Du lịch tâm linh dịp Tết 2025: Hải Dương

Côn Sơn - Kiếp Bạc không chỉ là một nơi vãn cảnh đẹp và còn mà địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Hải Dương

Tết Ất Tỵ: “Xách balo lên và đi”

Du lịch hoài niệm - Xu hướng mới trong năm 2025

Sì Thâu Chải: Chốn bình yên giữa đại ngàn hùng vĩ

“Tủ thuốc” du xuân

1. Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, hay còn gọi là khu di tích Kiếp Bạc, là một quần thể di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng của Việt Nam, gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nơi đây lưu giữ những dấu tích hào hùng của quân dân nhà Trần trong 3 lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên thế kỷ XIII và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thế kỷ XV.

Toàn cảnh khu di tích - Ảnh: Mia.vn

Toàn cảnh khu di tích - Ảnh: Mia.vn

Côn Sơn - Kiếp Bạc là nơi in dấu đậm nét cuộc đời và sự nghiệp của những danh nhân văn hóa lỗi lạc như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tư tưởng Nguyễn Trãi. Quần thể di tích bao gồm chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc, mỗi công trình đều mang một giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo. Chùa Côn Sơn với kiến trúc kiểu chữ Công gồm tiền đường, thiên lương và thượng điện, là nơi lưu giữ nhiều pho tượng Phật uy nghiêm. Còn đền Kiếp Bạc nằm trên địa bàn hai làng Vạn Yên và Dược Sơn, được khởi công xây dựng vào năm 1300. Đây là nơi thờ tự Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Cuối đời, ông cũng chọn nơi đây để an hưởng tuổi già.

Giá vé thăm quan:

- Vé vào cổng Kiếp Bạc: 20.000 đồng/người

- Vé vào cổng Côn Sơn: 20.000 đồng/người

2. Chùa Linh Ứng

Chùa Linh Ứng còn có những tên gọi khác như chùa Động Ngọ, chùa Phầm hay chùa Cập Nhất. Chùa nằm tại xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Theo các tư liệu lịch sử, ngôi cổ tự này được thiền sư Không Việt khởi dựng vào năm Thái Bình thứ 2 dưới thời vua Lê Đại Hành. Đến nay, chùa Linh Ứng vẫn còn lưu giữ được những nét kiến trúc cổ kính với ba ngôi nhà chính được bố trí theo hình chữ Tam. Tam quan, được trùng tu vào năm 1995, nổi bật với gác chuông 2 tầng, 4 mái chồng diềm, và chiếc chuông đồng cao 1,5m. Tiền đường uy nghi với năm gian hai dĩ càng tô điểm thêm vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa.

Chùa Động Ngọ, Thanh Hà, Hải Dương - Ảnh: Báo Hải Dương.

Chùa Động Ngọ, Thanh Hà, Hải Dương - Ảnh: Báo Hải Dương.

Bên cạnh kiến trúc, chùa Động Ngọ còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá có giá trị lịch sử và nghệ thuật như: 9 cây đèn nến, 9 mâm đồng, các bức đại tự, câu đối, bát hương đồng, bát hương sứ, ngai vàng, 5 tấm bia cổ và 1 bình hương gốm thủ công. Hàng năm, chùa tổ chức hai lễ hội lớn: lễ đánh chuông vào mùng 1 tháng Giêng và lễ giỗ tổ vào ngày 28/10 âm lịch.

3. Chùa Kỳ Đà

Ngôi chùa Kỳ Đà, tọa lạc tại thôn Vũ Thượng, thành phố Hải Dương, vốn là làng Ngọc Đường xưa, là một danh thắng lịch sử và tâm linh nổi tiếng. Chùa được xây dựng vào cuối thời Trần, thờ hai vị thánh phụ Vũ Húy Thành và thánh mẫu Hoàng Thị Mậu, những người có công sinh thành ra ba vị tướng tài ba của nhà Tiền Lê.

Chùa Kỳ Đà luôn giữ được vẻ yên bình, thanh tịnh - Ảnh: Chốn Thiêng.

Chùa Kỳ Đà luôn giữ được vẻ yên bình, thanh tịnh - Ảnh: Chốn Thiêng.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa đã được trùng tu nhiều lần vào các thế kỷ 17 và 19, đến nay vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính và giá trị văn hóa sâu sắc. Với tổng diện tích 2.200m², chùa Kỳ Đà hiện lưu giữ nhiều hiện vật quý giá như 15 pho tượng cổ, 2 câu đối, 1 bức cửu võng chính điện và đặc biệt là 4 trụ đấu hoa sen tinh xảo. Nhờ những giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, chùa Kỳ Đà đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

4. Chùa Giám

Chùa Giám có tên hán tự là Nghiêm Quang Tự, nằm tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Theo truyền thuyết, chùa được khởi dựng từ thời Lý, sau đó trải qua nhiều lần trùng tu, lần lớn nhất vào cuối thời Lê. Kiến trúc độc đáo của chùa đã phản ánh rõ nét tinh hoa nghệ thuật kiến trúc của giai đoạn thế kỷ 17. Với quy mô rộng lớn, trải rộng trên diện tích 2 hecta, chùa Giám là một quần thể kiến trúc đồ sộ và hài hòa. Các công trình chính bao gồm tam quan, tiền đường, nhà tổ, tam bảo, hành lang, cửu phẩm, nhà tháp, nhà khách, nhà tăng, pháp sư, vườn cây và nghè Giám. Tiền đường có 7 gian, 2 chái, là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng. Đặc biệt, nhà tháp Cửu Phẩm với kiến trúc độc đáo hình vuông, 3 tầng mái và 12 chái, là nơi đặt đài hoa sen 9 tầng. Bên trong chùa, du khách có thể chiêm ngưỡng bộ sưu tập 154 pho tượng cổ, mang đậm giá trị nghệ thuật và lịch sử.

Tòa Cửu phẩm liên hoa - Báu vật được năm giữ trong Chùa Giám.

Tòa Cửu phẩm liên hoa - Báu vật được năm giữ trong Chùa Giám.

Hàng năm, vào ngày 13 đến 15 tháng 2 âm lịch, chùa tổ chức lễ hội lớn thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương. Năm 1974, chùa Giám đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, khẳng định giá trị to lớn của ngôi chùa đối với di sản văn hóa dân tộc.

5. Chùa Trăm Gian

Chùa Trăm Gian có địa chỉ tại xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Điểm nhấn của ngôi chùa là những bệ đá hoa sen tinh xảo, được chạm khắc tỉ mỉ hình ảnh rồng, phượng, hoa lá, tựa như những tác phẩm nghệ thuật. Kiến trúc chùa được bố trí theo hình chữ nhật, với tam bảo làm trung tâm. Ba mặt tam bảo là một sân nhỏ, tạo nên không gian tĩnh lặng. Bên trái tam bảo, nhà mẫu uy nghiêm đứng sừng sững. Tiếp đến là khu nhà khách, gồm 2 ngôi nhà nối liền nhau, nhà ngoài 3 gian, nhà trong 5 gian, tạo thành một dãy nhà dài. Phía sau tam bảo, nhà Tứ Ân và nhà tổ nối tiếp nhau, tạo nên một trục dọc uy nghi. Sau nhà tổ, một khoảng sân nhỏ dẫn đến nhà cung chín gian đồ sộ. Nối liền khu nhà khách và nhà cung là hành lang dài 8 gian 2 chái, tạo nên một không gian mở thoáng đãng.

Một góc chùa Trăm Gian

Một góc chùa Trăm Gian

Phía sau chùa, vườn tháp với 10 ngôi tháp cổ kính là điểm nhấn. 9 trong số được xây dựng từ thời Nguyễn, còn lại 1 ngôi được xây dựng vào năm 2003. Quay vào 1 sân rộng lớn hơn một nghìn mét vuông, các công trình phụ như nhà tháp, nhà tăng, am trong, am ngoài và nhiều công trình khác tạo thành một quần thể kiến trúc đa dạng. Tuy nhiên, dấu ấn thời gian và sự tàn phá đã khiến nhiều công trình bị hư hại, mất đi vẻ đẹp nguyên sơ.

Hiện nay, chùa Trăm Gian không chỉ là nơi thờ tự mà còn là một bảo tàng lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, như các bản kinh cổ, những tác phẩm y học của Hải Thượng Lãn Ông và Tuệ Tĩnh, cùng hàng trăm pho tượng Phật uy nghiêm. Năm 1990, chùa Trăm Gian vinh dự được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, trở thành điểm đến tâm linh của du khách thập phương.

6. Văn miếu Mao Điền

Văn miếu Mao Điền thuộc làng Mao (còn gọi là làng Mậu Tài), xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nằm ngay trên Quốc lộ số 5 mới, cách thủ đô Hà Nội 40km về phía Đông và thành phố Hải Dương về phía Tây chừng 16km. Theo tư liệu lịch sử, ngôi miếu cổ này vốn được xây dựng tại địa điểm Vĩnh Lại, nơi tưởng niệm và thờ phụng Khổng Tử, với kiến trúc đơn sơ gồm 3 gian Chính tẩm và 5 gian Bái đường. Đến thời vua Quang Trung, Văn Miếu Hải Dương đã được dời về Mao Điền và quy tụ cùng trường học, trường thi, hình thành nên một trung tâm văn hóa sầm uất của vùng đất xứ Đông. Từ đó, công cuộc trùng tu và mở rộng Văn miếu diễn ra sôi nổi, tạo nên một quần thể kiến trúc đồ sộ và hoàn chỉnh, bao gồm các hạng mục như: Hậu cung, Đông vu, Tây vu, gác Thuê văn, gác trống, gác Khánh.

Văn miếu Mao Điền được mệnh danh là Đất học xứ Đông

Văn miếu Mao Điền được mệnh danh là "Đất học xứ Đông"

Không chỉ là nơi thờ phụng Khổng Tử, Văn Miếu Hải Dương còn là nơi tôn vinh những danh nho, đại học của đất Việt như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Vũ Hữu, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Tuệ Tĩnh. Nhận thấy được giá trị lịch sử và văn hóa to lớn của di tích, năm 1992, Nhà nước đã xếp hạng Văn Miếu Hải Dương là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Sức khoẻ+ kính chúc độc giả một năm mới hạnh phúc, thượng lộ bình an!

 
Hà Chi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa