Một số bệnh nhân có thể bị tác dụng phụ đối với thuốc điều trị rối loạn lipid máu
Những điều cần biết về rối loạn mỡ máu?
Rối loạn mỡ máu, nguy hiểm khó lường
Những thủ phạm gây rối loạn mỡ máu
Rối loạn mỡ máu gây nên xơ vữa động mạch
Rối loạn mỡ máu dẫn đến cơn đau thắt ngực
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội: Việc sử dụng các thuốc điều chỉnh rối loạn lipid máu (mỡ máu) theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa nhìn chung là không có hại gì cho sức khỏe. Tuy nhiên, có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân bị tác dụng phụ không mong muốn với một số nhóm thuốc như:
Nhóm thuốc statin:
Trên thực tế, thuốc rất hiếm khi gây tổn thương gan. Tuy vậy, trước khi điều trị bạn phải kiểm tra chức năng gan và kiểm tra lại sau 12 tuần, sau đó cứ 6 tháng 1 lần.
Thuốc có thể gây đau cơ, thậm chí gây tiêu cơ dẫn đến suy thận cấp do đi tiểu ra myoglobin. Bệnh cơ được chẩn đoán khi men CK (creatine kinase) máu tăng quá 10 lần giới hạn của bình thường. Khi bị đau cơ, giảm cơ lực hoặc yếu đi bạn cần phải báo ngay cho bác sỹ và tạm ngừng ngay việc uống thuốc statin. Tỷ lệ bị bệnh cơ rất hiếm gặp chỉ chiếm 0,05%- 0,11%, tuy nhiên, sự phối hợp thuốc giữa nhóm statin và nhóm fibrat có nguy cơ làm tăng biến chứng này.
Nếu bạn bị bệnh gan, tăng men gan, đang có thai hoặc muốn có thai, đang cho con bú thì không được dùng thuốc statin.
Thuốc làm tăng nhẹ nồng độ thuốc digoxin trong máu lên khoảng 20%. Bạn cần thận trọng khi dùng phối hợp với các thuốc như fibrat, niacin, cyclosporine, amiodarone và verapamil. Không nên dùng kết hợp với các thuốc ketoconazole, erythromycin, hoặc thuốc điều trị HIV.
Thuốc gắn acid mật:
Thuốc làm giảm hấp thu thuốc digoxin, thuốc chống đông máu nhóm kháng vitamin K (sintrom, warfarin), thyroxine và thiazide. Do vậy, nên uống các thuốc này trước khi dùng thuốc gắn acid mật 1 giờ hoặc sau đó 4 giờ.
Thuốc làm giảm hấp thu vitamin K nên có thể gây chảy máu và tăng tác dụng của các thuốc chống đông nhóm kháng vitamin K.
Thuốc ức chế ly giải lipid:
Thuốc có nhiều tác dụng phụ như cơn nóng bừng mặt, chóng mặt, đánh trống ngực.
Thận trọng khi dùng thuốc này nếu bạn bị viêm loét dạ dày, đái tháo đường, bệnh gan, bệnh gout.
Nhóm thuốc fibrat:
Thuốc có thể ảnh hưởng đến gan và làm tăng men gan. Thuốc có thể gây viêm đường mật do tăng thải cholesterol qua mật.
Thuốc làm tăng tác dụng của các thuốc chống đông nhóm kháng vitamin K, do vậy bạn phải giảm liều khi dùng kết hợp. Bạn không nên sử dụng thuốc khi có rối loạn chức năng gan, suy thận nặng, hoặc có bệnh sỏi túi mật, khi bạn có thai hay đang cho con bú.
Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân lớn tuổi.
Thuốc ức chế hấp thu cholesterol: Có rất ít tác dụng phụ.
Một số tình trạng đặc biệt
Người cao tuổi có nhiều nguy cơ khác, tổn thương các cơ quan và bệnh tim mạch đi kèm mà sự lựa chọn thuốc phải phù hợp với tình trạng đó. Nói chung, cần thận trọng hơn khi phối hợp các nhóm thuốc hạ lipid máu với nhau.
Bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ bị bệnh mạch vành và đột quỵ cao hơn các bệnh nhân còn trẻ. Điều trị hạ lipid máu có thể làm giảm nguy cơ này. Tuy nhiên, thuốc hạ lipid máu không làm giảm tỷ lệ tử vong chung ở các bệnh nhân lớn tuổi (nghiên cứu PROSPER).
Đái tháo đường:
Rối loạn lipid máu rất thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Sự hiện diện đồng thời của cả tăng lipid máu và đái tháo đường làm tăng nguy cơ bị bệnh các mạch máu lớn, bao gồm đột quỵ, bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu ngoại biên và tăng tỷ lệ tử vong. Đặc điểm rối loạn lipid máu của bệnh nhân đái tháo đường bao gồm: tăng triglycerid máu, tăng cholesterol toàn phần, giảm HDL-C, LDL-C không tăng nhưng nhỏ và đặc hơn do vậy dễ gây vữa xơ động mạch hơn.
Phòng ngừa xơ vữa động mạch ở bệnh nhân đái tháo đường bằng cách: kiểm soát tốt đường máu, giảm cân (nếu thừa), tập thể dục đều đặn, bỏ hút thuốc lá, kiểm soát tốt huyết áp và điều trị rối loạn lipid máu.
Phụ nữ nói chung có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành thấp hơn nam giới. Tuổi mắc bệnh động mạch vành của nữ giới thường muộn hơn nam giới từ 10-15 năm.
Phụ nữ dùng thuốc điều trị rối loạn mỡ máu cũng có được những lợi ích tương tự như nam giới.
Người có thai:
Không nên dùng thuốc hạ lipid máu trong thời kỳ có thai vì cholesterol rất cần thiết để phát triển thai nhi, hơn thế nữa các thuốc điều trị rối loạn lipid máu có thể gây quái thai.
Đối với phụ nữ muốn có thai, cần phải ngừng thuốc điều trị rối loạn lipid máu (nhóm statin) trước 6 tháng. Thuốc gắn với acid mật là thuốc chống rối loạn lipid máu duy nhất có thể dùng trong thời kỳ thai nghén.
Bình luận của bạn