Quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine viêm màng não mới

Nigeria đã trở thành "quốc gia đầu tiên trên thế giới" đưa vào sử dụng Men5CV - Ảnh: WHO.

Podcast: Cảnh giác với bệnh viêm màng não mô cầu ở trẻ em

FDA phê duyệt vaccine mới ngừa viêm màng não mô cầu của Pfizer

Podcast: Đề phòng viêm màng não khi trẻ sốt cao, đau đầu

CDC Mỹ cảnh báo về vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu hiếm gặp

Theo đó, Nigeria đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tung ra loại vaccine mới (gọi là Men5CV) được WHO khuyến nghị, nhằm bảo vệ con người chống lại 5 chủng vi khuẩn não mô cầu chính là A, C, W, Y và X chỉ trong một lần tiêm. Men5CV có khả năng bảo vệ rộng hơn so với các loại vaccine hiện hành đang được sử dụng ở phần lớn các nước Châu Phi, vốn chỉ có hiệu quả chống lại chủng A.

Nigeria là một trong 26 quốc gia có bệnh viêm màng não lưu hành cao ở Châu Phi, nằm trong khu vực được gọi là "Vành đai viêm màng não Châu Phi". Năm ngoái, số ca viêm màng não hàng năm được báo cáo trên khắp Châu Phi đã tăng 50%.

Nigeria đã được liên minh vaccine Gavi tài trợ cho chương trình tiêm chủng vaccine Men5CV diễn ra từ ngày 25-28/3 trên toàn quốc. Bước đầu, chương trình đã tiếp cận được hơn một triệu người từ 1-29 tuổi. Chương trình được tiến hành sau đợt bùng phát vi khuẩn Neisseria meningitidis - tác nhân chính gây ra bệnh viêm màng não mô cầu, khiến 153 người tử vong từ ngày 1/10/2023 đến ngày 11/3/2024.

WHO đánh giá viêm màng não do vi khuẩn là dạng bệnh nguy hiểm phổ biến nhất. Có nhiều nguyên nhân gây viêm màng não, bao gồm mầm bệnh do virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Các triệu chứng thường bao gồm đau đầu, sốt và cứng cổ. Viêm màng não do vi khuẩn cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, gây tàn tật nghiêm trọng hoặc tử vong trong vòng 24 giờ ở những người mắc bệnh.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết: “Viêm màng não là một kẻ thù cũ và nguy hiểm, nhưng loại vaccine mới này có khả năng thay đổi diễn biến của bệnh, ngăn chặn những đợt bùng phát trong tương lai và cứu sống nhiều người”. Cũng theo ông Tedros, việc Nigeria đưa vào sử dụng vaccine Men5CV sẽ giúp con người tiến gần hơn tới mục tiêu loại bỏ bệnh viêm màng não vào năm 2030.

Giáo sư Muhammad Ali Pate thuộc Bộ Y tế Nigeria cho biết, khu vực miền Bắc nước này, đặc biệt là các bang Jigawa, Bauchi và Yobe, bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt bùng phát bệnh viêm màng não vừa qua. Vaccine Men5CV đã cung cấp cho các nhân viên y tế một công cụ mới để ngăn chặn dịch bệnh.

Trong khi đó, Giám đốc chương trình Gavi, bà Aurélia Nguyen, cho biết chương trình tiêm chủng vaccine Men5CV ở Nigeria đã đánh dấu sự khởi đầu của Gavi và với nguồn hỗ trợ cần thiết của nhà tài trợ trong 5 năm tiếp theo, Gavi sẽ có thể triển khai tiêm Men5CV ở các quốc gia khác cũng có rủi ro cao.

WHO đã và đang hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Nigeria (NCDC) trong việc ứng phó với đợt bùng phát bệnh viêm màng não ở nước này. Điều này bao gồm giám sát dịch bệnh, phát hiện ca bệnh tích cực, xét nghiệm mẫu và quản lý ca bệnh. Bên cạnh đó, WHO và các đối tác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Nigeria chuẩn bị triển khai vaccine mới và đào tạo nhân viên y tế.

Năm 2019, WHO và các đối tác đã đưa ra lộ trình toàn cầu nhằm đánh bại bệnh viêm màng não vào năm 2030. Lộ trình này đặt ra tầm nhìn toàn diện hướng tới một thế giới không còn bệnh viêm màng não và có 3 mục tiêu:

- Loại bỏ dịch bệnh viêm màng não do vi khuẩn;

- Giảm 50% số ca viêm màng não do vi khuẩn có thể phòng ngừa được bằng vaccine và 70% tử vong;

- Giảm thiểu tình trạng tàn tật và cải thiện chất lượng cuộc sống sau viêm màng não do bất kỳ nguyên nhân nào.

Sau chiến dịch vaccine ngừa bệnh viêm màng não của Nigeria, một cột mốc quan trọng trên con đường đánh bại bệnh viêm màng não là Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về bệnh viêm màng não diễn ra tại Paris trong tháng 4/2024. Đây cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo quốc gia cùng các đối tác quan trọng cam kết về mặt chính trị và tài chính để đẩy nhanh tiến trình loại bỏ bệnh viêm màng não như một vấn đề sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

 
Hiệp Nguyễn (Theo WHO)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn