Y tế tuần qua: Chính thức ra mắt Cổng công khai y tế, thành lập trường ĐH Y Dược

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao quyết định thành lập trường Đại học Y Dược - Ảnh: MOH

Chính thức khai trương Cổng công khai y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế: Sẽ công khai tất cả các dịch vụ công của ngành y tế

Y tế tuần qua: Bộ Y tế có Bộ trưởng mới, Việt Nam có thêm 30 người mắc Covid-19

Bộ Y tế "phái" 7 đoàn công tác giúp miền Trung khắc phục mưa lũ

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận nhiệm vụ từ Thủ tướng Chính phủ

Chiều 15/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế cho ông Nguyễn Thanh Long kèm với đó là 10 nhiệm vụ quan trọng mà “tư lệnh ngành Y” cần đôn đốc thực hiện ngay. Thủ tướng cho biết ngành y tế đặc biệt do liên quan đến quyền lợi, sức khỏe con người. Bộ trưởng thay mặt Đảng, Nhà nước, điều hành hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phục vụ người dân.

10 nhiệm vụ mà Thủ tướng đưa ra cho Tân bộ trưởng là: Kiểm soát tốt dịch Covid-19 cùng các dịch bệnh truyền nhiễm khác; Nâng cao dịch vụ khám chưa bệnh; Kiểm soát tình trạng quá tải ở bệnh viện và công khai dịch vụ y tế; Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học và khu CN; Mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế; Chấn chỉnh nguồn lực y tế trong cả nước; Tăng cường y tế dự phòng và khám chữa bệnh từ xa; Nâng cao nội lực; Đổi mới công tác đào tạo phát triển nhân lực; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong ngành y.

Khai trương Cổng công khai y tế

Nhằm giúp người dân có được sự thuận tiện nhất khi sử dụng hay giám sát và tham gia các dịch vụ y tế, Bộ Y tế đã chính thức khai trương Cổng công khai y tế. Với phương châm người dân có quyền được biết và giám sát các dịch vụ do ngành y tế cung cấp, việc mở Cổng công khai y tế là điều cần thiết phải làm. Thông qua Cổng Công khai Y tế, người dân sẽ thực hiện quyền được biết và giám sát các dịch vụ mà ngành y tế cung cấp. Sẽ có 5 lĩnh vực y tế được công khai gồm: Công khai về dược; Công khai về trang thiết bị y tế; Công khai về lĩnh vực thực phẩm chức năng; Công khai giá dịch vụ y tế, Công khai về thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục cấp phép đối với dược, trang thiết bị y tế.

Thành lập trường Đại học Y Dược

Sáng 18/11, lễ trao quyết định thành lập Trường Đại học (ĐH) Y Dược đã chính thức được diễn ra, gần 1 tháng sau khi Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1666/QĐ-TTg về việc thành lập Trường ĐH Y Dược (tiền thân là khoa Y Dược, trường ĐH Quốc gia Hà Nội được thành lập từ cách đây đúng 10 năm). Trường ĐH Y Dược ra đời sẽ tiếp tục phương châm hành động là xây dựng môi trường tiên tiến trong đào tạo và nghiên cứu khoa học sức khỏe, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng đất nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết ông mong trường sẽ đào tạo ra những nhà khoa học, bác sĩ, điều dưỡng viên giỏi. Trường cũng phải trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu đỉnh cao, cơ sở đào tạo nhân lực quan trọng của ngành Y tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đến dự lễ trao quyết định thành lập Trường ĐH Y Dược - Ảnh MOH

Thành lập hội đồng tư vấn cấp phép lưu hành thiết bị y tế

Chiều ngày 18/11/2020, Bộ Y tế công bố Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn, cấp phép lưu hành trang thiết bị y tế. Tân Bộ trương Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã tham dự buổi lễ và trao quyết định thành lập Hội đồng. Theo quyết định số 4353/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Hội đồng tư vấn, cấp phép lưu hành trang thiết bị y tế có 17 thành viên. GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, là Chủ tịch Hội đồng. Việc thành lập Hội đồng này nhằm minh bạch và công khai toàn bộ hoạt động cấp phép trang thiết bị y tế.

Covid-19: Mỹ tiếp tục vật lộn với đại dịch, Việt Nam không có ca nhiễm mới ngoài cộng đồng

Về tình hình dịch Covid-19 tại thế giới, đến chiều 20/11, các quốc gia, vùng lãnh thổ đã ghi nhận tổng số trên 57,5 triệu ca mắc, trong đó có gần 1,4 triệu bệnh nhân tử vong. Trong ngày 19/11, Mỹ, Đức tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về số ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ với lần lượt 192.186 ca và 23.676 ca. Trong khi đó, tại Mexico, nước này đã vượt 100.000 ca tử vong, đứng thứ 4 thế giới. Tại Việt Nam, tính đến 18h ngày 20/11, cả nước đã ghi nhận tổng cộng 1.305 người mắc Covid-19, trong đó 691 trường hợp do lây nhiễm trong nước. Tuy nhiên 79 ngày vừa qua, chúng ta chưa ghi nhận ca mắc mới nào trong cộng đồng.

Vaccine khó kịp ra mắt trước làn sóng Covid-19 thứ 2

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa ra lời cảnh báo có thể vaccine phòng dịch Covid-19 sẽ không thể ra mắt kịp thời để khống chế vầ đẩy lùi làn sóng thứ hai của đại dịch này. Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan mới đây đã cho biết: "Vaccine không nên được coi như liều thuốc tiên. Tôi nghĩ rằng phải mất ít nhất 4 đến 6 tháng, các nước mới có thể tiêm chủng đại trà. Chúng ta chưa có vaccine. Nhiều quốc gia đang trải qua làn sóng thứ hai. Họ phải tiếp tục vượt qua nó mà không có vaccine. Chúng ta nên hiểu rõ điều đó, đồng thời nhận thức rằng phải chiến đấu mà không cần đến vaccine". Đến nay, thế giới có hơn 100 loại vaccine đang trong giai đoạn phát triển. 12 ứng viên đã tiến đến thử nghiệm giai đoạn cuối.

Trung Quốc tiêm vaccine Covid-19 cho gần 1 triệu người

Theo thông tin từ báo giới Trung Quốc, gần 1 triệu người dân nước này đã được dùng thử nghiệm vaccine Covid-19 do Tập đoàn Sinopharm phát triển thông qua chương trình sử dụng khẩn cấp của đất nước. Các loại vắc xin thử nghiệm đang trải qua giai đoạn 3 ở nước ngoài với gần 60.000 người tham gia. Các mẫu máu của hơn 40.000 người đã được lấy 14 ngày sau khi họ uống liều thứ hai. Trong số các nhân viên dự án xây dựng, nhà ngoại giao và sinh viên đã ra nước ngoài sau khi uống vắc xin của Sinopharm, không ai bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên các chuyên gia đã cảnh báo chưa thể khẳng định điều gì và cần có kết quả so sánh từ nhóm đối chứng tiêu chuẩn thử nghiệm lâm sàng. 

Phương Lâm H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn