Vi khuẩn salmonella là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều vụ quy mô lớn trên thế giới
Kẹo gôm vitamin Mỹ bị thu hồi do chứa vi khuẩn salmonella và tụ cầu khuẩn
Thu hồi bột mì nhiễm khuẩn salmonella
Thu hồi lô hạt tiêu đen nghi nhiễm khuẩn Salmonella
Vụ 382 người ngộ độc tại Quảng Trị: Do bánh mì nhiễm khuẩn Salmonella
Tính đến chiều 21/11, vụ ngộ độc thực phẩm tại trường Hội nhập Quốc tế iSchool Nha Trang ghi nhận khoảng 650 học sinh phải đến các cơ sở y tế, tăng gần 50 so với ngày trước đó. Tổng số điều trị tại bệnh viện là 387 ca (21 trường hợp nặng đã được điều trị tích cực, tình hình đã ổn định) và có 1 học sinh tử vong.
Tối 21/11, Sở Y tế Khánh Hòa cho biết kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân) cho thấy tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Salmonella.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vi khuẩn Salmonella (Salmonella) là một trong 4 nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn thế giới. Chúng ta có thể tìm thấy loại vi khuẩn này trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau và thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn.
Tuy nhiên, thực phẩm không phải là con đường duy nhất mà Salmonella lây sang người. Vi khuẩn cũng lây lan qua nước bị ô nhiễm, môi trường, người khác và động vật. Ngay cả vật nuôi và động vật mà bạn có thể tiếp xúc tại vườn thú, trang trại, hội chợ, trường học và nhà trẻ cũng có thể mang vi khuẩn Salmonella và các vi trùng có hại khác.
Các triệu chứng khi bị nhiễm vi khuẩn Salmonella thường bắt đầu từ 12-72h sau khi phơi nhiễm với vi khuẩn. Điển hình như tiêu chảy, sốt cao liên tục (39 đến 40 độ C), nôn ói, đau bụng... Trong đó, triệu chứng nghiêm trọng nhất là mất nước và các muối, khoáng chất cần thiết. Nếu bệnh nhân không nhập viện bù điện giải kịp thời sẽ dễ co giật, biến chứng. Một số trường hợp có thể nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan, nguy hiểm tính mạng.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), vi khuẩn Salmonella có thể tồn tại trong nước từ 2 đến 3 tuần, ở trong phân từ 2 đến 3 tháng, bị tiêu diệt ở 100 độ C trong vòng từ 5 phút và có thể bị diệt bởi chất sát khuẩn thông thường. Sau khi hết các triệu chứng lâm sàng, đa số người khỏi bệnh vẫn đào thải vi khuẩn ra môi trường trong 2-3 tuần; Hoặc 2 đến 3 tháng ở 2-20% người nhiễm.
Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm bệnh, nhưng hay gặp ở trẻ nhỏ, người lớn từ 65 tuổi trở lên và những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do một số tình trạng bệnh lý (chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, bệnh gan hoặc thận và ung thư).
Khi bị ngộ độc thực phẩm do Salmonella, quan trọng nhất là bù đắp đủ các chất lỏng và chất điện phân đã mất do bị tiêu chảy. Người bệnh nên uống nước hoặc các chất lỏng bổ sung. Điều chỉnh chế độ ăn uống cho bệnh nhân với các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, nên tránh các sản phẩm từ sữa. Bên cạnh đó người mắc cũng cần nghỉ ngơi nhiều. Trong trường hợp tiêu chảy quá nặng, nên đến bệnh viện để truyền dịch qua đường tĩnh mạch và các phương pháp điều trị phù hợp khác.
Để phòng tránh nhiễm khuẩn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo bạn thực hiện 10 nguyên tắc sau:
- Chọn thực phẩm an toàn
- Nấu kỹ thức ăn
- Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín
- Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín
- Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn
- Không để lẫn thực phẩm sống và chín
- Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ
- Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ
- Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác
- Sử dụng nguồn nước sạch.
Chiều tối 21/11, đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bện, Bộ Y tế làm trưởng đoàn cùng các chuyên gia về chống độc, truyền nhiễm, vi sinh của Bệnh viện Bạch Mai đã đến Khánh Hoà để hỗ trợ điều trị vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt tại trường ISchool Nha Trang.
Cùng ngày, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cũng đã thành lập đoàn kiểm tra tại các Bệnh viện: Đa khoa tỉnh, 22-12, Quân y 87, Vinmec Nha Trang, Đa khoa Sài Gòn Nha Trang, Tâm Trí Nha Trang để kiểm tra công tác tiếp nhận, sàng lọc, phân loại, chẩn đoán, điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm tại Trường ISchool Nha Trang. Theo báo cáo của các bệnh viện, hầu hết những ca đang điều trị sức khỏe đã tạm ổn định, các tình trạng của triệu chứng ngộ độc thực phẩm giảm nhiều. Đa số bệnh nhân đều tỉnh táo, đỡ mệt, không nôn, không sốt, ăn uống được, các bệnh viện vẫn đang theo dõi sát sao và chặt chẽ.
Bình luận của bạn