Hà Nội có ca tử vong vì sốt xuất huyết: Phòng bệnh như thế nào?

Bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm có thể gây tử vong nếu điều trị sai cách

Giảm tiểu cầu do sốt xuất huyết: Ăn gì giúp tăng nhanh nhất?

Những lợi ích và công dụng bất ngờ của lá đu đủ

7 quan niệm sai lầm về sốt xuất huyết

5 cách phòng tránh muỗi đốt cho trẻ để tránh bệnh sốt xuất huyết, sốt rét

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn Aedes Aegypti. Ai cũng có thể mắc sốt xuất huyết tuy nhiên những trường hợp tử vong do sốt xuất huyết thường rơi vào người lớn và hầu hết nguyên nhân đều do chủ quan và nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh lý khác.

Tử vong vì sốt xuất huyết

Ngày 1.9 vừa qua, tại bệnh viện Bạch Mai đã có ca tử vong thứ 2 do sốt xuất huyết. Trường hợp này là nam bệnh nhân, 57 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước khi đến bệnh viện cấp cứu, bệnh nhân đã bị sốt 5 ngày và tự mua thuốc điều trị tại nhà.

Khi được chuyển đến khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã bị ngừng tim 30 phút, được tiến hành cấp cứu, ép tim và tim đã đập trở lại, sau đó ngừng tim lần 2. Với nỗ lực cao nhất, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và tiến hành đặt ECMO (kỹ thuật phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.

Đây là trường hợp thứ 2 tử vong do sốt xuất huyết tại Hà Nội trong hơn 2 tuần vừa qua. Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nam thanh niên 17 tuổi mắc sốt xuất huyết bị ngừng tim do tự truyền dịch tại nhà. Điều đáng nói là cả 2 bệnh nhận đều đến bệnh viện muộn với tình trạng bệnh rất nặng.

Triệu chứng và diễn biến của bệnh sốt xuất huyết

Xuất hiện nốt ở rải rác trên cánh tay là một triệu chứng phổ biến của sốt xuất huyết

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng thì các triệu chứng sốt xuất huyết cần đặc biệt lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: sốt, đau mỏi cơ. Do đó, để chẩn đoán chính xác, cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Các triệu chứng của sốt xuất huyết

Bệnh thường gây sốt (39-40 độ C) kèm các triệu chứng như: Đau đầu, đau cơ xương khớp, buồn nôn, đau hốc mắt, sưng các tuyến, phát ban... Hầu hết người bệnh sẽ phục hồi trong vòng một tuần hoặc hơn.

Tuy nhiên, đối với một số trường hợp, các dấu hiệu bệnh có thể xấu đi, thậm chí đe dọa tính mạng. Lúc này, mạch máu sẽ bị tổn thương và rỉ ra. Số lượng tế bào hình thành cục máu đông trong máu (tiểu cầu) giảm. Điều này sẽ gây ra sốt xuất huyết Dengue, một tình trạng nghiêm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Các triệu chứng của tình trạng này gồm: Đau bụng dữ dội, nôn kéo dài, chảy máu ở nướu hoặc mũi, máu trong nước tiểu, chảy máu dưới da, khó thở, thở nhanh, da lạnh và ẩm, mệt mỏi, khó chịu…

Diễn biến của bệnh sốt xuất huyết

Tiến triển của bệnh qua 3 giai đoạn:

- Giai đoạn sốt: Trong 3-5 ngày đầu tiên, bệnh nhân sẽ sốt cao liên tục 38-40 độ, kèm theo các triệu chứng đau đầu, mỏi cơ khớp toàn thân.

- Giai đoạn nguy hiểm: Thường xảy ra từ ngày thứ 4-7 tính từ ngày đầu tiên khi bệnh nhân bị sốt.

Ở giai đoạn này, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch kéo dài 24-28 giờ, tràn dịch màng phổi, mô kẽ, phù nề mi mắt, gan to… Nếu thoát nhiều huyết tương sẽ dẫn đến tình trạng sốc với biểu hiện như vật vã, bứt rứt, lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh, hạ huyết áp, lượng nước tiểu ít.

Ngoài ra, các triệu chứng xuất sốt huyết có thể xảy ra ở dưới da, niêm mạcnội tạng

Dấu hiệu xuất huyết dưới da được biểu hiện như các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất hiện ở mặt trong cánh tay, bụng đùi, mạng sườn…

Xuất huyết niêm mạc như hiện tượng chảy máu mũi, lợi, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài và xuất hiện kinh sớm hơn. Và dấu hiệu xuất huyết nội tạng có thể thấy ở hệ tiêu hóa, phổi, não.

- Giai đoạn phục hồi: Giai đoạn này kéo dài khoảng 3-4 ngày tiếp theo sau giai đoạn nguy hiểm. Người bệnh hết sốt, thể trạng được tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động ổn định và bắt đầu đi tiểu nhiều.

Cách phòng ngừa xuất sốt huyết

Hiện tại chưa có thuốc điều trị cũng như vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, để phòng tránh bệnh cách duy nhất là phòng muỗi đốt. Bạn nên thực hiện một số điều sau:

- Thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ nước đọng trong nhà và ngoài nhà… không cho muỗi sinh sản và phát triển.

- Nên đóng cửa sổ lúc sáng sớm và chiều tối để tránh muỗi bay vào nhà.

- Mặc quần áo dài tay.

- Ngủ trong mùng, kể cả ban ngày.

- Dùng bình xịt diệt muỗi, kem chống muỗi hoặc vợt điện diệt muỗi…

Từ hai ca tử vong do sốt xuất huyết tại Hà Nội vừa qua, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người đặc biệt lưu ý các dấu hiệu của bệnh. Khi có triệu chứng tuyệt đối không được tự điều trị tại nhà, nên đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám và chữa trị kịp thời. 

Lê Tuyết H+ ( Theo T/H)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn