Hiệu quả của thuốc Molnupiravir thấp hơn mong đợi: Có ảnh hưởng tới đại dịch?

Molnupiravir có thể mang cơ hội điều trị cho những người khó tiếp cận với kháng thể đơn dòng

TP.HCM: Đề xuất hỗ trợ kit test nhanh COVID-19 cho các trường học

Nhiều địa phương cập nhật kế hoạch cho học sinh đến trường

Đà Nẵng hỗ trợ F0 điều trị tại nhà bằng ứng dụng

TP.HCM công bố cấp độ dịch, Hà Nội thêm 1 quận "vùng cam"

Molnupiravir là một trong hai loại thuốc kháng virus nhận được nhiều sự chú trong vài tháng qua. Theo đó, kết quả thử nghiệm lâm sàng sơ bộ cho thấy loại thuốc này có thể làm giảm đáng kể số ca nhập viện và tử vong do COVID-19.

Dù vậy, theo kết quả của cuộc họp ngày 30/11 vừa qua, Molnupiravir vẫn chưa được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp. Theo đó, tại cuộc họp, các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn về hiệu quả và độ an toàn của thuốc kháng virus.

Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng mới đây cho thấy Molnupiravir có hiệu quả thấp hơn so với suy nghĩ ban đầu. Điều này làm giảm hy vọng của các nhà khoa học về một phương pháp điều trị tương đối rẻ, dễ sử dụng và có thể thay đổi tình hình đại dịch.

Theo đó, thuốc kháng virus Molnupiravir (loại thuốc được phát triển bởi Hãng dược phẩm Merck và đối tác Ridgeback Biotherapy) có thể làm giảm 30% nguy cơ nhập viện do COVID-19. Con số này thấp hơn mức 50% - kết quả được thông báo trong các thử nghiệm trước đó.

Eliav Barr, đại diện từ Hãng dược phẩm Merck cho biết, dù kết quả có thấp hơn so với các nghiên cứu trước đó, vẫn không thể phủ định khả năng làm giảm số ca nhập viện vẫn là một điều có lợi, đặc biệt tại các khu vực đang có xu hướng gia tăng các bệnh nhiễm trùng.

Molnupiravir là loại thuốc kháng virus đường uống được chú ý hiện nay

Molnupiravir là loại thuốc kháng virus đường uống được chú ý hiện nay

Ngược lại, phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng có thể giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng tới 85%. Tuy nhiên, phương pháp này rất tốn kém vì cần được tiêm qua đường tĩnh mạch. Do đó, việc tìm ra được một loại thuốc kháng virus đường uống hiệu quả là ưu tiên hàng đầu của các nhà khoa học trên thế giới. Các loại thuốc điều trị COVID-19 đường uống thường không quá tốn kém, dễ sử dụng và phù hợp trong điều trị cho người bệnh có nguy cơ cao tại các nước có nguồn lực hạn chế.

Hạ thấp kỳ vọng

Đợt nghiên cứu ban đầu (được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến đầu tháng 8) của Merck thực hiện trên 762 người, chia thành 2 nhóm: Một nhóm uống 4 viên thuốc kháng virus, chia làm 2 lần/ngày; Nhóm còn lại dùng giả dược trong 5 ngày liên tiếp. Đợt nghiên cứu thứ hai (được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến đầu tháng 10) thực hiện trên 646 người.

Trong số những người tham gia nhiên cứu, có 80% người sống ở châu Âu hoặc châu Mỹ Latinh. Những người tham gia nghiên cứu bắt đầu phác đồ điều trị trong vòng 5 ngày kể từ khi gặp các triệu chứng COVID-19. Các nhà khoa học cũng theo dõi những người tham gia nghiên cứu, xem có bao nhiêu người phải nhập viện hoặc tử vong vì các biến chứng COVID-19.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong đợt thứ nhất, tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong của những người tham gia nghiên cứu dùng thuốc Molnupiravir đã giảm 50% so với những người dùng giả dược. Tuy nhiên, trong đợt thứ hai, các nhà khoa học nhận thấy không có sự khác biệt giữa những người dùng thuốc kháng virus, so với những người dùng giả dược.

Trong cuộc họp ngày 30/11, đại diện Merck cho biết hãng vẫn chưa thể giải thích được sự khác biệt giữa 2 đợt nghiên cứu. Dù vậy, một vài chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể do biến thể Delta (biến thể với khả năng lây truyền cao hơn) vẫn chưa “thống trị” toàn cầu trong khoảng thời gian tiến hành đợt nghiên cứu thứ nhất. Nếu dự đoán này là đúng, điều này có nghĩa thuốc Molnupiravir không hiệu quả với Delta như đối với các biến thể khác yếu hơn.

Hiệu quả của thuốc Molnupiravir vẫn đang đặt ra nhiều câu hỏi với các nhà khoa học

Hiệu quả của thuốc Molnupiravir vẫn đang đặt ra nhiều câu hỏi với các nhà khoa học

Với kết quả thử nghiệm lâm sàng khác nhiều so với kết quả sơ bộ trước đó, đại diện FDA đã gặp khó khăn trong việc quyết định liệu lợi ích của thuốc Molnupiravir có lớn hơn những rủi ro (có thể có) của thuốc hay không.

Cân nhắc rủi ro

Dù Merck báo cáo tỷ lệ gặp tác dụng phụ giữa những người dùng thuốc kháng virus và người dùng giả dược là tương tự nhau, nhiều nhà nghiên cứu vẫn lo ngại rằng cơ chế hoạt động mới của Molnupiravir có khả năng gây ra rủi ro về lâu dài. Theo đó, thuốc kháng virus hoạt động bằng cách kết hợp với RNA của virus, tạo ra lỗi và cản trở khả năng sao chép của SARS-CoV-2.

Các chuyên gia cho rằng việc cố ý đưa các đột biến vào RNA của virus có thể vô tình tạo ra các phiên bản nguy hiểm hơn của SARS-CoV-2. Trong trường hợp như vậy, các đột biến có thể xảy ra tại protein gai của virus (bộ phận chúng sử dụng để xâm nhập vào tế bào của người). Điều này có thể khiến virus dễ lây truyền hơn, hoặc có thể trốn tránh vaccine. Đây sẽ là một mối lo ngại đáng kể nếu người bệnh không hoàn thành liệu trình điều trị đủ 5 ngày (tương đương với 40 viên thuốc) vì một số biến thể đột biến có thể tồn tại trong cơ thể người lâu hơn, sau đó tiếp tục lây truyền cho người khác.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng kịch bản một phiên bản đột biến hoàn hảo của SARS-CoV-2 sống sót sau khi dùng thuốc kháng virus là khá khó xảy ra, dù không phải là không thể. Merck cho biết họ không phát hiện thấy bất kỳ virus nào còn sót lại ở những người tham gia nghiên cứu sau liệu trình điều trị 5 ngày. Tuy nhiên, hãng không thử nghiệm thuốc trên những đối tượng bị suy giảm miễn dịch, những người có thể gặp khó khăn trong việc loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể, ngay cả khi có sự trợ giúp của thuốc kháng virus.

 

Ngoài những rủi ro với cộng động, ủy ban cố vấn của FDA cũng thảo luận về những rủi ro tiềm ẩn đối với cá nhân. Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy Molnupiravir có thể có nguy cơ tạo ra đột biến trên DNA của người, đặc biệt là với các tế bào có khả năng tái tạo nhanh như tế bào máu hoặc tinh trùng. Tuy nhiên, thử nghiệm trên động vật cho thấy nguy cơ này là khá thấp. Dù vậy, ủy ban cố vấn của FDA cũng khuyến nghị nên đưa ra cảnh báo nghiêm trọng đối với việc dùng Molnupiravir cho trẻ em dưới 18 tuổi và phụ nữ mang thai, ít nhất là cho tới khi có thêm dữ liệu về tính an toàn của thuốc trên những đối tượng này.

Vẫn còn hy vọng

Với số người tử vong do SARS-CoV-2 ngày càng nhiều, cũng như trước thực tế biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng, nhiều tổ chức y tế đã hy vọng các loại thuốc kháng virus như Molnupiravir có thể sớm được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Trên lý thuyết, cách thức hoạt động của Molnupiravir vẫn được cho là sẽ có hiệu quả, cho dù phải đối mặt với phiên bản nào của SARS-CoV-2 đi nữa. Việc có được loại thuốc kháng virus có thể chống lại được các biến thể của SARS-CoV-2 sẽ là một lợi thể, đặc biệt nếu phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng hiện nay không chống lại được Omicron hay các biến thể có thể xuất hiện trong tương lai.

Trước những câu hỏi về hiệu quả và rủi ro tiềm ẩn của Molnupiravir, nhiều tổ chức y tế trên thế giới đang nghĩ tới việc tìm kiếm các giải pháp thay thế. Đầu tháng 11 vừa qua, Công ty Pfizer (Mỹ) đã công bố kết quả ban đầu cho thấy thuốc kháng virus Paxlovid của họ có thể giảm tới 89% số ca nhập viện và tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, dữ liệu đầy đủ về loại thuốc mới này vẫn chưa được công bố. Cơ chế hoạt động của Paxlovid khác với cơ chế hoạt động của Molnupiravir.

Nhiều nhà khoa học hy vọng những nghiên cứu về Molnupiravir và Paxlovid có thể dẫn tới việc kết hợp nhiều loại thuốc kháng virus để tiêu diệt SARS-CoV-2 trong tương lai. Việc ngăn chặn sự phát triển của virus bằng cách sử dụng cuộc tấn công đa hướng có thể sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Theo đó, virus sẽ khó phát triển khả năng kháng thuốc khi phải chống lại nhiều loại thuốc cùng lúc, thay vì một loại thuốc đơn lẻ.

Vi Bùi H+ (Theo Nature)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất