Hiểu đúng về KDTM và những biến tướng

Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, chia sẻ với độc giả suckhoecong.vn một số ý kiến xung quanh vấn đề này.


Ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương

Mặc dù cơ quan quản lý đã triển khai khá nhiều các biện pháp quản lý chặt chẽ, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, dư luận vẫn còn một số hoài nghi về hình thức kinh doanh nhạy cảm này. Vậy lý do là tại sao, thưa ông?
Thực tế đã cho thấy KDTM là một mô hình kinh doanh hiệu quả và có nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Trong mô hình KDTM, hàng hóa được đưa đến tận tay người tiêu dùng và người tiêu dùng được tư vấn cặn kẽ về tính năng, công dụng của sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều doanh nghiệp KDTM vì lợi nhuận trước mắt bất chấp các quy định của pháp luật, có những hành vi lừa đảo, yêu cầu người tham gia mạng lưới KDTM phải trả một khoản tiền để được tham gia, cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng để dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới KDTM nhằm trục lợi. Một số doanh nghiệp còn cung cấp thông tin sai lệch về tính năng, công dụng của sản phẩm gây sự hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp KDTM thường xuyên vi phạm về ký kết hợp đồng tham gia KDTM với nhà phân phối. Những vi phạm này gây bất bình cho dư luận và tạo cảm giác hoài nghi về hình thức kinh doanh này tại Việt Nam. Nói một cách khách quan, chính một số doanh nghiệp KDTM vì lợi ích trước mắt đã kinh doanh bất chính tạo ra làn sóng hoài nghi trong dư luận xã hội.

Ngoài ra, cũng có những biến tướng của KDTM đã được cơ quan nhà nước chỉ rõ là các mô hình lừa đảo, lợi dụng niềm tin của cộng đồng về hình thức KDTM chân chính để trục lợi bất chính, ông có chia sẻ gì thêm về những mô hình này?
Bên cạnh mô hình KDTM chân chính, trên thực tế có tồn tại một mô hình huy động tài chính hình tháp (pyramid scheme) cũng tổ chức người tham gia theo mạng lưới gồm nhiều cấp giống như KDTM. Tuy nhiên, bản chất của mô hình này là thu tiền của những người cấp dưới để trả cho những người cấp cao hơn. Trong mô hình này, người mới tham gia sẽ được yêu cầu đóng một khoản tiền gia nhập mạng lưới để trả cho các cấp trên, bù lại họ sẽ được quyền tuyển dụng người mới ở cấp dưới và thu tiền từ những người này. Đây là một hình thức lừa đảo, không tạo ra bất kỳ giá trị thặng dư cho nền kinh tế và tất yếu sẽ đổ vỡ khi không còn tìm được những người mới đóng tiền vào hình tháp. Khi đó, số đông những người ở cấp thấp sẽ gánh chịu thiệt hại do khoản tiền đã đóng cho cấp trên.

Do sự tương tự về tổ chức mạng lưới nhiều cấp, trong một số trường hợp mô hình KDTM được sử dụng làm vỏ bọc cho hành vi tổ chức hình tháp. Khi đó, hoạt động bán sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ chỉ là hình thức che đậy việc thu tiền của những người mới tham gia vào mạng. Hoạt động vi phạm có những biểu hiện như: sản phẩm được chào bán cho người tham gia với giá rất cao nhưng ít hoặc không có giá trị sử dụng, không thể lưu thông một cách bình thường trong thực tế; người tham gia không được trang bị kỹ năng bán hàng mà được dạy cách lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới và được hứa hẹn thu lợi khi tuyển dụng được người mới.

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra và xử lý nhiều trường hợp lừa đảo hình tháp như nêu trên, như các vụ việc Golden Rock (2006) Colony Invest (2007), Diamond Holiday (2011)… Trong những vụ việc này, dư luận và ngay cả một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có sự nhầm lẫn coi hành vi lừa đảo nói trên là một dạng thức KDTM bất chính. Tình trạng này dẫn đến nhận thức tiêu cực về ngành KDTM nói chung cũng như những bất cập trong việc áp dụng quy định phù hợp của pháp luật để xử lý vi phạm.


Trước khi tham gia KDTM, nên tìm hiểu kĩ các quy định của pháp luật về KDTM như: Luật Cạnh tranh,
Nghị định 110/2005/NĐ-CP

Vậy ở góc độ là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về lĩnh vực này, ông có lời khuyên nào cho người tiêu dùng khi tiếp cận với hình thức kinh doanh này và lựa chọn được những công ty, sản phẩm tốt?

Trước hết, cần phải khẳng định rằng, hàng hóa kinh doanh theo phương thức KDTM cũng giống như hàng hóa được kinh doanh theo các hình thức thông thường khác. Cho nên, khi mua sản phẩm từ các doanh nghiệp KDTM, người tiêu dùng cũng cần phải tìm hiểu như khi mua các sản phẩm kinh doanh theo hình thức khác. Hay nói một cách cụ thể hơn, khi mua sản phẩm từ các doanh nghiệp KDTM, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm đặc biệt là các yếu tố như tính năng, công dụng thực của sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, giá cả, chế độ bảo hành...

Đối với những người muốn tham gia mạng lưới KDTM, chúng tôi khuyên trước hết phải tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp KDTM đó để biết chắc rằng doanh nghiệp không làm ăn phi pháp, không lừa đảo, thực hiện tốt những chế độ đối với người lao động như quy định của pháp luật, các chế độ trả thưởng, chế độ mua lại hàng hóa, chương trình bán hàng, các ràng buộc với doanh nghiệp... nhằm bảo vệ quyền lợi của mình khi phát sinh tranh chấp. Tiếp theo, người muốn tham gia KDTM phải tìm hiều về sản phẩm xem sản phẩm đó có bán được không (bởi vì nhà phân phối mua sản phẩm của doanh nghiệp để bán lại đến người tiêu dùng). Bước tiếp theo là tìm hiểu những tính năng, công dụng, giá trị thực của sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, giá cả, chế độ bảo hành để có những thông tin chuẩn xác nhất khi tư vấn cho khách hàng. Cuối cùng, nhà phân phối cũng nên tìm hiểu kĩ các quy định của pháp luật về KDTM như: Luật Cạnh tranh, Nghị định 110/2005/NĐ-CP...

Cũng đứng ở góc độ cơ quan nhà nước, ông có khuyến cáo gì đối với những doanh nghiệp – những cá nhân hiện đang hoạt động trong lĩnh vực KDTM, để ngành kinh doanh này được phát triển lành mạnh và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam nói chung?
Đứng ở góc độ cơ quan nhà nước, chúng tôi lưu ý các doanh nghiệp nên tuân thủ các quy định của pháp luật về KDTM. Đồng thời, quản lý chặt chẽ nhà phân phối của mình nhằm đảm bảo nhà phân phối không vi phạm pháp luật về bàn hàng đa cấp cũng như vi phạm quy chế kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện nay, Cục Quản lý cạnh tranh đang phối hợp với Hiệp hội KDTM xây dựng Bộ quy tắc ứng xử về KDTM nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh đa cấp lành mạnh. Qua đó, các doanh nghiệp KDTM, nhà phân phối và người tiêu dùng có thể hiểu rõ hơn về mô hình kinh doanh này cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan khi tham gia vào mạng lưới KDTM.

Huy Hoàng (thực hiện)


Trong trường hợp phát hiện ra các hành vi vi phạm của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động KDTM, các tổ chức, cá nhân có thể liên hệ đến Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương. Địa chỉ: 25 Ngô Quyền – Hoàn Kiếm – Hà Nội. Điện thoại: 04 2220 5015, số fax: 04 2220 5003.

Ngoài ra, tại các địa phương, người tiêu dùng cũng có thể liên hệ đến Sở Công Thương và Chi Cục quản lý thị trường của tỉnh/thành phố nơi cư trú để được hướng dẫn và hỗ trợ trong phạm vi thẩm quyền của các cơ quan này.


anhvan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý