợi xác định tâm nguyện người hiến tạng chết não (trong các trường hợp tai nạn giao thông hoặc các hoàn cảnh khác có liên quan).

Tính đến hết năm 2022, cả nước có 63.552 trường hợp đăng ký hiến sau khi chết, chết não. Ngành y tế đã thực hiện ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người với 7.297 ca ghép tạng. Những kết quả đăng ký hiến, ghép trong thời gian qua đã giúp cứu chữa, duy trì sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân bị suy mô, tạng.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội