Theo một bài viết đăng trên tạp chíClinical Journal củaHiệp hội Thận học Mỹ, các nhà nghiên cứu Đài Loan đã phát hiện đi bộ thường xuyên giúp bệnh nhân thận sống lâu hơn, đồng thời làm giảm nguy cơ phải lọc máu hoặc ghép thận.
Ảnh: prevention. |
"Chỉ cần đi bộ ở mức tối thiểu một lần mỗi tuần trong chưa đầy 30 phút là đã có lợi cho sức khỏe của bạn, thường xuyên đi bộ sẽ cung cấp hiệu ứng tích cực hơn", đồng tác giả, tiến sĩ Che- Yi Chou, làm việc tại bệnh viện đại học ở Đài Trung, cho biết.
Nhóm của ông đã theo dõi hơn 6.300 người dân Đài Loan bị bệnh thận mãn tính với độ tuổi trung bình 70. Các bệnh nhân được theo dõi trung bình 1,3 năm và khoảng 21 phần trăm cho biết đi bộ là dạng vận động phổ biến nhất của họ.
Nhìn chung, bệnh nhân đã đi bộ giảm được 1/3 nguy cơ tử vong trong thời gian nghiên cứu và có thể giảm 21% nguy cơ phải chạy thận hoặc ghép thận so với người không đi bộ.
Và nếu bệnh nhân đi bộ càng nhiều thì hiệu quả càng tích cực hơn. So với người không đi bộ, những người đi 1-2, 3-4, 5-6 và 7 hoặc nhiều lần trong một tuần có thể giảm 17%, 28%, 58%, và 59% khả năng tử vong tương ứng, các nhà nghiên cứu cho biết.
Họ cũng có thể giảm tương ứng 19%, 27%, 43% và 44% khả năng phải chạy thận hoặc ghép thận.
Sự khác biệt này không chỉ ra rằng những người đi bộ có thể chất khỏe hơn người không đi bộ - các nhà nghiên cứu lưu ý rằng cả người đi bộ và không đi bộ đều có nguy cơ như nhau trong việc mắc các căn bệnh khác, như bệnh tim, tiểu đường.
Nhiều bệnh nhân thận đi bộ để tập thể dục sẽ có thể góp phần cải thiện sức khỏe và giúp bệnh nhân làm giảm nguy cơ phải chạy thận nhân tạo.
Bình luận của bạn