Empty
Empty
Empty

TUỔI GIÀ hay tuổi thọ, như chúng ta biết là một vấn đề mà thế giới đang vô cùng lo lắng . Khi tỉ lệ dân số thọ càng tăng thì tỉ lệ sinh và tỉ lệ người trẻ càng giảm. Giáo sư Falkmingham, thuộc Đại học Southampton, Anh - một nhà nghiên cứu hàng đầu về nhân khẩu học, cho rằng khuynh hướng sinh giảm và tuổi thọ tăng không thể đảo ngược. Lòng kính trọng người già hay “kính lão đắc thọ” giờ đây đã chuyển qua một hướng thực tế hơn: Dân số già đang tạo ra một “nền kinh tế tuổi thọ” (Longevity Economy) có giá trị hàng ngàn tỉ đô!

Trong cuốn sách xuất bản năm 2017, “Nền kinh tế tuổi thọ”, tiến sĩ Joe Coughlin, Giám đốc phòng thí nghiệm tuổi thọ (agelab) của MIT, đưa ra những hiểu biết sâu về dân số già và nhấn mạnh rằng: Dân số già đang làm biến đổi nền kinh tế của các quốc gia. Tuổi thọ dài hơn sẽ cách mạng hóa cách chúng ta sống và mang đến những cơ hội kinh tế mới đáng kinh ngạc, nhưng cũng sẽ đòi hỏi sự nghiêm khắc mới trong cách con người lập kế hoạch và tiết kiệm cho những năm sau này.

Empty

Điều này bắt đầu thay đổi khi các kế hoạch lương hưu, nhà dưỡng lão và các cơ sở khác dành riêng cho người già lần đầu tiên xuất hiện ở châu Âu và Bắc Mỹ vào năm 1802. Cùng với đó, các tổ chức này sẽ gộp những người lớn tuổi vào một nhóm gọi là - "dân số già" - và thuyết phục công chúng rằng nhóm dân số này là một vấn đề lớn. Một vấn đề cần có giải pháp. Và giải pháp có lợi cho người già là tạo ra một hệ thống “kinh tế người già”. Báo cáo “Triển vọng Kinh tế Tuổi thọ” cho biết đóng góp của người Mỹ trên 50 tuổi, trị giá hơn 9.000 tỉ USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ tăng đến năm 2050. Nghiên cứu này được thực hiện theo chuyên mục về “Nền kinh tế Tuổi thọ”, được định nghĩa là tổng của tất cả các hoạt động kinh tế được thúc đẩy bởi những người từ 50 tuổi trở lên, bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ họ mua trực tiếp trên thị trường và các hoạt động kinh tế khác mà khoản chi tiêu này tạo ra.

Empty

Khảo sát Tài chính Tiêu dùng (SCF) năm 2019 cho thấy tài sản thừa kế trung bình ở Hoa Kỳ là 110.050 USD đối với tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của HSBC cho thấy người Mỹ khi nghỉ hưu bình quân để lại gần 177.000 USD cho người thừa kế của họ.

Rõ ràng khi già đi, chúng ta vẫn là những giá trị cụ thể, nên đừng quá thất vọng khi người Việt bị chê: “Chưa giàu đã già!”

Dân số già đúng là một vấn đề, nhưng là một vấn đề hái ra tiền! Hãy già đi, hãy sống lâu đi, vì, hỡi những bạn già, bạn càng sống sâu, sống khỏe, thì “những cái đầu khôn ngoan nhất” trong giới kinh doanh sẽ biết cách biến dân số già chúng ta thành những mỏ vàng của thế kỷ 21!

Empty

Một ông bạn trạc tuổi tôi, (70+) hồi trẻ cùng khoa Triết Tây tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn năm 1970, cách đây 12 năm bị chứng ung thư dạ dày, sau khi chữa lành, ông quay lại với thói quen dùng rượu mạnh, tất nhiên loại rượu đắt tiền. Ông nói: “Đây là loại “thuốc”, không hơn gì một cánh cửa dẫn đến chân lý tuyệt đối của Hegel, chân lý cuối cùng của cái chết êm ả.” Vâng, “cái chết êm ả” chính là chuyến tàu đi đến ga cuối mà người già mơ thấy nhất. Rượu mạnh và đắt tiền càng tốt biết đâu lại là cứu cánh cuối cùng của những “cây cao bóng cả” muốn ngã xuống dưới cái bóng rợp mát của chính mình?

Nhân chuyện bạn tôi nhắc đến rượu, tôi tìm đọc lại cuốn “Sự đa dạng của trải nghiệm Tôn giáo” (The Varieties of Religious Experience) , trong đó tôi nhớ tác giả William James đã viết, “Cơn say nói “không” với phân biệt đối xử, trong khi sự tỉnh táo nói “có.” Nghĩa là đôi khi say người ta lại hành xử tử tế hơn là khi tỉnh táo. Một ông bạn khác của tôi, mỗi khi say lại khóc như con nít vì nỗi ân hận đã “bỏ người yêu” (với cái bầu mà sau này anh mới biết) ở lại Việt Nam, khi vượt biên một mình vào những thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời anh.

Empty

Bạn già và tôi đã đạt được sự đồng ý rằng “một cái nhìn nhẹ nhàng về rượu cũng như sự tuyệt đối của triết gia bậc thầy Hegel cũng sẽ rất tốt”. Ít nhất, nếu chúng tôi nhìn thấy bất cứ điều gì có ý nghĩa ở rượu, chúng tôi không thể mang nó trở về nhà. Bởi vì bất cứ người vợ nào cũng không bao giờ chấp nhận thứ ý nghĩa mà phụ nữ cho là ngụy biện của kẻ mê rượu. Nhưng bây giờ, nhìn vào mặt tôi sau khi uống hết một chai vang Shiraz hiệu Jacob’s Creek, Úc, tôi cảm thấy một mặt trời đang mọc lên trên mặt, tôi cảm thấy đầu óc hơi choáng. Nhưng đôi mắt không còn nhức nữa. Rượu vang có thể chữa được bệnh mù lòa ở người già chăng? Cố bác sĩ bậc thầy người Trung Quốc Tề Quốc Lập từng khuyên nên uống một ly vang trong mỗi bữa ăn, bạn sẽ tránh được bệnh tim và bệnh đục thủy tinh thể ở người già! Ở đây vấn đề không phải là rượu vang. Tin hay không tin, đó mới là vấn đề!

Empty

Thật không gì hay ho bằng trong cơn lơ mơ của rượu vang 13 độ, được nghe vang vang (như trong mơ) bài hát: Thà như giọt mưa (thơ Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Duy phổ nhạc), với câu hát lặp đi lặp lại: “Có còn hơn không”, và trong đầu tôi hiện ra những tra vấn về triết lý “hiện hữu hay không hiện hữu” của con người, trong đó có chính tôi. Shakespeare, nhà viết kịch vĩ đại của Anh, từng viết: “To be or not to be, that is question”. Chỉ là vấn đề, luôn luôn là vấn đề, mãi mãi là vấn đề. Như vậy, các căn bệnh lúc về già không bao giờ giải quyết được, từ đời này sang đời khác, bất chấp người sang, kẻ hèn, hoàng đế, tổng thống, hay dân thường.

Nhưng tại sao vấn đề là “hiện hữu”, là “sống”. “Tại sao hiện hữu tốt hơn là không hiện hữu?”. Hay “Tại sao có còn hơn không?”. Câu hỏi điên rồ. Sự hư vô hoàn toàn sẽ như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra nếu tổng của tất cả mọi thứ bằng không?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết:”Mẹ ta trả nhớ về không…” Chứng Alzeimer của người già đã cho tổng của tất cả bằng không. Gần đây, trong những bữa tiệc muộn của nhóm bạn đồng thời, nhiều người đã khóc khi nghe một người trong bàn hát lên bài hát “không hay” mà “rất hay” đó.

Bài hát vượt xa ý tưởng về tỉ lệ tử vong của con người; và đạt đến độ chín của thuật toán: sẽ như thế nào nếu ngay từ đầu không có gì và và cuối cùng cũng không có gì? Vậy chỉ có đoạn giữa là “có gì”. Và, ai cũng không vui nếu “đoạn giữa” của mình là một con số nhỏ, và với cuộc sống quá ngắn (nghĩa là chết trẻ) thì các bài toán cuộc đời cũng sẽ bằng không. Rốt cuộc thì có lẽ những người theo chủ nghĩa thực dụng đã đúng. Và điều đáng ngạc nhiên là tôi có cảm giác biết ơn: Tôi đã có đặc ân được tham gia vào cộng đồng dân số già, cộng đồng quý hiếm: “Thất thập cổ lai hy!”

Empty

Tuy nhiên, tôi cảm thấy hài lòng tương đối với chuyến du hành của tri thức nhỏ bé của mình. Tôi cảm thấy mình giàu có, một phần vì tôi đã từng bước ở nơi mà tôi không dám bước khi còn tuổi trẻ. Điều này nghe thật nghịch lý, bởi vì hầu hết chúng ta đều nghĩ tuổi trẻ mới gan dạ đủ để “bay trên những chiếc đu bay liều lĩnh”, hơn nữa khi còn trẻ ta mới có đủ sức khỏe để làm những gì mà ta ước mơ… Nhưng đôi khi ở tuổi già (mà còn sức lực và trí lực) ta cũng có thể làm những việc mà khi còn trẻ ta chỉ biết mơ thôi. Ví dụ: Việc viết một cuốn hồi ký chẳng hạn. Khi còn trẻ, 20, hay thậm chí ở tuổi trung niên 50, thân tâm còn tráng kiện, tôi cũng không dám mơ sẽ viết một cuốn hồi ký kể chuyện đời mình. Không bao giờ.

Bây giờ thì khác, ở tuổi 70, nhớ lại hay khi gặp những bạn cùng thời, ôn lại bao chuyện đã qua, nhất là thăng trầm thế sự, tự nhiên đầu óc bừng sáng, cơ thể như thêm năng lực, muốn viết lại những gì còn nhớ, trước khi “trả nhớ về không”, để chứng minh ta đã thành người trong dòng chảy thời gian.

Laura Carstensen, một nhà tâm lý học tại Trung tâm Tuổi thọ, Đại học Stanford, Hoa Kỳ, người đã nghiên cứu những thay đổi cảm xúc xảy ra theo tuổi tác, cho biết: “Chúng tôi thấy rằng những người lớn tuổi có nhiều cảm xúc mang tính dung hòa cao hơn so với những người trẻ tuổi. Trong khi những người trẻ tuổi có xu hướng cực đoan hơn - hoàn toàn tích cực hoặc hoàn toàn tiêu cực, thì những người lớn tuổi lại có nhiều khả năng trải nghiệm niềm vui ngay cả khi đang khóc,” TS. Laura nói thêm. Tôi chợt nhớ một truyện ngắn “Cười để khỏi khóc” của nhà văn Mỹ da đen nổi tiếng, Lanston Hughes, mà tôi thích dịch là: “Để ngăn mình khỏi khóc, tôi bật mở miệng cười”.

Empty

Nếu tiền bạc không thể đi cùng quan tài, thì ký ức mang theo làm chi? Một lãnh đạo thuộc loại khắc kỷ mới đây gặp tôi và nghe tôi kể vài kỷ niệm thời làm báo của mình, ông liền nói: “Sao cậu không viết lại thành sách?” Tôi hỏi: “Nhưng để làm gì?”. Ông nói: “Để gió cuốn đi”. Tất nhiên, tôi vô cùng ngạc nhiên trước câu trả lời mà tôi không bao giờ chờ đợi từ con người, vốn từng giữ vài trọng trách và trên hết, là người không thỏa hiệp với bất cứ thứ gì ông cho là “vô nguyên tắc”. Bất chợt, tôi nghĩ, bước qua tuổi 90, ông vẫn khỏe cả thể chất và tinh thần, có lẽ nhờ ông biết xa rời cái “nguyên tắc cứng” để đến với cái triết lý mềm “để gió cuốn đi”.

Empty

Một tấm gương sống nữa của tôi là giáo sư Võ Tòng Xuân, người có thể vinh danh là nhà nông học hàng đầu Việt Nam. Năm ngoái, ông suýt ra đi ở tuổi 80+, giờ đã phục hồi thần kỳ đến nỗi còn đi nhiều chỗ để dạy học hay thuyết giảng. Tháng trước tôi đến thăm ông ở Cần Thơ, ông khôi hài: “Không gì hơn già mà sướng!” Ông cũng sống theo triết lý “để gió cuốn đi”. Sau khi qua cơn “thập tử nhất sinh”, bây giờ ông vẫn làm việc như “Hiệu trưởng danh dự” của Đại học Nam Cần Thơ.

Sau khi gặp ông, tôi có cảm hứng tìm đọc lại tác giả chuyên viết về tuổi già, Margareta Magnusson. Tác giả Margareta Magnusson (sinh năm 1934), theo cách nói của bà, ở độ tuổi từ 80 đến 100, “thật là sướng!”. Bà là tác giả của cuốn sách chuyên về tuổi già: “Nghệ thuật già mà sướng của người Thụy Điển” mà tôi đọc lại trên phiên bản ebook.

Empty

Ở Thụy Điển có một kiểu dọn dẹp gọi là döstädning, dö có nghĩa là “cái chết” và städning có nghĩa là “dọn dẹp”. Quá trình loại bỏ những thứ không cần thiết này có thể được thực hiện ở mọi lứa tuổi nhưng nên được thực hiện càng sớm càng tốt, trước khi người khác phải làm điều đó cho bạn. Trong “Nghệ thuật dọn dẹp cái chết nhẹ nhàng của Thụy Điển”, Margareta Magnusson, với sự hài hước và trí tuệ của người Scandinavi, đã khuyên chúng ta đi theo chủ nghĩa tối giản.

Bà viết: “Tôi cảm thấy nhẹ nhàng và tỉnh táo. Với tất cả những thứ của cuộc sống không còn đè nặng lên tôi nữa, tôi bắt đầu tập trung lại vào những gì tôi sẽ làm bây giờ khi không còn việc phải “dọn dẹp” cái chết phía trước nữa… Có lẽ tôi vẫn còn hơn một thập kỷ cuộc đời để lấp đầy, vì vậy tôi bắt đầu nhìn xung quanh mình để xem những gì còn sót lại, những gì thực tế tôi đã thực sự giữ lại sau tất cả những gì tôi đã làm. Tôi thấy tôi vẫn giữ được ký ức và bây giờ tôi sống theo một cách chậm hơn, đơn giản hơn. Tôi thực sự có thể nhìn thấy cuộc sống của mình, giờ đây đã bớt lộn xộn về tinh thần và thể chất hơn. Tôi có thể tận hưởng cuộc sống của mình một cách trọn vẹn hơn, mặc dù tất nhiên có những khó khăn khác đi kèm với tuổi già.” Nghệ thuật “già mà sướng” của người Thụy Điển là một lời khích lệ nhẹ nhàng rằng, dù bạn ở độ tuổi nào, luôn có những khám phá mới mẻ phía trước và những niềm vui vừa lạ,vừa quen, mà bạn có thể gặp mỗi ngày.Nhờ vậy, giáo sư Võ Tòng Xuân (mà tôi nhắc ở trên), cũng như nhà văn Magnusson trở nên “già mà sướng”.

Empty
Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già