Khủng hoảng niềm tin với vaccine

Một người mẹ đưa con đến Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM chờ lấy số tiêm vaccine từ 3h sáng 27/12 - Ảnh: Hữu Khoa

Hy hữu: Vỡ đường ống nước nên chưa được đăng ký tiêm vaccine?

Vụ vaccine: Phụ huynh than đăng ký online khổ như xếp hàng?

Chờ tiêm vaccine cho con từ chiều 27/12 đến sáng 28/12 thì "gục"

Nên tiêm vaccine 5 trong 1 Pentaxim hay Quinvaxem?

Và không chỉ có trên mạng xã hội, ý kiến của nhiều bác sỹ tại hội thảo “Tọa đàm về quản lý tiêm chủng” do Viện Pasteur Nha Trang tổ chức cuối tuần qua ở Lâm Đồng cho thấy ai cũng có nỗi niềm trước tình hình khủng hoảng niềm tin với vaccine hiện nay.

“Tôi hết sức đau lòng”

Vaccine Quinvaxem toàn tế bào chắc chắn phản ứng nhiều hơn vaccine vô bào nhưng trong điều kiện cụ thể, điều kiện kinh tế nhất định thì chúng ta phải chấp nhận

TS Viên Quang Mai - Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang

“Tôi hết sức đau lòng khi nhìn thấy hình ảnh người mẹ bồng đứa trẻ 2 tháng tuổi, 2h khuya trong đêm đông giá buốt ở Hà Nội chờ tiêm chủng”, TS Trần Ngọc Hữu - Nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đã chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của ông về tình hình tiêm chủng vaccine dịch vụ mấy ngày qua.

Xung quanh vấn đề phản ứng sau tiêm, TS Hữu nói có ba điều khiến ông day dứt mãi.

Một là vì sao tới bây giờ chưa giải quyết được sự ngộ nhận giữa phản ứng sau tiêm chủng và phản ứng do vaccine dù đã xuất hiện nhiều năm.

Hai là vì sao 91 nước trên thế giới có tiêm vaccine 5 trong 1 Quinvaxem mà sự cố, khủng hoảng chỉ xảy ra ở VN?

Ba là tình hình khủng hoảng vaccine.

“Khủng hoảng này là khủng hoảng chất lượng vaccine hay khủng hoảng về niềm tin vào vaccine? Nếu khủng hoảng về chất lượng vaccine thì đó là vấn đề kỹ thuật của ngành y tế. Nếu khủng hoảng về niềm tin thì liên quan đến vấn đề truyền thông”, ông Hữu nói.

Từ một số trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccine, TS Viên Quang Mai - Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, cho rằng phản ứng sau tiêm có từ lâu, nhưng gần đây có thể do cách truyền thông làm vấn đề này trầm trọng thêm.

Để đảm bảo an toàn, hiệu quả sau tiêm chủng, theo ông Mai, có ba khâu rất quan trọng. Một là vaccine phải tinh khiết, ít các tạp chất - những chất có thể gây nên phản ứng phụ.

Hai là khâu bảo quản, vận chuyển vaccine phải hết sức nghiêm ngặt vì “việc vận chuyển, bảo quản vaccine không đúng thì không khác nào tiêm nước lã cho trẻ”.

Ba là việc tiêm chủng phải đúng quy trình, đặc biệt khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm chủng; Tư vấn, dặn dò người nhà của trẻ theo dõi những biểu hiện bất thường để xử trí...

Tuy nhiên, ông Mai cho rằng việc khám sàng lọc trước tiêm là rất khó đối với những cán bộ tiêm chủng ở vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, dù cán bộ tiêm chủng nào cũng có giấy chứng nhận tập huấn tiêm chủng nhưng vẫn để xảy ra sai sót, thậm chí sai sót nghiêm trọng.

Sao không nói rõ nguyên nhân?

Trước việc khủng hoảng vaccine dịch vụ hiện nay, một bác sỹ ở Bệnh viện Bình An, Kiên Giang nói đó là “gậy ông đập lưng ông” vì khi có ca tử vong, phản ứng sau tiêm chủng thì cán bộ y tế giấu đi, thậm chí không báo cáo.

“Tôi rất bức xúc khi có trẻ tử vong thì không làm rõ được trẻ chết do cái gì. Tại sao không nói rõ nguyên nhân tử vong để người dân yên tâm?”...

Tuy nhiên, theo vị bác sỹ này, Quinvaxem và vaccine dịch vụ thấy có sự khác nhau rất rõ. Tiêm vaccine dịch vụ về trẻ mát mẻ, ngủ ngon tới sáng, bà mẹ nào cũng thích dù phải đóng tiền nhiều!

Một bác sỹ của Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết thêm: “Những người làm lâm sàng như chúng tôi thấy Quinvaxem khác với vaccine dịch vụ. Quinvaxem có thể làm phản ứng sau tiêm xảy ra chậm hơn vaccine khác. Vì vậy việc theo dõi phản ứng sau tiêm cần có thống kê, phân tích cho thấy đặc điểm của phản ứng sau tiêm Quinvaxem thế nào để có kinh nghiệm xử trí, theo dõi”.

Tuy nhiên, ông Mai khẳng định Bộ Y tế nhiều lần họp đánh giá chất lượng Quinvaxem, kể cả mời Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào đánh giá và WHO khẳng định an toàn, trên thế giới có 91 nước sử dụng Quinvaxem với hơn 400 triệu liều. Ông Mai cho rằng phản ứng sau tiêm khó tránh khỏi, nhất là khi tiêm số lượng lớn.

“Tổn thất của gia đình khi mất một đứa con rất là đau đớn, nhưng để bảo vệ cả cộng đồng thì chúng ta vẫn bắt buộc triển khai tiêm Quinvaxem. Ngay từ đầu chúng ta biết vaccine Quinvaxem toàn tế bào chắc chắn phản ứng nhiều hơn vaccine vô bào nhưng trong điều kiện cụ thể, điều kiện kinh tế nhất định thì chúng ta phải chấp nhận”, ông Mai khẳng định.

Bà Võ Thị Phượng - Trưởng đại diện văn phòng Sanofi tại VN, chia sẻ thêm Pentaxim không phải là “chiếc đũa thần” và cũng có thể xảy ra phản ứng sau tiêm.

Quan trọng nhất là có hệ thống giám sát sau tiêm chủng mạnh, trả lời được những câu hỏi trong các trường hợp phản ứng sau tiêm xảy ra. Nếu không trả lời được, người dân sẽ ngộ nhận, không tin tưởng và dẫn đến những hệ lụy không mong muốn.

Để người dân an tâm cho trẻ tiêm Quinvaxem, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nhấn mạnh đến việc cần làm tốt quy trình tiêm chủng, giám sát sau tiêm chủng, hạn chế tối đa phản ứng sau tiêm có thể xảy ra, đặc biệt phản ứng nặng.

Kết hợp chặt với cơ quan truyền thông để đừng tạo ra những khủng hoảng truyền thông làm ảnh hưởng đến chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bác sỹ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng:

Hiểu tâm lý người dân mới giải quyết được khủng hoảng

Phải tìm lý do người ta lo lắng, không tin tưởng vào vaccine miễn phí. Vấn đề là từ trước đến nay khi xảy ra tai biến sau tiêm vaccine người dân luôn nghĩ có liên quan đến vaccine, nhưng trả lời của cơ quan chức năng bao giờ cũng là không liên quan.

“Một sự mất tín, vạn sự mất tin”, người ta chuyển sang tin những thông tin truyền miệng và hậu quả là cuộc khủng hoảng này.

Muốn giải quyết cuộc khủng hoảng vaccine trong khi lượng vaccine dịch vụ về rất có hạn, không thể đáp ứng nhu cầu, còn hàng triệu trẻ em nếu không sử dụng vaccine miễn phí thì không được tiêm chủng, nguy cơ mắc bệnh khi có dịch, theo tôi, phải hiểu tâm lý người dân mới giải 
quyết được.

Bộ Y tế nên mời những chuyên gia độc lập, họ sẽ có một đánh giá phi lợi nhuận, khoa học về toàn bộ quá trình tiêm chủng, các tai biến từ trước đến nay có là do đâu, nếu không do vaccine thì do khâu nào, các khâu có liên quan thì phải chấn chỉnh cụ thể ra sao…

Trong trường hợp có nguyên nhân do vaccine, có thể đưa vấn đề này ra Quốc hội: Có nên thu tiền tiêm chủng để tìm vaccine an toàn hơn hay không? Nếu thu thì thu bao nhiêu, Nhà nước góp bao nhiêu…

Nếu duy trì song song hai hệ thống dịch vụ và miễn phí thì cần sự tham gia của cơ quan nhà nước trong việc đặt hàng cả hai loại vaccine. Trong nền kinh tế thị trường không thể có chuyện có cầu mà không có cung. Nhất là khi nhu cầu của VN khoảng 5 triệu liều/năm.


Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn