Hà Nội vẫn chưa thể nới lỏng thêm dịch vụ, hoạt động xã hội

Vì sao lộ trình nới lỏng của Hà Nội phải tạm dừng? - Ảnh minh họa

11 địa phương có ca COVID-19 mới, Việt Nam vượt mốc 20.000 bệnh nhân

Bến Tre, Ninh Thuận và Huế ghi nhận ca mắc mới sau nhiều ngày

Việt Nam ghi nhận ca tử vong số 85, 86 vì COVID-19

TP.HCM thay đổi chiến lược điều tra dịch tễ, truy vết COVID-19

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, việc nới lỏng thêm các loại hình dịch vụ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn ở thời điểm hiện tại không phải nội dung ưu tiên của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố.

"Tình hình dịch ở Hà Nội cơ bản ổn định, nhưng xung quanh chúng ta có 52 tỉnh thành vẫn có ca bệnh, trong đó đặc biệt phức tạp ở TP. HCM. Nguy cơ đối với Hà Nội vẫn rất lớn. Trước mắt, thành phố tập trung tổ chức an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT, chưa tính đến nới lỏng thêm", ông Tuấn cho biết.

Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, bên cạnh nguy cơ dịch bệnh từ các tỉnh thành khác, UBND thành phố Hà Nội cũng đang rất lo ngại với tình trạng người dân chủ quan, các cơ sở kinh doanh ăn, uống phớt lờ quy định sau khi được nới lỏng.

Theo đó, kể từ từ 0h ngày 22/6, UBND thành phố Hà Nội đã cho phép một số dịch vụ như cắt tóc, ăn uống trong nhà… mở cửa trở lại. Từ 0h ngày 26/6, UBND thành phố Hà Nội cho phép hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời kèm yêu cầu không quá 20 người trong một khu vực. Sân tập golf, sân golf được mở trở lại. Quán bar, karaoke, internet, game, cơ sở gym vẫn đang phải tạm dừng hoạt động.

“Để tránh nguy cơ người dân tụ tập ăn uống xem bóng đá, làm tăng nguy cơ lây nhiễm, thành phố đã có yêu cầu quán ăn, uống phải đảm bảo giãn cách, bố trí tấm chắn, đóng cửa trước 21h”, ông Khổng Minh Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, theo phản ánh của người dân và trên các cơ quan báo chí, tại một số địa bàn, người dân thủ đô đã bắt đầu có tâm lý chủ quan, lơ là. Nhiều người chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, nhiều hàng, quán vẫn mở cửa quá 21h, phớt lờ quy định phòng, chống dịch từ phía UBND thành phố Hà Nội đưa ra.

Tại một số địa điểm công cộng, người dân tập trung đông người, chưa thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Tình trạng chợ cóc, chợ tạm, trà đá vỉa hè… vẫn hoạt động, gây ảnh hưởng đến các biện pháp phòng, chống dịch chung của thành phố.

Sau khi phát hiện có tình trạng vi phạm quy định sau khi thành phố nới lỏng giãn cách, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó UBND thành phố Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, nhà hàng ăn, uống trong nhà không đảm bảo giãn cách, không bố trí tấm chắn, mở cửa quá 21h. Lực lượng chức năng kiên quyết giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, trà đá, cà phê vỉa hè.

Về ý kiến nới lỏng thêm quy định, lãnh đạo CDC Hà Nội nhấn mạnh quan điểm của Hà Nội là không thể vội vàng, phải cân nhắc, xem xét thật kỹ tình hình dịch bệnh và kiểm tra, đánh giá thận trọng nguy cơ bùng phát dịch. Tới đây, nếu Hà Nội giảm dần các nguy cơ về dịch COVID-19, việc nới lỏng có thể được xem xét thêm.

Vi Bùi H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội