Đã vớt được 10 nạn nhân vụ máy bay AirAsia rơi

Cảnh sát Indonesia mang thi thể một nạn nhân đến sân bay Surabaya (Ảnh Reuters)

Những gương mặt trên QZ8501 AirAsia

3 thi thể hành khách AirAsia nắm tay nhau

Máy bay AirAsia đột ngột mất tích giống MH370?

Máy bay AirAsia mất tích: Thời tiết xấu hay khủng bố?

Máy bay Malaysia mất tích ở Indonesia

2 nạn nhân đầu tiên đã có báo cáo pháp y sơ bộ và chuyển vào đất liền vào ngày hôm qua và 1 nạn nhân đã xác định được danh tính.

Sáng 1/1, danh tính của 1 trong số 10 nạn nhân được tìm thấy đã được công bố. Đó là nam sinh viên mang tên Kevin Alexander Soetjipto, mang quốc tịch Indonesia, hiện đang theo học tài chính tại trường Đại học Monash, Australia. Kevin được nhận diện nhờ chiếc ví mang theo người. Anh cùng với các thành viên trong gia đình mình đang trên đường đi du lịch thì gặp nạn. Một phát ngôn viên trường Đại học Monash cho biết, tập thể giáo viên và sinh viên nhà trường rất “đau buồn khi biết về thông tin trên”.

Ngày 1/1, các bệnh viện tại Surabaya đã sẵn sàng để tiếp nhận thêm những nạn nhân có thể được tìm thấy và tiếp tục xác định danh tính các nạn nhân. Bác sỹ Prim Sayeto, một thành viên của đội ngũ y tế cứu nạn bày tỏ: “Đau buồn và cảm thông là những điều mà chúng tôi muốn dành cho các hành khách cũng như phi hành đoàn bị nạn. Chúng tôi sẽ làm việc với tinh thần cao nhất và hy vọng các gia đình và người thân của người bị nạn có thể vượt qua thời khắc khó khăn này”.

Hôm nay 1/1, lực lượng cứu nạn tiếp tục chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân. Thời tiết tốt hơn vào ngày đầu tiên của năm mới làm dấy lên hy vọng các thợ lặn có thể tiếp cận được với mảnh vỡ máy bay dưới biển được cho là của QZ8501 và trục vớt được hộp đen máy bay, từ đó tìm hiểu được nguyên nhân thảm hoạ.

Trước đó, hệ thống định vị đã phát hiện một vật thể lớn, màu tối dưới đáy biển, nằm ở độ sâu 30 - 50m, được tin là thân chiếc máy bay gặp nạn. Tuy nhiên, những con sóng dữ đã cản trở thợ lặn tiếp cận hiện trường.

Lực lượng cứu hộ Basarnas của Indonesia tiếp nhận xác một hành khách trên AirAsia sau khi được trục vớt (Ảnh: Straits Times)

Tư lệnh Hải quân Malaysia Abdul Aziz Jaafar cho biết, diện tích tìm kiếm mảnh vỡ của máy bay QZ8501 sẽ được mở rộng lên gấp đôi, vào khoảng 13,500 hải lý vuông. Công tác tìm kiếm QZ8501 được tập trung trên 4 khu vực. Hiện có khoảng 30 tàu và 21 máy bay từ Indonesia, Australia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Mỹ tham gia cuộc tìm kiếm.

Ngoài ra, tàu khu trục tên lửa USS Sampson và tàu chiến USS Fort Worth của Mỹ cũng đang chờ lệnh từ cơ quan chỉ huy tìm kiếm của Indonesia.

Theo Reuters, Hãng sản xuất máy bay Pháp Airbus tuyên bố sẽ hợp tác với các nhà điều tra để tìm nguyên nhân vụ tai nạn chuyến bay QZ8501. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (INTSC) chịu trách nhiệm thực hiện cuộc điều tra với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế.

Dự kiến quá trình điều tra có thể kéo dài tới 12 - 18 tháng. Bằng chứng quan trọng nhất là hai hộp đen chứa dữ liệu máy bay và các đoạn hội thoại trong buồng lái.

Trước đó, những thông tin thu được từ radar cho thấy, máy bay xấu số của Hãng AirAsia mang số hiệu QZ8501 đã lên cao đột ngột trước khi rơi xuống.

Hãng BBC của Anh đưa tin, đông đảo người dân tại thành phố Surabaya của Indonesia đã tiến hành một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của QZ8051. Tất cả các hoạt động đón năm mới ở tỉnh miền Đông Java của Indonesia đều đã bị hủy bỏ.

Tối 31/12, Tổng giám đốc của hãng AirAsia Tony Fernandes đã có mặt tại Surabaya, điểm đến của chiếc máy bay mất tích và có cuộc gặp với các gia đình những người bị nạn.

Trước đó, ông Fernandes đã có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người cũng đang có mặt ở Surabaya. Ông Fernandes cũng đã tới Pangkalan Bun, khu vực gần nơi phát hiện những mảnh vỡ của chiếc máy bay QZ8501 để theo dõi các hoạt động kìm kiếm cứu nạn. 

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin