Empty
Empty

Dữ liệu chất lượng không khí năm 2023 do IQAir - một công ty Thụy Sỹ, công bố cho thấy, chỉ có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trong số 134 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đạt được tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới về bụi mịn – một dạng ô nhiễm không khí.

Empty

Glory Dolphin Hammes, Giám đốc điều hành bộ phận Bắc Mỹ của IQAir cho biết: “Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu đều có cùng một thủ phạm, đó là nhiên liệu hóa thạch.” Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra hướng dẫn rằng, trung bình một người không nên hít quá 5 microgam bụi mịn trên một mét khối không khí thở mỗi năm.

Những địa điểm có đủ không khí sạch đáp ứng các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới hầu hết là các hòn đảo, nằm ở Úc và các quốc gia Bắc Âu như Phần Lan và Estonia. Những quốc gia có chất lượng không khí kém nhất hầu hết là ở Châu Á và Châu Phi – những nơi dân cư đông đúc. Các cảm biến chất lượng không khí ở gần 1/3 số thành phố của các quốc gia này đều ghi lại nồng độ bụi mịn đo được cao hơn 10 lần so với hướng dẫn của WHO. Các tác giả của nghiên cứu đã viết trên báo cáo rằng: “Đây là một tỷ lệ vượt xa bất kỳ khu vực nào khác”.

Empty

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng ô nhiễm khí thải từ nhà máy, phương tiện giao thông, là những nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho khu vực. Việc sử dụng các nguyên liệu sưởi ấm (như củi, phân khô) hay đốt chất thải nông nghiệp sau vụ mùa của người nông dân cũng góp phần gây ra vấn đề này.

Có một sự thay đổi đáng chú ý nữa trong nghiên cứu lần này. Đó là mức độ ô nhiễm không khí của Trung Quốc năm 2023 tăng 6,3% so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên chỉ số ô nhiễm không khí của Trung Quốc tăng sau 5 năm cải thiện. Riêng Bắc Kinh, chỉ số PM2.5 đã tăng 14% so với năm 2022.

Năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch chống ô nhiễm khí hậu và đã đạt được nhiều thành tựu sau đó. Nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Trung Quốc giảm mạnh nhất vào năm 2020, khi cả đất nước này đóng băng vì đại dịch. Tuy nhiên, khi các hoạt động kinh tế, xã hội được nối lại, nồng độ này lại tăng lên.

Năm 2023, có 11 thành phố của Trung Quốc có mức độ ô nhiễm không khí ở mức báo động, vượt quá 10 lần so với hướng dẫn của WHO, tệ nhất là Hòa Điền – Tân Cương.

Tuy nhiên, theo IQAir, để đưa ra con số này, công ty đã phân tích dữ liệu của hơn 30.000 trạm cảm biến và giám sát chất lượng không khí trên 134 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số trạm giám sát này được điều hành bởi các cơ quan chính phủ, trong khi những trạm khác được giám sát bởi các tổ chức phi lợi nhuận, trường học, công ty tư nhân và các nhà khoa học công dân. Chính vì thế, có những lỗ hổng lớn trong việc giám sát chất lượng không khí ở Châu Phi và Trung Đông, bao gồm cả ở một số khu vực mà dữ liệu vệ tinh cho thấy có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất trên Trái đất.

Empty

Không chỉ việc tiếp xúc lâu dài với bụi mịn và ô nhiễm không khí mới gây hại cho sức khỏe con người mà các chuyên gia y tế cho rằng, tiếp xúc ngắn hạn với bụi mịn cũng gây hại cho sức khỏe.

Những đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ nhỏ và người có bệnh lý tiềm ẩn, việc hít phải một lượng lớn ô nhiễm bụi mịn vài giờ hoặc vài ngày có thể gây tử vong. Một nghiên cứu được công bố trên The Lancet cho thấy, khoảng 1 triệu ca tử vong hàng năm có thể là do phơi nhiễm bụi mịn PM2.5 trong một thời gian ngắn. Tồi tệ nhất là ở Đông và Nam Á, Tây Phi.

Giáo sư Yuming Guo - Đại học Monash ở Melbourne, Úc, là một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Nếu không tính đến mức độ phơi nhiễm ngắn hạn, chúng ta đã đánh giá thấp gánh nặng tử vong do ô nhiễm không khí”. Ở từng quốc gia, ô nhiễm không khí và ảnh hưởng sức khỏe của nó không được phân bố đồng đều.

Tác động của ô nhiễm không khí có thể nhẹ, như kích ứng mắt và cổ họng, hoặc nghiêm trọng, bao gồm các vấn đề về tim và hô hấp. Chúng cũng có thể tồn tại ngay cả sau khi không khí đã trong lành, vì ô nhiễm có thể gây viêm mô phổi và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ngay cả khi chất lượng không khí được cho là không nguy hiểm vào một ngày cụ thể, một số chuyên gia cho rằng bạn vẫn có thể cảm nhận được những tác động tiêu cực từ các chất ô nhiễm trong không khí.

Khi hít phải bụi mịn có thể làm tăng nguy cơ đau tim, ung thư và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, đặc biệt là ở trẻ em và người lớn tuổi.

Empty

Trong mùa hè, sự kết hợp của các chất ô nhiễm và nhiệt độ nóng hơn cũng có thể làm tăng mức độ ô nhiễm ozone.

Về lâu dài, bụi mịn được cho là có tác hại tổng thể tới sức khỏe con người.

Về mặt tâm lý, bụi mịn khiến môi trường thêm ngột ngạt, khó thở, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của con người và dần dẫn đến tâm lý thay đổi bất thường.

Với hệ hô hấp, quá trình hô hấp là đưa oxy vào phổi, tại phổi, oxy tiếp xúc với máu, trong máu có chất hemoglobin, chất này kết hợp với oxy, mang oxy đến các tế bào. Bụi mịn cộng với khí CO hay SO2, NO2 nhiều sẽ cản hemoglobin kết hợp oxy khiến tế bào thiếu oxy gây ra kích ứng mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi... và những bệnh về hô hấp. Ngoài ra chất độc trong bụi đi vào cơ thể người sẽ gây bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD).

Ngoài bệnh về hô hấp, bụi mịn còn tấn công vào phế nang, vượt qua vách ngăn khí - máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, bụi mịn cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh. Bụi mịn cũng có thể khiến chỗ tắc mạch máu bình thường không nghiêm trọng bỗng nhiên bị vỡ, tạo ra nghẽn mạch, gây nhồi máu cơ tim.

Tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có thể đẩy nhanh sự suy giảm nhận thức. Sự ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hoạt động não bộ, tăng nguy cơ đột quỵ và chứng mất trí nhớ và trầm cảm.

Bụi siêu mịn PM2.5 còn được mệnh danh là "sát thủ âm thầm" bởi có thể thúc đẩy bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa, rối loạn chức năng gan. PM2.5 gây kháng insulin, viêm và tăng biến chứng bệnh đái tháo đường. Bụi mịn còn tấn công vào phế nang, vượt qua vách ngăn khí - máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh.

Empty
Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sức khỏe môi trường