Ngày Quốc tế Không khí sạch: Giảm ô nhiễm không khí vì một bầu trời xanh

Ô nhiễm không khí đang đe dọa đến sức khỏe con người và nền kinh tế của nhiều quốc gia. (Ảnh chụp khu vực Cầu Giấy, Hà Nội của Zing)

Tại sao bạn nên ăn rau chân vịt mỗi ngày?

Bão số 3 mạnh lên cấp siêu bão, biển động dữ dội

Điện thoại di động có gây hại cho tim bạn không?

Tử vi thứ Sáu (6/9/2024): Xử Nữ nên chịu khó lắng nghe người khác

Ngày Quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh là ngày gì?

Ô nhiễm không khí là kẻ giết người. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, ô nhiễm không khí đã và đang hủy hoại cuộc sống và sức khỏe của hàng tỷ người, trong đó những đối tượng yếu thế như trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ mang thai chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Theo nghiên cứu của Đại học Chicago, các hạt bụi mịn (được gọi là PM2.5) là mối nguy hiểm lớn nhất đối với sức khỏe con người. Nghiên cứu cho biết tác động của bụi mịn đối với tuổi thọ của con người "tương đương với hút thuốc, cao hơn 4 lần so với việc sử dụng rượu bia, gấp 5 lần so với chấn thương khi bị tai nạn giao thông và hơn 6 lần so với HIV/AIDS".

 

Theo Viện Tác động Sức khỏe (the Health Effects Institute), có 8,1 triệu ca tử vong do ô nhiễm không khí vào năm 2021.

UNEP khẳng định chỉ có hành động trên quy mô toàn cầu mới có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí, đó là lý do tại sao Ngày Quốc tế Không khí Sạch vì bầu trời xanh được tổ chức hàng năm.

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chỉ định ngày 7/9 hàng năm là ngày nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động chống ô nhiễm không khí. Đó là mục tiêu của Ngày quốc tế không khí sạch cho bầu trời xanh được khởi xướng vào năm 2020.

UNEP cho biết ngày này “nhằm mục đích xây dựng một cộng đồng hành động toàn cầu, khuyến khích các quốc gia hợp tác giải quyết ô nhiễm không khí để bảo vệ hệ sinh thái của chúng ta. Ngày này cung cấp một nền tảng hợp tác ở cấp độ cá nhân, quốc gia, khu vực và quốc tế để cùng nhau làm việc và đầu tư vào các chương trình giải quyết ô nhiễm không khí - Clean Air Now.”

Chất lượng không khí kém là mối đe dọa bên ngoài lớn nhất đối với sức khỏe, theo Chỉ số Chất lượng Không khí Cuộc sống (AQLI). AQLI đã phát triển một công cụ để tính toán xem con người sẽ sống được bao lâu nếu họ có thể hít thở không khí trong lành. Nền tảng này cho thấy người dân ở các vùng công nghiệp phía bắc Ấn Độ sẽ sống thêm 6,8 năm nếu có không khí an toàn để hít thở.

Nhưng không chỉ ở những khu vực ô nhiễm nặng con người mới bị ảnh hưởng bởi chất lượng không khí kém. AQLI cho biết tuổi thọ trung bình của mỗi người trên thế giới sẽ tăng thêm 1 năm 11 tháng nếu tỷ lệ các hạt bụi mịn trong khí quyển được giảm xuống mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.

Tuổi thọ con người sẽ tăng nếu chất lượng không khí được cải thiện của AQLI năm 2022. Vùng đỏ sậm là Ấn Độ. (ảnh chụp màn hình)

Tuổi thọ con người sẽ tăng nếu chất lượng không khí được cải thiện của AQLI năm 2022. Vùng đỏ sậm là Ấn Độ. (ảnh chụp màn hình)

Làm gì để giải quyết ô nhiễm không khí?

Ngày Không khí sạch thế giới (World Clean Air Day) năm nay có chủ đề “Làm sạch không khí ngay lúc này!" (CleanAirNow), tập trung vào việc tăng cường đầu tư cũng như chia sẻ trách nhiệm trong việc chống ô nhiễm không khí. Đồng thời, nhấn mạnh vào 5 vấn đề cần biết về ô nhiễm không khí.

Carbon đen ở Bắc Cực: Ô nhiễm không khí tác động đến hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người. Bắc Cực đang nóng lên nhanh gấp bốn lần so với phần còn lại của hành tinh, làm tan chảy các tảng băng và lớp đất đóng băng vĩnh cửu, từ đó giải phóng nhiều khí nhà kính hơn. Một nguyên nhân quan trọng của điều này là việc giải phóng các hạt carbon đen vào khí quyển. Carbon đen xuất phát từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Những hạt nhỏ này có thể trôi dạt hàng nghìn dặm và các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chúng đang làm cho các cánh đồng tuyết ở Nam Cực trở nên tối hơn. Tuyết bị ô nhiễm carbon đen hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn và chuyển đổi nó thành nhiệt, làm tan tuyết nhanh hơn.

2. Sự hợp tác của các quốc gia lên vì không khí trong lành: Những người vận động cho không khí sạch đang kêu gọi các chính phủ đưa vấn đề không khí sạch trở thành ưu tiên cấp bách. Họ lập luận rằng: “Bằng cách thể hiện quan điểm mạnh mẽ về ô nhiễm không khí, cùng với các chính sách và khoản đầu tư, các chính phủ sẽ thấy được những lợi ích của không khí sạch. Việc tăng cường hành động về không khí sạch là rất quan trọng để tăng cường sức khỏe, cắt giảm khí thải, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế bền vững và giảm nghèo đói và bất bình đẳng trên toàn thế giới”.

Theo AQLI, Việt Nam đứng thứ 28 trong 252 quốc gia được đánh giá về mức độ ô nhiễm không khí năm 2022. Chất lượng không khí được cải thiện về mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tuổi thọ của người Việt Nam sẽ tăng 1,82 tuổi. (Ảnh chụp màn hình)

Theo AQLI, Việt Nam đứng thứ 28 trong 252 quốc gia được đánh giá về mức độ ô nhiễm không khí năm 2022. Chất lượng không khí được cải thiện về mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tuổi thọ của người Việt Nam sẽ tăng 1,82 tuổi. (Ảnh chụp màn hình)

3. Cải cách trợ cấp có thể làm cho không khí trong lành hơn: Nhiên liệu hóa thạch là nguồn chính gây ô nhiễm PM2.5 và các chính phủ đang chi nhiều triệu USD cho trợ cấp nhiên liệu hóa thạch - số tiền có thể được khai thác để giúp giải quyết vấn đề. Các cải cách được cân nhắc kỹ lưỡng đã thành công và lâu dài có chung hai nguyên tắc: Bồi thường cho những người có thể bị thiệt hại do việc cắt trợ cấp và có được các thông tin đáng tin cậy đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy nhu cầu thay đổi môi trường.

4. Dữ liệu mở về cải thiện chất lượng không khí: Cải thiện chất lượng không khí là điều có thể, nhưng phụ thuộc vào việc có dữ liệu mở, chất lượng tốt mà công chúng có thể truy cập. Việc đề nghị các công ty cung cấp các số liệu về chất lượng không khí cho người tiêu dùng và cho phép nhiều người chia sẻ nhiều dữ liệu hơn với công chúng cũng là một giải pháp thúc đẩy giải quyết ô nhiễm không khí.

5. Hành động chống ô nhiễm không khí làm giảm nguy cơ: Liên minh châu Âu có mục tiêu giảm 55% số ca tử vong sớm do ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) vào năm 2030 (so với số liệu năm 2005). Để đạt được mục tiêu này, EU đã đưa ra Chỉ thị cam kết giảm phát thải quốc gia nhằm mục đích giảm các chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất. Mặc dù ô nhiễm không khí nói chung đã giảm trong hai thập kỷ qua, EU cho biết đây vẫn là rủi ro lớn nhất đối với sức khỏe môi trường.

Bảng đánh giá mức độ ô nhiễm không khí ở các thành phố Châu Âu theo 5 cấp độ: tốt, khá, trung bình, kém và rất kém.

Bảng đánh giá mức độ ô nhiễm không khí ở các thành phố Châu Âu theo 5 cấp độ: tốt, khá, trung bình, kém và rất kém.

Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) đã sử dụng dữ liệu giám sát để xếp hạng các thành phố có không khí sạch nhất – và ô nhiễm nhất. Tiêu chí phân loại chất lượng không khí của EEA như sau:

  • Tốt: Tỷ lệ bụi mịn không vượt quá giá trị hướng dẫn hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới là 5μg/m3,
  • Khá: Mức trên 5 và không quá 10μg/m3,
  • Trung bình: Mức trên 10 và không quá 15μg/m3,
  • Kém: Mức trên 15 và không quá 25μg/m3,
  • Rất kém: Mức độ ở mức bằng hoặc cao hơn giá trị giới hạn của Liên minh Châu Âu là 25μg/m3.

Theo đó, các thành phố ở Thụy Điển, Bồ Đào Nha và các nước Bắc Âu đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ ô nhiễm PM2.5 đe dọa tính mạng thấp nhất. Ở đầu bên kia của thang đo, Cremona ở Ý (23,3μg/m3), Nowy Sącz ở Ba Lan (24μg/m3) và Salvonski Brod ở Croatia (26,5μg/m3) có mức độ ô nhiễm không khí PM2.5 cao nhất ở Châu Âu.

Theo Hội đồng Tương lai Toàn cầu về Không khí sạch của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hợp tác công/tư sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo mọi người đều được hưởng quyền hít thở không khí trong lành. Và Ngày Quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh là thời điểm quan trọng để nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động chuyển đổi.

 
Khánh Hạ (lược dịch)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sức khỏe môi trường