Dùng thực phẩm chức năng như thế nào để có lợi?

Qua một số loại thực phẩm chức năng (TPCN) thường dùng đã chọn nêu trên, có thể thấy: TPCN nào cũng có một số hiệu lực hỗ trợ chữa bệnh, song chưa hoàn hảo, chưa hẳn đã có tất cả các công dụng như giới thiệu, thậm chí còn kèm theo các tác dụng không mong muốn (TDKMM) nhất thời hoặc kéo dài. Riêng trường hợp một số người dùng TPCN tự phát hiện bị: tăng huyết áp, tim đập nhanh, tăng cân, suy kiệt …) là do dùng không đúng loại, không đúng liều.

Dùng thực phẩm chức năng như thế nào để có lợi?

Không nên cho rằng TPCN là vô hại, dùng tùy tiện mà nên có cân nhắc: tìm hiểu kỹ thành phần tính năng có phù hợp với việc hỗ trợ chữa bệnh cho mình không, chứ không nên dùng theo quảng cáo hay dùng theo lời khen của người khác. Người tiêu dùng có quyền tự mua TPCN chứ không bắt buộc mua theo đơn như dược phẩm, nhưng nếu chưa hiểu kỹ thì nên hỏi ý kiến bác sĩ, lương y, dược sĩ.

Những TPCN có hàm lượng hoạt chất chức năng cao hay có thể gây TDKMM trên nhãn đều có ghi liều dùng, phải dùng đúng liều đã chỉ dẫn.

Làm được các điều trên sẽ dùng TPCN hợp lý an toàn.

Theo quy ước, chỉ đưa hoạt chất chức năng vào sản phẩm với một hàm lượng vừa đủ nhằm bù đắp lượng thiếu hụt nên với mức ăn thông thường hay ăn nhiều hơn một chút cũng không quá liều. Như vậy, chúng an toàn và không độc. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đã nảy sinh một số vấn đề:

Thứ nhất, nhà sản xuất đưa hoạt chất chức năng vào sản phẩm với một hàm lượng cao hơn quy ước (để quảng cáo sản phẩm có hiệu lực cao).

Thứ hai, nhà sản xuất đưa vào sản phẩm các hoạt chất chức năng vừa có lợi vừa có hại. Ví dụ: đưa selen vào các sản phẩm chống lão hóa.

Thứ ba, nhà sản xuất đưa vào sản phẩm các chất sinh học hay các chất kích thích tạo ra các chất sinh học như: hoóc-môn tăng trưởng (GH) testosteron, phytoestrogen (estrogen thực vật).

Thứ tư, nhà sản xuất không lấy thực phẩm làm nền mà dùng các nguyên liệu xưa nay chỉ dùng làm thuốc (cây cỏ, động vật, khoáng vật… vốn chỉ dùng trong Y học cổ truyền).

Những thay đổi trên làm cho TPCN tăng thêm mặt có lợi, nhưng cũng làm tăng thêm tác dụng không mong muốn (TDKMM) song chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Làm thế nào tránh các tác dụng không mong muốn?

Dưới đây đề cập đến một số loại thực phẩm chức năng điển hình và một số cách hạn chế những TDKMM:

TPCN bổ sung canxi vitamin D:

Với trẻ em: rất cần, nhất là với trẻ chậm cứng cáp. Tuy nhiên nhu cầu trẻ em chỉ 1.000mg/ngày trong đó thức ăn đã đảm bảo được ít nhất 500mg/ngày nên chỉ nên dùng loại viên có hàm lượng canxi 200mg vitamin D100IU, mỗi ngày dùng 2 - 4 viên (tùy theo tuổi). Nếu trẻ đã dùng thuốc chứa hai chất này (viên canxi- D) thì không nên dùng thêm TPCN trên vì sẽ trùng lặp làm thừa canxi. Thừa canxi trẻ sẽ chán ăn mệt mỏi.

Với người cao tuổi: trước đây cho rằng người cao tuổi sự hấp thu canxi kém do thiếu vitamin D dẫn tới bệnh loãng xương, vì thế dùng thực phẩm chức năng hay thuốc chứa canxi phòng chữa bệnh này. Nghiên cứu mới cho thấy, muốn phòng loãng xương phải dùng canxi đầy đủ ngay khi còn trẻ, còn lúc về già có dùng canxi cũng không làm tăng mật độ xương, không giảm được tỉ lệ gãy xương, trái lại dùng quá nhiều sẽ còn bị nguy cơ các bệnh về tim mạch. Các nhà sản xuất quảng cáo rằng: “tăng hàm lượng canxi trong sữa lên gấp 4 lần để làm tăng hiệu lực chữa loãng xương” là theo quan niệm cũ, không hẳn có lợi.

TPCN chứa selen, tảo, vitamin:

Selen đóng vai trò chống oxy hóa: ngăn cản sự tạo thành lipoperoxid, bảo vệ tế bào, bảo vệ cấu tử màng tế bào nhằm làm chậm quá trình già hóa.Tảo chứa nhiều protein đóng vai trò bổ dưỡng. Vitamin đóng vai trò tăng chuyển hóa. Do đó, sản phẩm TPCN này có tác dụng bổ dưỡng, chống lão hóa. Tuy nhiên, dùng selen quá liều sẽ bị hiện tượng “selenosis”: hơi thở có mùi tỏi, rối loạn tiêu hóa, rụng tóc, móng tay móng chân bị mục, mệt mỏi, khó chịu, gây hại thần kinh, dùng ở liều cao nhất có thể bị xơ gan, phù phổi, thậm chí tử vong; dùng tảo chứa nhiều iod vừa đủ sẽ tránh được bệnh bướu cổ nhưng dùng nhiều sẽ bị hiện tượng cường giáp làm cho tim đập nhanh. Do vậy, sản phẩm này chỉ dùng cho người lớn, không dùng cho trẻ em, chỉ dùng liều vừa đủ (mỗi ngày 1 viên), không dùng liều cao hơn.

TPCN chứa hay kích thích tạo ra các hoóc-môn:

Đây không phải là thuốc biến người già thành người trẻ hay dùng để nâng cao cường độ hoạt động sinh dục lên hơn ngưỡng bình thường. Dùng với mục đích này sẽ không có hiệu quả mà có hại. Dùng tesosteron liều cao hoặc kéo dài là yếu tố làm phát sinh u xơ lành tính, ung thư tuyến tiền liệt, kìm hãm sự sản xuất tinh trùng, gây vô sinh. Do đó, cần dùng cẩn thận: dùng đúng chỉ định đến liều đạt yêu cầu; không dùng sai mục đích với liều cao; không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi (tránh sự rối loạn nội tiết).

Riêng TPCN kích thích tạo ra hoóc-môn tăng trưởng (GH - có vai trò kích thích sự tăng trưởng, sinh sản, tái sinh) nam cao tuổi dùng GH sẽ trẻ trung ra nhưng không mạnh hơn, không sáng suốt hơn; sự trẻ trung có được cũng không vững bền. Do đó cho đến nay, về mặt dược phẩm, GH chưa được chấp nhận là thuốc chống lão hóa. Mặt khác, khi GH lên quá ngưỡng sẽ gây ra bệnh u tuyến yên làm đau đầu, chèn ép dây thần kinh thị giác, ảnh hưởng đến tầm nhìn; gây tăng quá mức xương của các đầu chi gọi là bệnh to cực; gây ra hội chứng ống cổ tay; gây tiết nhiều mồ hôi, yếu cơ, giảm chức năng quan hệ tình dục, thậm chí có thể tạo ra đái tháo đường týp 2. Nhà sản xuất không thể điều chỉnh được mức tăng GH mà tùy theo đáp ứng từng người nên khó đánh giá hiệu quả, khó đánh giá TDKMM.

TPCN chỉ sản xuất từ các dược liệu chữa bệnh:

Mỗi vị thuốc có tính vị (nóng, ôn, hàn, mặn, ngọt, chua đắng, chát) và quy kinh khác nhau; căn cứ vào tạng của từng người (hàn, nhiệt), thời gian mắc (mới, đã lâu), mức bệnh (nặng, nhẹ)… mà phối ngũ các vị thành bài thuốc dùng cho từng người. Tuy nhiên, đối với các vị thuốc bào chế thành TPCN dùng chung cho mọi người, khác hẳn cách dùng theo YHCT nói trên. Do đó, nếu không hiểu biết đầy đủ thành phần tính năng sản phẩm, người dùng có thể gặp một số bất lợi. Chẳng hạn: người cao huyết áp nhưng dùng TPCN chữa hen chứa ma hoàng; ma hoàng chứa ephedrin làm giãn phế quản chữa được cơn hen nhưng là chất cường giao cảm nên lại làm tăng cao huyết áp.

Thực phẩm chức năng bổ dưỡng

Có một số loại TPCN được coi bổ dưỡng chung hay bổ dưỡng cho một số cơ quan chức năng nhưng không nên nghĩ rằng chúng “không bổ ngang thì bổ dọc” mà cứ dùng thả cửa.

Điểm qua một số TPCN dạng này:

Thành phần TPCN có các chất dinh dưỡng (protein, amino acid) các vitamin (tăng cường chuyển hóa) và chất xơ là để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể nhưng không làm thừa năng lượng như khi ăn thực phẩm thô. Thực chất nó là TPCN dùng để giảm cân. Có người không thừa cân nặng, không béo phì mà dùng TPCN này để bổ dưỡng là không đúng thậm chí là trái với chế độ ăn cân đối vì thiếu hẳn chất béo, glucid. Nếu dùng kéo dài sẽ không lợi vì gây mệt mỏi, làm thay đổi sự chuyển hóa bình thường trong cơ thể.

TPCN bổ sung dinh dưỡng chứ không phải là TPCN dùng giảm cân. Làm từ sữa đậu nành, sữa cung cấp một hỗn hợp protein gồm nhiều loại aminoacid, trong đó có loại aminoacid cần thiết ngoài ra còn cung cấp một lượng canxi sắt, chứa rất ít cholesterol, chất béo. Dùng sản phẩm này (25g/ngày) sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, giảm mỏi mệt, giảm nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch. Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ được dùng cho người lớn, trẻ em trên 3 tuổi.

TPCN chứa vitamin E, selen, bột rau ngải tây (chứa carotenoid) đều là những chất chống oxy hóa nên được dùng cho những người tiếp xúc với môi trường độc hại, người hút thuốc lá, thích hợp cho những người muốn tăng cường sức khỏe tim mạch, tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, cũng không thể dùng sản phẩm này quá mức vì selen khi dùng nhiều sẽ bị hội chứng selenoic ( như đã đề cập ở trên) và vitamin E khi dùng nhiều cũng không có lợi.

TPCN bổ sung vitamin C: TPCN này mỗi viên chứa 250mg C tự nhiên (làm từ quả Acerola Chery), 35g flanonoid (chiết từ cam) và chất dinh dưỡng thực vật (phytonutrient). Sản phẩm này dùng cho người muốn tăng sức đề kháng, chế độ ăn hàng ngày không đa dạng, người hay hút thuốc lá, uống rượu bia.

Theo FAO, nhu cầu vitamin C mỗi ngày từ sơ sinh đến 3 tuổi: 25 - 30mg, từ 4 - 18 tuổi 30 - 40mg, người lớn trung bình 45mg. Cần thiết cung cấp đủ, nếu thiếu phải bổ sung, nhưng cũng không nên bổ sung thừa.

Nếu dùng liều cao kéo dài cũng có nhiều điều bất lợi: có thể làm cho cơ thể quen đi, khi không dùng sẽ thấy mỏi mệt. Hoặc có thể gây rối loạn tiêu hóa (nóng rát dạ dày, tiêu chảy), gây thừa sắt… Do đó, cũng không nên dùng tùy tiện, mà chỉ dùng hỗ trợ chữa bệnh trong những trường hợp cần thiết theo đúng liều chỉ dẫn.

Như vậy, với các loại TPCN có tính bổ dưỡng này thì chỉ nên dùng khi chế độ ăn hàng ngày không đáp ứng cung cấp đủ nhu cầu hay khi cần hỗ trợ chữa bệnh. Khi không còn thiếu nữa hay khi đã hỗ trợ đủ chữa bệnh thì ngừng dùng, thực hiện chế độ ăn đủ cân đối chất để duy trì hiệu quả.

TPCN bổ gan mật: có tác dụng hỗ trợ làm tăng cường chức năng gan, lợi mật. Loại TPCN này thường có các loại chè hãm (như chè actiso, chè nhân trần), các loại viên (như các loại viên bổ gan, tiêu độc). Chỉ dùng hỗ trợ phục hồi khi chức năng suy giảm (enzyme gan tăng), còn khi chức năng gan đã phục hồi (enzyme gan trở trị số bình thường) thì phải ngừng dùng, nếu không sẽ làm cho gan “mệt thêm”, nếu dùng kéo dài mãi là có hại cho gan.

Kỳ tới: thực phẩm chức năng không phải là thuốc - cần hiểu đúng công dụng của chúng

DS.CKII. BÙI VĂN UY

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng