Phần lớn bệnh nhân COVID-19 tử vong chưa tiêm vaccine

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM đang điều trị cho các F0 nặng, nguy kịch - Ảnh: Vietnamnet

Đà Nẵng chủ động ứng phó với số ca mắc COVID-19 tăng cao

Hà Nội vượt 20.000 ca COVID-19, số F0 chuyển nặng tại TP.HCM tăng

Hà Nội và 3 tỉnh, thành ghi nhận hơn 1.000 ca mắc trong ngày

Hà Nội xây dựng kịch bản 3.000 F0 mỗi ngày

Ngày 15/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Hồi sức Điều trị COVID-19 các tỉnh, thành phố phía Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao sự nỗ lực của các tỉnh, thành khu vực phía Nam cũng như các bệnh viện tuyến trên đã được Bộ Y tế phân công, điều động hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Thứ trưởng đề nghị ngành y tế các tỉnh và lực lượng hỗ trợ tiếp tục nỗ lực, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Báo cáo của các tỉnh, thành cho thấy, phần lớn ca tử vong tại các tỉnh, thành phía Nam là người trên 50 tuổi có bệnh nền và đa số chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.

Lãnh đạo Sở Y tế An Giang cho biết, tỉnh còn hơn 4.500 F0 đang điều trị. Trong tổng số ca tử vong cộng dồn tại An Giang, khoảng 83% số ca tử vong là người chưa tiêm vaccine.

Tiền Giang đang điều trị hơn 6.500 bệnh nhân COVID-19.694 ca COVID-19 tử vong cộng dồn đến nay chủ yếu do bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, khoảng 65% ca tử vong chưa tiêm vacccine.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các tỉnh, thành phố phía Nam rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng nguy cơ - Ảnh: VTV

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các tỉnh, thành phố phía Nam rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng nguy cơ - Ảnh: VTV

Nhấn mạnh thực tế này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay: "Cùng với tiếp tục duy trì, nâng cao năng lực của các Trung tâm Hồi sức Điều trị người bệnh COVID-19, các tỉnh, thành phố phía Nam còn cần phải tăng cường quản lý người trên 50 tuổi có bệnh nền để giám sát chủ động, rà soát tiêm vaccine phòng COVID-19, có thể tiêm tại nhà với trường hợp không thể đến điểm tiêm”.

Tại cuộc họp giao ban, các điểm cầu Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh, An Giang đều đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cấp phát bổ sung thêm thuốc kháng virus Molnupiravir, thuốc điều trị Remdesivir... Một số tỉnh đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ máy thở HFNC, duy trì và hỗ trợ thêm về nhân lực y tế hồi sức cấp cứu.

Đối với đề xuất của các địa phương về thuốc điều trị, máy thở, Thứ trưởng Bộ Y tế giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh trao đổi, phối hợp với các Vụ/Cục liên quan để điều phối, cấp phát ngay cho các địa phương.

Riêng thuốc Molnupiravir, các địa phương gửi báo cáo đề xuất nhu cầu về Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế). Các địa phương khi nhận được thuốc phải sử dụng hiệu quả, hợp lý và có phương án cụ thể để sẵn sàng để chuyển đến cho F0 điều trị tại nhà và công đồng.

Trước thực trạng lực lượng chuyên môn y tế hiện đang thiếu trong khi F0 gia tăng, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị giám đốc Sở Y tế các địa phương tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch của tỉnh, thành phố phân bố nhân lực hợp lý. Ví dụ, chỉ sử dụng lực lượng y tế cho chuyên môn y tế, lực lượng khác như Đoàn Thanh niên... hỗ trợ làm việc hành chính.

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin