Giảm đi chút khó chịu nho nhỏ của người bệnh...

Trong những trường hợp cấp cứu, sự nhiệt tình, tận tụy của các thầy thuốc dễ được nhìn thấy hơn; đứng trước sự sống và cái chết, đứng trước những thời điểm khắc nghiệt, cái tâm, cái đức của người thầy thuốc dễ tỏa sáng hơn. Còn trong các trường hợp không cấp cứu?

Những cải tiến phẫu thuật…

Khi bắt đầu nghiên cứu về mổ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Những người đi trước và tài liệu có trong tay dạy chúng tôi mổ bằng đường rạch da theo chiều dọc. Đường rạch da này cơ động hơn, dễ cho bác sĩ hơn. Nhưng mỗi lần nhìn thấy vết sẹo to như con đỉa bám trên cổ người bệnh và ánh mắt của những người khác nhìn họ, chúng tôi không thể yên tâm. Lúc đó chưa có internet, chẳng có sách vở gì nhiều. Nhóm các bác sĩ nghiên cứu về vấn đề này đã đi tìm tài liệu, tìm cách khắc phục nhược điểm đó. Chúng tôi trở thành khách quen của thư viện bệnh viện, của thư viện trường Đại học Y Dược, của thư viện Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình. Sau cùng chúng tôi tìm được đường rạch da ngang cổ. Mặc dù có một chút khó khăn cho phẫu thuật viên nhưng vết sẹo mổ không còn gây khó chịu cho người bệnh. Những cải tiến rất nhỏ kiểu này không mang lại lợi lộc gì cho các bác sĩ áp dụng nó, nhưng điều đó không ngăn cản chúng tôi tìm tòi và những cải tiến kĩ thuật kiểu này trở thành khá thường xuyên tại khoa của chúng tôi.

Việc đưa vào áp dụng những cải tiến dù rất nhỏ không phải lúc nào cũng "thuận buồm xuôi gió". Yêu cầu cao nhất là an toàn cho người bệnh. Nếu một cải tiến có nguy cơ mang lại tỉ lệ biến chứng lớn hơn hoặc tiềm ẩn một mối nguy hiểm thì sẽ vấp phải sự phản đối của ngay cả những đồng nghiệp của mình. Các bác sĩ phải tìm cho được các tài liệu chứng minh rằng cải tiến của mình không nguy hiểm, không làm cho cuộc mổ trở nên kém an toàn. Đối với những vấn đề lớn hơn như điều trị u tuyến yên qua xoang bướm, phẫu thuật phình mạch não hoặc phẫu thuật triệt để u nội tủy sống, chúng tôi phải đi ra nước ngoài, phải tìm cho được những chuyên gia giỏi để học hỏi, và phải học cho được để về áp dụng. Có người cho rằng những phẫu thuật đó mang lại danh và lợi cho các bác sĩ. Tôi dám chắc rằng không người nào chú ý đến khía cạnh này khi tự mình đi tìm chỗ, tìm nguồn tài chính để học, lại còn phải bỏ tiền túi ra để mua trang thiết bị từ nước ngoài về để mổ cho bệnh nhân. Tất cả đều xuất phát từ những bức xúc do những bế tắc trong điều trị gây ra. Phần thưởng lớn nhất dành cho các bác sĩ là khi căn bệnh được chinh phục, người bệnh hết bệnh.
Giảm đi chút khó chịu nho nhỏ của người bệnh... 1
Phần thưởng lớn nhất dành cho các bác sĩ là khi căn bệnh được chinh phục, người bệnh hết bệnh... Ảnh: Internet.

Ở đâu cũng có những bác sĩ âm thầm…

Vụ kiện tụng kéo dài và sự tham gia của báo chí, đôi khi rất không công bằng, thậm chí cả tòa án cũng không công bằng với chúng tôi đã không ít lần làm chúng tôi chao đảo. Nhưng rồi với sự động viên của các đồng nghiệp, đặc biệt là của nhiều người bệnh, chúng tôi đã cố gắng đứng dậy và bước tiếp. Đúng lúc đó lại có một trường hợp bệnh lí cực kì khó khăn đến với chúng tôi. Biết rằng không có nhiều nơi có thể mổ được trường hợp này. Trong khi tòa án còn chưa kết luận, chỉ cần một tác động nhỏ là chúng tôi sẽ sụp đổ, ca mổ lại tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Hầu hết các bác sĩ trong bệnh viện đều khuyên tôi tránh xa bệnh nhân đó. Họ cho rằng tôi và bệnh viện đang là tâm điểm theo dõi của các nhà báo, của phía đối phương, nhất cử nhất động của tôi đều được chú ý, một biến chứng nhỏ sẽ gây ra tai họa lớn cho sự nghiệp của tôi. Mà người bệnh thì không thể chờ được nữa. Cuối cùng thì người tổng chỉ huy mà tôi nói đến trước đây đã cho một giải pháp, bệnh nhân sẽ được mổ trong một bệnh viện khác. Thật may mắn, cuộc mổ đã thành công, ngay trong cái ngày mà tòa tuyên tôi phải bồi thường cho người bệnh.

Có lẽ nếu không đọc được những dòng này thì ngay cả bệnh nhân cũng không biết được những khó khăn mà chúng tôi gặp phải khi quyết định mổ cho họ. Nhưng điều đó đâu có quan trọng gì. Quan trọng là người bệnh đã được chữa trị tận tình, đã không bị bỏ rơi, và đã thu được kết quả tốt. Khi bình luận về BS Tường, tôi có nói là hắn liều. Ngay lúc đó, tôi tự hỏi là mình có liều khi quyết định mổ cho bệnh nhân này không? Liều với sự nghiệp của mình, liều với niềm tin của mấy chục con người đang đi theo mình? Không, nếu bạn hành động vì người bệnh, hành động vì con tim, không thể nói đó là liều được.

Tôi chỉ biết kể những câu chuyện mà tôi biết và trực tiếp tham gia. Tôi không phải nhà văn, tôi không biết cách khái quát hóa câu chuyện nhưng tôi biết chắc rằng chúng tôi chỉ là một bộ phận của ngành y. Ở đâu cũng có những câu chuyện tương tự. Và ở đâu cũng có rất nhiều những bác sĩ âm thầm tìm mọi cách mang lại niềm vui cho người bệnh, từ việc chiến đấu giành giật mạng sống đến việc cải tiến một chút gì đó làm hoàn chỉnh hơn quá trình điều trị, giảm bớt những khó chịu nho nhỏ cho người bệnh. Những khó khăn, những khắt khe và cả những bất công của dư luận có lúc làm cho chúng tôi hoang mang, làm cho chúng tôi chao đảo. Nhưng chúng tôi vẫn đứng dậy và bước tiếp, vẫn hành xử theo đúng những gì mà chúng tôi thấm nhuần được từ các thế hệ đi trước, từ truyền thống của ngành....
Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý