Dinh dưỡng đúng cách cho trẻ trong dịp Tết

Cha mẹ cần cho trẻ ăn nhiều rau xanh và khuyến khích trẻ vận động nhiều trong dịp Tết. Nguồn ảnh: Internet

Gần 30% trẻ Việt suy dinh dưỡng thể thấp còi

Dinh dưỡng đúng cách cho trẻ sơ sinh

Dinh dưỡng 3 năm, quan trọng cả đời!

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ giảm thấp!

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng số 2, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: "Những thay đổi về ăn uống, sinh hoạt trong dịp Tết có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người trong gia đình, nhất là trẻ nhỏ. Vì vậy, để có dịp tết vui vẻ, cha mẹ cần lưu ý những bệnh thường gặp ở trẻ và duy trì chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng".

Sụt cân: Những ngày Tết là dịp mọi người vui chơi, gặp gỡ nên giờ giấc sinh hoạt hàng ngày của trẻ cũng bị đảo lộn. Nhiều trẻ ham chơi mà quên ăn, ngủ. Giờ giấc bữa ăn, giấc ngủ thay đổi làm cho trẻ bị sụt cân. Ngoài ra, không ít gia đình chọn dịp Tết để đi du lịch nên cho trẻ ăn thức ăn nhanh hoặc uống sữa… sẽ làm trẻ bị thiếu chất, sụt cân.

Hen suyễn: Không khí lạnh trong dịp Tết dễ làm tái phát các cơn hen suyễn ở trẻ. Để phòng bệnh tái phát, cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ, tránh cho trẻ tiếp xúc với không khí lạnh, khói thuốc, bụi, lông động vật, phấn hoa, các loại thức ăn trẻ bị dị ứng…

Tiêu chảy: Ăn thực phẩm không đảm bảo an toàn do được cất giữ lâu ngày trong tủ, ăn nhiều bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhiều dầu mỡ… làm trẻ bị rối loạn tiêu hóa hoặc gây bệnh tiêu chảy ở trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, kèm nôn và sốt, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.

Táo bón: Chế độ ăn ngày Tết thường ít rau, nhiều thịt, thêm vào đó là tình trạng ăn uống không đúng bữa, ăn nhiều đồ lạ… làm cho trẻ dễ bị táo bón. Khi phát hiện trẻ bị táo bón, cha mẹ cần điều chỉnh lại chế độ ăn của trẻ. Cho con uống nhiều nước, bổ sung rau xanh, uống thêm sinh tố hoa quả để bổ sung chất xơ, các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Đồng thời, cha mẹ nên khuyến khích bé tham gia các hoạt động ngoài trời như đi bộ, đi xe đạp để tăng cường sức khỏe, tốt cho hệ tiêu hóa. Cha mẹ cũng có thể cho con dùng thêm các sản phẩm thực phẩm chức năng để hỗ trợ hệ tiêu hóa hấp thu tốt hơn.

Hạn chế bánh ngọt để trẻ không bị thừa cân sau dịp Tết. Nguồn ảnh: Internet

Thừa cân, béo phì: Người lớn vẫn cho rằng Tết nên để bé ăn những gì mình thích nên dẫn đến nhiều trẻ tăng cân vù vù. Với những trẻ thừa cân, cha mẹ cần hạn chế mua những thực phẩm ngọt và nên chọn loại ít năng lượng như các loại bánh ngũ cốc, lúa mì, hạt điều, hạt hạnh nhân, hạt dẻ… Nên mua nhiều rau củ và hoa quả ít ngọt như bưởi, ổi, táo… và nhắc nhở bé ăn rau trước, ăn ít cơm, bánh chưng, món ăn rán, xào.

Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian quan tâm đến con trẻ hơn, đồng thời trang bị cho bản thân một số kiến thức cơ bản cần thiết để bảo vệ trẻ trước những bệnh lý và tai nạn thường gặp trong những ngày tết. Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện. Không nên tự cho trẻ uống thuốc mà không có hướng dẫn của bác sỹ.

Những điều cần lưu ý
- Cho trẻ ăn đủ nhu cầu cần thiết, ăn đủ 4 nhóm thực phẩm.
- Cho trẻ ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ. Sức khoẻ của trẻ chỉ đảm bảo khi bữa ăn và giấc ngủ không bị thay đổi.
- Không cho trẻ ăn các thực phẩm dễ bị ôi thiu, nghi ngờ ôi thiu, thức ăn chế biến từ bữa trước... đề phòng tiêu chảy.
- Hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo, uống các loại nước ngọt làm cho trẻ chán ăn, đặc biệt trước bữa ăn.
- Khi phải đi xa cần chuẩn bị quần áo đề phòng thời tết thay đổi: Nắng nóng, lạnh, mưa phùn... làm trẻ dễ mắc bệnh.

Linh Ly (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ