Dinh dưỡng thông minh với khoai tây

Khoai tây là loại rau củ ít calo, không có chất béo và cholesterol, hàm lượng vitamin C cao và là nguồn cung cấp kali, vitamin B6 cùng chất xơ thô tuyệt vời. Khoai tây có thể dùng để nướng, luộc, hấp, áp chảo, làm khoai tây nghiền, nấu súp, làm sa-lát... Có nhiều quan niệm sai lầm phổ biến về khoai tây hiện nay là loại thực phẩm này có thể gây béo phì, nóng trong người và không nên ăn hàng ngày. Thực tế, “ông hoàng rau củ” có hàm lượng dinh dưỡng rất cao và ưu việt nếu chế biến đúng cách.

Là một trong những thực phẩm có hàm lượng chất béo thấp và tỉ lệ chất xơ cao nhưng khoai tây lại chứa một lượng lớn các hạt tinh bột. Việc đun nóng và nghiền nhuyễn các hạt tinh bột này sẽ làm tăng lượng đường có thể hấp thụ do làm vỡ màng tế bào bao quanh chúng, giải phóng ra tinh bột biến thành đường. Việc giữ được lượng đường hấp thu ở mức càng thấp càng tốt rất quan trọng cho cả vòng eo và sức khỏe, do đó, các bà nội trợ cần chú ý đến điều này khi chế biến khoai tây.

Khi nấu những thực phẩm như khoai tây, nhiệt và lượng nước sử dụng cũng có tác động đáng kể đến lượng đường giải phóng ra. Bên cạnh đó, cũng giống như những thực phẩm khác, càng ít bị tác động hoặc càng ít tinh chế thì lượng đường giải phóng ra khi tiêu hóa khoai tây cũng càng ít. Bất kỳ hành động tương tự nào mà bạn làm - như nghiền, thậm chí là nhai - đều làm tăng tốc độ giải phóng đường vào máu. Nó làm tăng diện tích bề mặt của thực phẩm - khiến thực phẩm dễ hấp thu hơn và tiêu hóa nhanh hơn.

Điều chú ý cuối cùng khi chế biến các món từ khoai tây chị em phụ nữ cần nhớ đó là, cần nêm muối từ từ và từng chút một vào khoai tây, do khoai tây có khả năng hấp thụ muối cao, dễ đánh lừa vị giác của người nội trợ, đặc biệt khi được nếm thử trong điều kiện nhiệt độ chế biến cao.

CTV5
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin