Dị tật đầu nhỏ ảnh hưởng gì đến sự phát triển của trẻ?

Virus Zika có thể là nguyên nhân gây ra dị tật đầu nhỏ ở thai nhi

Đang mang thai có nên xét nghiệm virus Zika không?

Nhiễm virus Zika: Cẩn thận không nhầm lẫn với cúm

NÓNG: Việt Nam xác nhận ca mắc hội chứng đầu nhỏ do virus Zika đầu tiên

30 bệnh viện xét nghiệm virus Zika miễn phí

Chào bạn!

Dị tật đầu nhỏ là vòng đầu của trẻ sơ sinh nhỏ hơn ngưỡng trung bình, kèm theo teo vỏ não, não mịn, không có nếp nhăn, dẫn đến tình trạng chậm phát triển. 

Dị tật đầu nhỏ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như: Bào thai bị nhiễm virus sởi rubella, virus cự bào hay ký sinh trùng gây bệnh tosoplasma ở mèo; Bào thai bị nhiễm độc cồn, thủy ngân hay phóng xạ; Hoặc do người mẹ bị mất cân bằng dinh dưỡng, bệnh đái tháo đường. Bệnh cũng có thể do đột biến gene, bao gồm hội chứng Down gây ra. Gần đây, các nhà khoa học cũng phát hiện virus Zika có liên quan tới dị tật đầu nhỏ ở trẻ. 

Bên cạnh tổn thương não, dị tật đầu nhỏ còn gây tác hại xấu tới các bộ phận khác của cơ thể như: Tổn thương võng mạc, thoái hóa điểm vàng, giảm thị lực, biến dạng khuôn mặt, còi xương, suy dinh dưỡng. Dị tật đầu nhỏ cũng có thể gây ra chứng tăng động, động kinh và khiến trẻ bị khuyết tật trí tuệ.

Hiện nay các nhà khoa học chưa tìm ra phương pháp cụ thể để điều trị hoàn toàn hội chứng đầu nhỏ. Tuy nhiên, khi trẻ mắc bênh, các bác sỹ có thể điều trị co giật, điều chỉnh các hành vi khác thường, giúp trẻ phát triển. Trẻ bị dị tật đầu nhỏ mức độ nhẹ cần được thăm khám thường xuyên để được giám sát và tư vấn cách phát triển. Những trẻ bị nặng cần điều trị suốt cuộc đời để kiểm soát triệu chứng, đặc biệt là co giật, có thể đe dọa tính mạng. Trẻ bị chứng đầu nhỏ được điều trị bằng: 

- Thuốc kiểm soát co giật, cải thiện chức năng thần kinh và cơ bắp;

- Ngôn ngữ trị liệu;

- Vật lý trị liệu.

Để ngăn ngừa chứng đầu nhỏ, phụ nữ mang thai cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và bổ sung vitamin trước khi sinh; Không nên uống rượu, hút thuốc; Tránh xa các hóa chất; Rửa tay thường xuyên; Khám thai định kỳ; Thực hiện các biện pháp phòng ngừa muỗi và côn trùng đốt... Nếu có dấu hiệu sốt, phát ban... trong thai kỳ, cần đi khám ngay lập tức để được theo dõi và tư vấn.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe! 

Bác sỹ nội trú Nguyễn Quốc Thái -  Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai

Gia Hân H+ (Thực hiện)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị