Đặc tính chung của nhóm sulfonylure
Sulfonylure kích thích tế bào bêta tuyến tụy sản xuất thêm insulin (khi bị suy yếu không sản xuất đủ). Cơ chế: ức chế ATP nhạy cảm với kênh K+, chặn kênh K+, khử cực màng tế bào, tạo ra điện áp ở kênh Ca++, làm tăng dòng Ca++ đi vào nội bào của tế bào bêta tuyến tụy, kích thích tiết ra insulin. Hiệu lực lệ thuộc vào khả năng tiết insulin của tế bào bêta tuyến tụy của từng người.
Theo dó thuốc chỉ dùng cho đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2. Không dùng cho ĐTĐ týp 1 (vì tuyến tụy đã hỏng không thể kích thích sản xuất insulin) không dùng cho người. ĐTĐ có tiền hôn mê hay hôn mê, không dùng cho người toan máu (do tăng đường huyết).
Sulfonylure gây tai biến hạ đường huyết (đường huyết xuống mức <70mg/dL). Biểu hiện: vã mồ hôi, run, cảm giác đói, xanh xao, cảm giác kiến bò quanh miệng; căng thẳng, bồn chồn, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ thị giác phát âm, cử động loạng choạng, liệt. Biểu hiện nặng hơn: hôn mê, co giật, mất ý thức. Các thuốc như: steroid đồng hóa, hoóc-môn sinh dục nam, ức chế men chuyển, thuốc chống đông (dẫn chất coumarin), thuốc tâm thần (phenylbutazon, IMAO, fluoxetin), kháng sinh (tetracyclin, chloramphenicol, quinolon, miconazol), thuốc thải uric (sulfipyrazon, probenecid), có tính gây hạ đường huyết sẽ cộng hợp với tác dụng hạ đường huyết của sulfonylure, có thể gây ra tai biến hạ đường huyết nặng.
Không có dữ liệu ở người có thai, cho con bú, chưa phát hiện gây quái thai, tuy nhiên để cẩn thận không dùng sulfonylure cho người có thai.
Sulfonylure dùng dạng uống, hấp thu tốt, thức ăn làm giảm hấp thu thuốc. Chuyển hóa hoàn toàn ở gan thành các chất có hoạt tính. Đào thải qua đường niệu. Thời gian thải trừ không ảnh hưởng đến hiệu lực thuốc. Người có chức năng thận bình thường thì không có ảnh hưởng gì quan trọng đến hiệu lực thuốc.
Nhóm sulfonylure kích thích tuyến tụy sản xuất ra insulin nên phải dùng vào thời điểm thích so với với bữa ăn để có đủ insulin làm giảm đường huyết sau ăn (chi tiết thay đổi theo từng chất). Thận trọng khi dùng cho người tuổi già, người suy gan, suy thận nặng, người suy tuyến giáp, tuyến yên, tuyến thượng thận, người không tuân thủ chế độ ăn và luyện tập, người lái xe vận hành máy (vì đối tượng này dễ bị tai biến hạ đường huyết). Khi đang dùng các thuốc ĐTĐ khác nếu muốn chuyển sang dùng nhóm thuốc sulfonylure thì phải nghỉ vài ngày trong giai đoạn chuyển tiếp thuốc.
Các sulfonylure thường dùng
Các sulfonyl thế hệ 2: Glibenclamid, Glipizid, Glicrazid:
Chúng có các tính chất chung của nhóm sulfonylure nhưng mỗi loại có mức độ riêng, do đó, cách dùng có khác nhau:
Về dược động học thời gian dùng thuốc: glinbenclamid: hấp thu khi uống nhưng phải sa 30 phút mới đạt được nồng độ có hiệu lực. Do đó, phải dùngglibenclami trước bữa ăn 30 phút.Glipizid: hấp thu đạt được nồng độ có hiệu lực ngay; do đó phải dùng glipizid ngay trước bữa ăn. Glicrazid: hấp thu hoàn toàn với tốc độ trung bình, nồng độ trong máu tăng dần, khoảng 6 giờ đạt mức ổn định và kéo dài đến giờ thứ 12. Thức ăn không ảnh hưởng đến tốc độ, lượng hấp thu. Glicrazid làm tăng tiết insulin ngay sau khi ăn, tăng đáp ứng insulin sau bữa ăn, sau đó tiếp tục tăng tiết insulin ở pha thứ nhì; do đó phải dùng glicrazid ngay cùng với lúc ăn.
Về tác dụng không mong muốn: mức gây tai biến hạ đường huyết khác nhau.
Glipizid: không gây tích lũy, hiếm khi gây tai biến hạ đường huyết. Không bị nhờn, dùng nhiều năm vẫn dung nạp tốt, vẫn có hiệu quả; chưa thấy các tác dụng phụ đáng kể. Người suy yếu, lớn tuổi có thể gặp vài tác dụng phụ nhẹ như: nôn đầy hơi, đau đầu, dị ứng da.
Glibenclamid: gây tai biến hạ đường huyết mạnh hơn glipizid. Theo những công bố gần đây, dùng glibenclamid có làm tăng tỉ lệ tử vong ĐTĐ so với dùng metformin và các thuốc làm tăng tiết insulin khác. Có thể gây ợ nóng, buồn nôn, đầy hơi, phát ban da, ban lan tỏa giống sởi. Hiếm khi gây vàng da ứ mật, hạ Na+ máu.
Glicrazid: gây tai biến hạ đường huyết nghiêm trọng hơn glibenclamid. Làm tăng enzyme gan trong một số trường hợp đặc biệt, có thể gây rối loạn tiêu hóa phản ứng da, rối loạn máu nhưng hiếm gặp hơn.
Về cách dùng cụ thể:
Glibenclamid: liều khởi đầu 1,75mg, sau tăng dần liều trong vài ngày, cho đến khi kiểm soát được đường huyết tối ưu. Viên 3,5mg. Liều dùng: 1/2 - 3 viên/ngày, chia làm 2 lần (dùng liều 3 viên thì 2 viên trước bữa ăn trưa, 1 viên trước bữa ăn tối).
Glipizid: khởi đầu 2,5 - 5mg/ ngày sau đó tăng liều dần trong vài ngày để đạt hiệu quả. Liều dùng: 2,5 - 30mg/ngày, tối đa 40mg/ ngày, chia 2 - 3 lần, dùng ngay trước bữa ăn.
Glicrazid: liều dùng 40 - 320mg/ ngày. Thông thường chỉ dùng mỗi ngày 1 lần (không quá 160mg) vào bữa sáng để đảm bảo có hiệu lực trong 24 giờ.
Sulfonyl thế hệ 3: Glimepirid:
Ngoài các tính chất chung của nhóm sulfonylure, có thêm một số chi tiết sau:
Về dược tính: có thêm tác dụng ngoài tụy: cải thiện sự nhạy cảm đáp ứng insulin của tế bào mô ngoại biên, làm giảm sự thu hồi insulin ở gan; làm tăng nhanh sự chuyên chở chủ động của màng tế bào cơ và mỡ, điều này sẽ giới hạn việc sử dụng và kích thích thu hồi glucose; làm tăng hoạt động phospholipase C, có thể hợp với việc tạo mỡ, tạo glycogen do tác động của thuốc trong tế bào mỡ và cơ biệt lập; làm tăng fructo-2,6 diphosphat nội bào, chất đến lượt nó sẽ ức chế sự tân tạo glucose. Kết quả tổng hợp cuối cùng làm giảm đường huyết.
Về dược động học: hấp thu hoàn toàn, nhanh, đạt nồng độ đỉnh sau 2,5 giờ, phân bổ khắp cơ thể. Thức ăn ảnh hưởng ít đến tốc độ nhưng không ảnh hưởng đến độ hấp thu. Thải trừ qua thận khoảng 60%, qua phân khoảng 40%, dưới dạng các chất chuyển hóa. Chu kỳ bán hủy chung (chất gốc và chất chuyển hóa): 5 - 8 giờ. Qua được màng nhau thai, qua màng não kém. Các thông số dược động học không thay đổi khi dùng liều lặp lại, cũng ít thay đổi theo từng người, không khác nhau nhiều ở người ĐTĐ và người khỏe mạnh. Không thấy hiện tượng tích lũy.
Tác dụng không mong muốn: glimepirid gây nguy cơ hạ đường huyết chỉ 2 - 4% thấp hơn glibenclamid gây nguy cơ hạ đường huyết đến 20 - 30%. Có thể gây rối loạn đường tiêu hóa, hiếm khi giảm bạch cầu tiểu cầu tán huyết, đôi khi có phản ứng dị ứng. Có độc tính với sự phát triển thai, gây quái thai (khi dùng liều cao).
Liều và cách dùng: liều thông thường 1 - 2mg/ ngày, dùng một lần, sau đó mỗi 1 - 2 tuần có thể tăng liều để đạt yêu cầu kiểm soát đường huyết (nếu cần thiết). Những trường hợp có suy gan suy thận chỉ dùng liều 1mg/ngày. Trường hợp cần thiết cũng có thể kết hợp với insulin (liều kết hợp cần tính toán kỹ, liều đề nghị trong kết hợp là 8mg/ngày). Liều tối đa 8mg/ngày. Trong các tuần đầu điều trị có thể xảy ra hạ đường huyết, cần theo dõi cẩn thận.
Làm thế nào dùng sulfonbylure có hiệu quả, an toàn?
Hiệu lực kiểm soát đường huyết của sulfonulure là do kích thích tuyến tụy sản xuất ra insulin làm giảm sự tăng đường huyết sau ăn. Nhưng do dược tính này, nếu dùng quá liều thì sulfonylure vượt quá giới hạn kiểm soát đường huyết và gây tai biến hạ đường huyết. Để có hiệu lực và tránh tại biến, phải dùng dùng sufonylure ở liều thích hợp. Thầy thuốc căn cứ vào tình trạng bệnh, chế độ ăn, làm việc luyện tập mà tính ra liều thích hợp.
- Không được ăn ít hơn bình thường, bỏ bữa, nhịn ăn (sẽ làm cho đường đầu vào bị giảm), hoặc không được làm việc luyện tập quá mức (sẽ làm cho lượng đường tiêu thụ tăng) hoặc không được làm cả hai việc này. Nếu vẫn dùng thuốc với liều cũ (thuốc vẫn giữ mức giảm đường huyết) mà làm như thế, đường huyết tổng thể sẽ giảm, người bệnh bị tai biến hạ đường huyết.
- Hàng ngày phải dùng thuốc đúng vào thời điểm nhất định so với bữa ăn, không được dùng thuốc lúc đói. Khi chuẩn bị hoạt động hay luyện tập mà đã đói (ăn đã lâu) thì nên ăn một chút gì đó để tránh hạ đường huyết lúc hoạt động luyện tập.
- Trong cách dùng thuốc ĐTĐ týp 2 mới, người ta thường phối hợp hai thuốc. Một ví dụ: phối hợp sulfonylure (như glibenclamid) với biguanid (như metformin). Khi phối hợp, thì sẽ tận dụng được 2 cơ chế kích thích tuyến tụy của sulfonylure và ức chế phóng thích glucose từ glycogen ở gan của biguanid nên làm tăng hiệu lực; mặt khác dùng liều mỗi thành phần chỉ bằng 40 - 60% so với liều khi dùng đơn lẻ, nên tránh được các tác dụng phụ (gây tai biến hạ huyết áp của sulfonylure, gây nhiễm lactic của biguanid).
- Người ĐTĐ cao tuổi, tuyến tụy suy yếu quá mức, không đáp ứng hay đáp ứng rất kém với sulfonylure, dễ rơi vào trạng thái mất bù, hôn mê do tăng đường huyết. Trong cách sử dụng thuốc ĐTĐ týp 2 mới, người ta thường phối hợp thêm thuốc tiêm insulin để tránh cho người bệnh khỏi rơi vào trạng thái này.
- Người ĐTĐ nên chuẩn bị sẵn gói đường khoảng 20g. Khi có tai biến hạ đường huyết nhẹ (người còn tỉnh táo) thì uống ngay số đường này. Khi bị tai biến hạ đường huyết nặng (không còn tỉnh táo) thì nhất thiết phải được cấp cứu ở bệnh viện.
Bình luận của bạn