Hạnh phúc là hòa bình, ổn định, là nụ cười trên môi những đứa trẻ (ảnh từ đất nước hạnh phúc Bhutan)
Cảnh báo 2 sản phẩm Mộc Mao và Mộc Tâm Đường vi phạm luật quảng cáo
“Bỏ túi” thói quen giúp làm chậm các dấu hiệu lão hóa của người Nhật Bản
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước
Những sai lầm phổ biến bạn phải tránh khi ăn chay
Tuần qua, nhà tôi có khách. Anh chị là bạn học cũ của vợ tôi, từ Ba Lan về, đến chơi. Chị là sinh viên học ở Liên Xô, anh là nghiên cứu sinh ở Ba Lan, nay họ định cư ở Ba Lan, mở công ty cung cấp thực phẩm châu Á. Có của ăn, của để, con cái học bên Mỹ, đều thành tài. Tôi hỏi anh chị về nước dịp này, F0 nhiều hơn F1 không ngại à. Họ cười, chúng tớ hai năm qua đã nếm mùi sự khủng khiếp của đại dịch, Ba Lan vốn là rốn dịch ở châu Âu, còn sợ gì nữa. Hà Nội thế này bình yên chán! Anh chị về nước dịp này để tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày cưới của bố mẹ chồng đã xấp xỉ và ngoài 90 tuổi. Họ thật hạnh phúc khi có điều kiện báo hiếu cha mẹ. Các cụ nhà anh chị thật hạnh phúc khi con cái thành đạt về kinh tế và có lòng hiếu thảo.
Vợ chồng tôi khi còn làm việc nhà nước cũng có nhiều dịp ra nước ngoài. Nhưng chồng đi việc của chồng, vợ đi việc của vợ. Chúng tôi hiếm có dịp cùng nhau ra nước ngoài. Tôi hứa với vợ khi về nghỉ, vợ chồng sẽ du lịch nước ngoài bù lại. Chẳng may hai năm qua dịch giã nên chưa thực hiện được lời hứa với vợ. Nay dịch đã vãn, mọi hoạt động đang trở lại nhịp sống bình thường, nước nhà đã mở cửa trở lại du lịch từ 15/3, chúng tôi đang háo hức lên đường.
Vợ tôi có nhiều bạn học phổ thông nay định cư ở các nước Đông Âu sẵn sàng đón tiếp. Chúng tôi đang háo hức với niềm hạnh phúc ấy. Sau quãng thời gian dài tù túng vì đại dịch COVID-19, niềm hạnh phúc của rất nhiều người chúng ta lúc này là được “sổ lồng”!
Tôi từng có dịp được dự lễ vu lan ở ngôi chùa to nhất nước. Dạo ấy cha tôi chưa đi về miền cực lạc, tôi được nhà chùa gắn lên ngực bông hoa hồng đỏ. Liếc nhìn sang các đồng nghiệp, nhiều người cài bông hồng màu khác. Tôi thấy rưng rưng, cảm nhận được niềm hạnh phúc của người con còn đủ cả cha lẫn mẹ! Lứa chúng tôi chào đời những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Ở tuổi học trò, đất nước còn đang chiến tranh, máy bay Mỹ ném bom tàn phá miền Bắc. Chúng tôi sơ tán về nông thôn, đến trường lưng đeo nùn rơm, đầu đội mũ rơm. Hạnh phúc với chúng tôi khi ấy là được trở về thành phố, trở về nhà khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom, được ăn no bữa cơm có thịt với ông bà, cha mẹ.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc được khởi xướng từ Bhutan
Đã đến Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3. Hóa ra không phải là các cường quốc, hay những quốc gia dẫn đầu thế giới về kinh tế đề xướng về ngày này. Ngày Quốc tế Hạnh phúc lại được đề xướng bởi ý tưởng từ Bhutan, một đất nước nhỏ xíu, nằm trên dãy Himalayas, nóc nhà thế giới. Đây là quốc gia vốn được đánh giá là hạnh phúc nhất thế giới dựa trên các yếu tố như sức khoẻ, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Liên Hợp Quốc quyết định kỷ niệm ngày này theo đề xuất của Vương quốc Bhutan. Bắt đầu từ những năm 1970, Quốc vương của vương quốc này đã đưa ra một cách thức mới đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia, bên cạnh các chỉ số về kinh tế thường được dùng để đánh giá về sự giàu có vật chất. Chỉ số này được tính toán dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.
Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, còn vì đây là ngày đặc biệt trong năm, ngày Xuân phân, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, ngày có độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Biểu tượng cho sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực, ngày 20/3 - Ngày Quốc tế Hạnh phúc truyền tải thông điệp rằng: Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.
Từ những niềm hạnh phúc mà tôi cảm nhận được từ chính mình và xung quanh mình, vào dịp ngày 20/3 năm nay, lại càng thấm nhuần phát biểu của ngài Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon khi đề xướng Ngày Quốc tế Hạnh phúc cách nay tròn một thập kỷ (tháng 6/2012): "Đối với mỗi người khác nhau, hạnh phúc có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau."
Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay, nhiều người mong ngóng, khói lửa chiến tranh sớm chấm dứt trên đất nước Ukraine xinh đẹp (ảnh: đón đồng bào Việt Nam trở về từ Ukraine, TTXVN)
Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay, khói lửa chiến tranh đang mờ mịt trên đất nước Ukraine xinh đẹp. Hàng triệu người dân nước này đang phải bỏ tổ ấm gia đình đi tị nạn chiến tranh ở các nước láng giềng, trong đó có nhiều đồng bào của chúng ta phải bỏ lại cơ nghiệp cả đời tích cóp. Em gái tôi từng là sinh viên của hai trường Đại học tổng hợp Moscow và Kiev. Những ngày này em tôi ủ rũ lắm, cô ấy hay nhắc đến những người bạn Nga, bạn Ukraine thân thương thuở ấy nay cũng đã trở nên ông nên bà, cầu mong họ và gia đình không bị guồng máy chiến tranh tàn sát. Cô em tôi và các bạn Việt Nam khác đang hàng ngày đều cầu mong cho hòa bình trở lại để họ lại có dịp trở lại thăm nước Nga, trở lại Ukraine, những nơi họ một thời gắn bó thời thanh niên sôi nổi.
Lại nhắc đến phát biểu của ngài Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon năm ấy: “…Chúng ta đều công nhận rằng, hạnh phúc nghĩa là làm việc để chấm dứt xung đột, nghèo đói và các điều kiện không may mắn khác và rất nhiều đồng loại của chúng ta hiện đang phải sống trong các điều kiện đó. Hạnh phúc không phải là điều phù phiếm, cũng không phải là điều gì xa xỉ. Hạnh phúc là khát khao sâu xa của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Hạnh phúc không nên từ chối một ai và phải là của tất cả mọi người…’’
Chắc hẳn sẽ có nhiều người cùng chung suy nghĩ với tôi rằng, định nghĩa hạnh phúc trong Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay, đó là Không chiến tranh, là Hòa Bình, Ổn định trên hành tinh này!
Bình luận của bạn