Hà Nội triển khai dùng thuốc Molnupiravir cho người mắc COVID-19 thể nhẹ

Việc dùng thuốc Molnupiravir được kỳ vọng sẽ giúp giảm lây lan, rút ngắn thời gian điều trị cho F0

Hiệu quả của thuốc Molnupiravir thấp hơn mong đợi: Có ảnh hưởng tới đại dịch?

Thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho người mắc COVID-19 thể nhẹ

Bộ Y tế đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào phác đồ điều trị COVID-19

Việt Nam tiếp nhận thêm vaccine và thuốc điều trị COVID-19

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành quy trình triển khai Chương trình sử dụng thuốc kháng virus (Molnupiravir) có kiểm soát trên cộng đồng cho người mắc COVID-19 (F0) thể nhẹ tại Hà Nội, nhằm bảo đảm quản lý tốt thuốc đến đúng bệnh nhân, tránh thất thoát, tiêu cực và lãng phí trong quá trình sử dụng thuốc.

Sở Y tế có trách nhiệm tiếp nhận thuốc, bàn giao cho Bệnh viện Đa khoa Đống Đa quản lý, cấp phát; Quản lý, đôn đốc việc nhập liệu hàng ngày lên phần mềm trực tuyến của các cơ sở tham gia chương trình; Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý, cấp phát thuốc Molnupiravir của các cơ sở.

Bệnh nhân được tham gia chương trình là người có kết quả xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hoặc PCR dương tính trong vòng 5 ngày; Từ 18 tuổi trở lên; Cam kết đồng ý tham gia chương trình bằng văn bản và không có các chống chỉ định dùng thuốc. Trường hợp bệnh nhân được cách ly điều trị tại nhà phải có văn bản của chủ tịch UBND cấp xã, hoặc cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho cách ly tại nhà.

F0 thể nhẹ tại Hà Nội cần cam kết đồng ý tham gia chương trình trước khi dùng thuốc

F0 thể nhẹ tại Hà Nội cần cam kết đồng ý tham gia chương trình trước khi dùng thuốc

Quy trình gồm 4 bước như sau:

- Bước 1: Phân phối thuốc: Bệnh viện Đa khoa Đống Đa phân phối thuốc Molnupiravir cho các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện.

- Bước 2: Sàng lọc bệnh nhân. Với trạm y tế cấp xã: Lập danh sách bệnh nhân đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình, khám sàng lọc, lập hồ sơ bệnh án các trường hợp đồng ý cam kết tham gia chương trình gửi trung tâm y tế tuyến huyện.

Với các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh được phân công tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19: Thực hiện điều trị cho bệnh nhân theo các quy trình tại “Sổ tay hướng dẫn chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 thể nhẹ” do Bệnh viện Phổi Trung ương ban hành.

 

- Bước 3: Trạm y tế liên hệ với trung tâm y tế lĩnh đủ số lượng thuốc điều trị cho bệnh nhân theo danh sách và cấp cho mỗi bệnh nhân 40 viên Molnupiravir 200mg, ngày uống 2 lần, mỗi lần 800mg (4 viên), uống trong 5 ngày. Hàng ngày, các trạm y tế cần liên hệ với bệnh nhân (trực tiếp hoặc qua điện thoại), ghi nhận các sự cố bất lợi (nếu có) trong vòng 14 ngày, báo cáo trung tâm y tế hàng ngày để nhập liệu theo quy định của chương trình.

- Bước 4: Các đơn vị (cơ sở điều trị, trung tâm y tế cấp huyện) cử cán bộ phụ trách nhập liệu hàng ngày lên phần mềm trực tuyến, thực hiện báo cáo định kỳ và lưu trữ hồ sơ bệnh án theo quy định.

Đối với việc thu hồi thuốc, trong trường hợp bệnh nhân không dùng hết thuốc hoặc ngừng thuốc vì bất cứ lý do gì, cần trả lại thuốc kèm theo phiếu xác nhận trả thuốc, ghi rõ số lượng thuốc còn lại và ký tên vào phiếu. Trạm y tế tập hợp các phiếu xác nhận trả thuốc gửi trung tâm y tế để lưu hồ sơ. Các viên thuốc đã phát nhưng chưa sử dụng sẽ được trả lại cho trung tâm y tế tập hợp để gửi về Bệnh viện Đa khoa Đống Đa thực hiện thủ tục hủy thuốc theo quy định. Vỏ thuốc sau khi dùng hết thuốc, bệnh nhân gom lại trả cho cán bộ y tế để kiểm soát việc dùng thuốc và hủy theo rác thải y tế.

Theo thông tin của Bộ Y tế, các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình tại 22 tỉnh, thành phố cho thấy, thuốc Molnupiravir có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1 - 99,1%; Tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; Tỷ lệ chuyển nặng rất thấp (từ 0,02 - 0,06%); Không có ca nào dẫn đến tử vong.

 

Giá trị CT của phản ứng RT-PCR là viết tắt của ngưỡng chu kỳ (cycle threshold). Đây được coi là tiêu chuẩn “vàng” để phát hiện virus SARS-CoV-2. Giá trị CT càng thấp, tải lượng virus SARS-CoV-2 càng cao. Ngược lại, giá trị CT càng cao, tải lượng virus SARS-CoV-2 càng thấp và đến một mức nào đó sẽ hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, giá trị CT > 33 đồng nghĩa với việc người bệnh hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có các hướng dẫn liên quan đến điều kiện cách ly tại nhà của F0 dựa trên giá trị CT. Theo đó, những trường hợp dương tính nhưng có tải lượng virus thấp (giá trị CT> 30) có thể được theo dõi, điều trị tại nhà vì với những trường hợp này, khả năng lây nhiễm ra những người xung quanh là rất thấp.

Vi Bùi H+ (Theo Baochinhphu)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội