Kho nguyên liệu bốc mùi hôi thối chờ sản xuất giò chả bán Tết
Ngày 10/2, Đội Quản lý thị trường (QLTT) Thủ Đức thuộc Chi cục QLTT TP.HCM phối hợp với Phòng Y tế và Trạm Thú y quận Thủ Đức kiểm tra đột xuất cơ sở giò chả Như Hương (số 98 Bình Chiểu, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức). Phần lớn nguyên liệu được chủ cơ sở mua trôi nổi trên thị trường để sản xuất giò chả giá rẻ nhằm thu hút khách hàng dịp Tết.
Được biết, mặt tiền của cơ sở giò chả Như Hương treo bảng rao bán giò chả Tết Ất Mùi với giá khá rẻ: chả bò 160.000 đồng/kg, chả thủ 140.000 đồng/kg, chả lụa 120.000 đồng/kg. Bên trong cơ sở ngổn ngang nhiều thành phẩm gồm giò chả các loại được để trên bàn, cối xay vẫn còn dính thịt, nấm mèo được ngâm trong thùng sơn cũ. Đặc biệt, tại khu nguyên liệu được bảo quản lạnh đang có hàng chục sọt nhựa đựng thịt gà, thịt heo, một số đã đổi màu, biến chất, đổ nhớt và bốc mùi hôi nồng nặc.
Chủ cơ sở là bà Trần Thị Hằng Nga. Sổ theo dõi xuất nhập hàng cho thấy, trong ngày cơ sở này đã nhập 400kg thịt gà, xuất ra 300kg. Về nguyên tắc chỉ còn lại 100 kg nguyên liệu hợp pháp nhưng số lượng hàng thực tế ghi nhận lên đến 3.380 kg. Tổng lượng hàng này gồm: 2.562kg ức gà, 450kg mỡ heo đông lạnh, 215kg thịt xay, 111kg da heo, 21kg thịt heo cắt lát, cùng 32 cây giò chả thành phẩm (loại 0,5 kg/cây) và 5 cây giò chả loại 1kg.
Đáng lưu ý, thời điểm lực lượng chức năng ập vào kiểm tra, cơ sở đang chuyển nguyên liệu lên xe tải để gửi đi kho khác với số lượng 21 túi ni-lông (tương đương 420 kg). Số hàng định chuyển đi không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhưng cơ sở lại sử dụng nhãn của một cơ sở kinh doanh gia cầm sẵn tên AL-LA (có địa chỉ tại quận 12) để đi đường.
Để sản xuất giò chả, bà Nga dùng nguyên liệu thịt gà và mỡ heo nhưng trong sổ theo dõi nhập hàng (phần hợp pháp có giấy chứng nhận kiểm dịch) chủ yếu chỉ có thịt gà, mỗi ngày số lượng từ 300 - 1.000kg, những nguyên liệu còn lại như da heo, mỡ heo và gia vị, phụ gia đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Ngoài ra, cơ sở còn sử dụng một loại bột màu trắng, bên ngoài không ghi nhãn mác để tại khu vực sản xuất, bà Nga khai dùng để bảo quản, giúp sản phẩm làm ra dai và giòn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, lượng hàng của cơ sở này được bán khá rộng rãi từ các quận trung tâm và cả vùng ven như Bình Chánh… Giá bán tùy theo đặt hàng của người mua.
Trước những vi phạm bị bắt quả tang, bà Nga đã có đơn xin tiêu hủy toàn bộ 3.380kg nguyên liệu và thành phẩm tại cơ sở để nhanh chóng nhập nguyên liệu mới, tiếp tục sản xuất kịp phục vụ Tết. Tuy nhiên, Đội QLTT Thủ Đức buộc cơ sở phải đình chỉ hoạt động, đồng thời chấp nhận việc tiêu hủy toàn bộ lô hàng trên.
Đội kiểm tra đã lập biên bản kiểm tra ban đầu và tiếp tục làm việc với chủ cơ sở để xử lý tiếp theo.
Bình luận của bạn