"Báo động đỏ" ô nhiễm không khí ở Hà Nội, người dân cần lưu ý gì?

Đến 10h trưa, chất lượng không khí tại Hà Nội vẫn chưa được cải thiện - Ảnh: Lê Tuyết/Sức khỏe+

Ô nhiễm không khí làm giảm khả năng tập trung của trẻ em

Bụi mịn, ô nhiễm không khí đe dọa nhiều quốc gia

Khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe

Biện pháp bảo vệ làn da khỏi ô nhiễm không khí

Tính đến 9h sáng nay (26/9), trên IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới), Hà Nội đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng ô nhiễm không khí của các thành phố lớn trên thế giới với chỉ số AQI 166. Lahore (Pakistan) và Dubai (các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất) lần lượt lần lượt ở hai vị trí dẫn đầu về mức độ ô nhiễm không khí với chỉ số AQI là 181 và 173. 

Theo bản đồ chất lượng không khí, tại khu vực Hà Nội, nhiều điểm có mức ô nhiễm cảnh báo đỏ (mức không lành mạnh) như phố Quảng Khánh (Tây Hồ) có chỉ số AQI 198, đường Lê Duẩn (Hoàn Kiếm) có chỉ số AQI 175, đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy) 170…

IQAir đánh giá bụi mịn (PM2.5) tại Hà Nội hiện cao gấp 15,8 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thực tế, tình trạng khói bụi bao trùm thành phố, nhất là khoảng thời gian sáng sớm là điều không còn xa lạ với người dân Thủ đô. Từ xa có thể thấy lớp sương mù dày đặc bao trùm nhiều tòa nhà cao tầng, đường phố. 

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội trở nên nghiêm trọng hơn và thường gia tăng tần suất, mức độ vào thời kỳ Thu đông. Nguyên nhân chính được xác định là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng khí thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa. Việc chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, sáng sớm và chiều muộn hình thành lớp sương mù dày đặc cản trở việc khuếch tán ô nhiễm, gây ô nhiễm cục bộ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nghiên cứu, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư. Ngoài ra tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch. Trong đó, người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người có sức đề kháng yếu là những đối tượng dễ chịu tổn thương nhất.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn ra trên địa bàn Hà Nội, các chuyên gia khuyến cáo:

- Người dân cần theo dõi thường xuyên chất lượng không khí để bố trí lịch làm việc, vui chơi hợp lý.

- Hạn chế ra ngoài khi chất lượng không khí xấu. Nếu phải ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

- Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm.

- Trong những ngày thời tiết rất xấu, người dân không ra ngoài tập thể dục vào buổi sáng và chiều tối - thời gian ô nhiễm nhất trong ngày, đặc biệt người già và trẻ em, các trường học không tổ chức các hoạt động ngoại khóa ngoài trời.

- Thường xuyên vệ sinh đường hô hấp bằng nước muối sinh lý, nhất là khi ra đường.

- Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ.

- Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khói thuốc lá.

- Với người bệnh hen và phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải tuân thủ và duy trì uống thuốc hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm môi trường không khí. Nếu các dấu hiệu khó chịu trở nặng nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám kịp thời. 

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội