Empty
Empty
Empty
Empty

Tháng 7/2022, một năm sau làn sóng chết chóc vì đại dịch, thành phố HCM công bố chương trình thử nghiệm gọi là “cấp cứu trầm cảm”. Theo Sở Y tế TP.HCM, điều đáng lo ngại đã được nhiều báo cáo khoa học trên thế giới ghi nhận chính là tác động của dịch bệnh COVID-19 lên sức khỏe tinh thần của người dân. Trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, tỷ lệ người dân mắc chứng lo âu và nặng hơn là bị trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25%.

Empty

Bất cứ căn bệnh nào cũng có nhiều nguyên nhân, cả về vật lý và tâm lý, riêng bệnh trầm cảm này, nguyên nhân tâm lý là chính. Người lớn tuổi hay nói trần trụi hơn-người-già-có-bệnh-lý-nền là nạn nhân chính.

Cảnh giác từ xa với trầm cảm, vợ tôi bao giờ cũng nhắc tôi là không được nói chữ “già rồi!”. Mỗi khi tôi muốn từ chối làm một việc gì “ngoài tầm kiểm soát” (như khiêng một vật nặng, đi du lịch dài ngày hay tụ họp bạn bè…) thì cớ tốt nhất là: “già rồi”! Ý tôi muốn nói già rồi làm không nổi. Trong khi đó, bà nhà tôi rất sợ sự cô lập ra khỏi các nhóm bạn bè hay các hội họp gia đình theo truyền thống như khi chúng tôi chưa bước qua tuổi “dễ vỡ”.

Thật ra không phải cuộc tụ họp hay giao tiếp xã hội nào cũng làm cho người lớn tuổi cảm thấy bớt cô đơn. Tôi từng rơi vào một trường hợp khá nghiêm trọng như thế vào năm 2014, khi được mời tham dự một chuyến đi mà hầu như tôi không biết trước những người cùng đi chung là ai. Tôi cảm thấy một nỗi cô đơn kỳ lạ trong khi ngồi chung xe hay ngồi cùng bàn ăn. Sau này, tôi tự phân tích mình: không phải tình cảm thù ghét (tôi đều biết những bạn trẻ khá giàu có này), mà vì “khoảng cách thế hệ”, vì mặc cảm tự ti (hoặc tự tôn) của tuổi già… Tôi bị mất ngủ và phải hủy chuyến đi nửa chừng với lý do “không đi nổi nữa”.

Empty

Sự cô đơn và cách ly xã hội có liên quan đến tình trạng xấu đi của sức khỏe người già. Tài liệu này nói rằng cô lập xã hội làm tăng nguy cơ tử vong sớm, ở mức độ rủi ro “có thể sánh ngang với hút thuốc, béo phì và lười vận động” và nó làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ lên 50%. Ngoài ra, cô đơn có liên quan đến tỷ lệ trầm cảm, lo lắng và tự tử cao hơn, và tăng gần 4 lần nguy cơ tử vong ở bệnh nhân suy tim.

Tôi không biết trong đợt dịch lần thứ tư năm 2021 (tháng 6 - 8/2021) tại thành phố HCM, trong số người “cao tuổi, bệnh nền” tử vong, có bao nhiêu phần trăm là người chết vì “bị cô lập, cô đơn, trầm cảm.” Tôi tin các hồ sơ bệnh án chỉ ghi đơn giản nguyên nhân cuối cùng dẫn đến cái chết: “bệnh nền, tử vong vì COVID-19”, chứ không có hồ sơ nào nói “chết vì bị cô lập, cô đơn” trong khi có sẵn bệnh nền và đang mắc COVID-19!

Empty

“Cô đơn là cảm giác ở một mình, bất kể lượng tiếp xúc xã hội. Cô lập xã hội (giãn cách là một trong những hình thái cô lập xã hội) là thiếu kết nối với nhiều người khác. Tình trạng cô lập về mặt xã hội có thể dẫn đến cảm giác cô đơn ở một số người, trong khi những người khác có thể vẫn cảm thấy cô đơn khi không bị xã hội cô lập”.

Hơn nữa, vào năm 2018, Cigna - một tập đoàn bảo hiểm nhân thọ quốc tế, đã thực hiện một nghiên cứu về sự cô đơn ở người lớn, nói chung. Kết quả công bố gây không ít ngạc nhiên: các thế hệ càng lớn tuổi càng ít cô đơn. Cụ thể, Thế hệ Z (từ 18 - 22 tuổi) có “chỉ số cô đơn” cao nhất, ở mức 48,3 và chỉ số này giảm dần theo từng thế hệ kế tiếp, trong đó Thế hệ tuyệt vời nhất (từ 72 tuổi trở lên) có chỉ số cô đơn là 38,6.

Hơn nữa, những người đã nghỉ hưu có chỉ số cô đơn thấp nhất 41,2 so với 43,7 đối với người có việc làm, 44,9 đối với người nội trợ, 47,9 đối với sinh viên đại học và 49,1 đối với người thất nghiệp.

Empty

Cuộc điều tra cũng cho thấy tỷ lệ tự tử trong số người trên cũng tương tự. Người thất nghiệp có tỷ lệ tự tử cao nhất. Những người nghỉ hưu ít tự tử nhất!

Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng hai nghiên cứu đề cập đến cùng một đánh giá cơ bản: thang đo mức độ cô đơn của Đại học Los Angeles và Cigna khá tương đồng.

Vậy chúng ta phải làm gì với điều này? Các giải pháp (chẳng hạn như những giải pháp được đưa ra trong một bài báo tại Trường Y tế Công cộng Columbia Mallman) đề xuất chương trình phụ đạo (dạy kèm) giữa các thế hệ để “giải quyết một khía cạnh của sự cô đơn: nhu cầu trở thành người đóng góp cho lợi ích cộng đồng và có vai trò tích cực trong cộng đồng rất quan trọng”.

Tôi có một người bạn học cùng lớp thời trung học, hiện nay vẫn độc thân, vì anh quá có hiếu với mẹ. Cha chết sớm, mẹ một mình nuôi anh ăn học, thành tài, nhưng bà không chấp nhận bất cứ người con gái nào anh muốn cưới. Cuối cùng, tuổi già xộc đến lúc nào anh không hay, mẹ anh cũng không hay con mình đã quá già trước khi bà mất. Và một thời gian dài, anh từ chối các giao tiếp bạn bè. Khi COVID-19 bùng phát, anh cảm thấy cần những người bạn cùng tuổi hơn bao giờ hết, để chia sẻ nỗi lo dịch bệnh, dù qua mail, zalo hay facebook. Và bây giờ anh sắp bước qua tuổi thất thập, đã sống tốt hơn, yêu đời hơn, tập thể dục ngoài công viên thường xuyên hơn để gặp nhóm bạn già. Anh nói anh đã tìm thấy lại “giấc mơ đã bị đánh cắp” thời tuổi trẻ của mình.

Tôi đã đến Ấn Độ nhiều lần, vì công việc báo chí nhiều hơn là tìm hiểu về tôn giáo, nhưng ở đất nước của nhiều tôn giáo cao siêu như thế, bạn không thể không tìm hiểu đôi chút về tín ngưỡng địa phương để làm giàu cho kiến thức của mình. Đạo Hindu (Ấn Độ giáo) là một điều gì rất huyền bí, mặc dù khi còn sinh viên tôi đã “làm quen” khi học chứng chỉ triết học Ấn Độ tại Đại học Văn khoa Sài Gòn (1971).

Những người theo đạo Hindu (Ấn Độ giáo) tin rằng những người già luôn sẵn sàng cho việc tâm linh nghiêm túc. Tôn giáo và triết học Nam Á cổ đại này có nguồn gốc từ thời kỳ đồ sắt, với sự phát triển “hiện đại” bắt đầu từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Giống như hầu hết các triết lý cổ xưa giải quyết câu hỏi làm thế nào để sống lâu. Theo Ấn Độ giáo, đời người có bốn giai đoạn: brahmacari (đi học), grihastha (làm chủ gia đình), vanaprastha (ở ẩn), và sannyasi (buông bỏ). Bốn giai đoạn này tương ứng cho: chuẩn bị vào đời, lao động sản xuất, nghỉ ngơi và chiêm nghiệm tinh thần.

Một số kinh Hindu cho rằng giai đoạn cuối cùng thường bắt đầu sau năm 70 của cuộc đời.

Empty

Điều tôi thấy, vừa ngạc nhiên, vừa hấp dẫn về giai đoạn cuối cùng này là: bản thân tôn giáo nằm ở vị trí cao trong danh sách những thứ cần buông bỏ của một người già. Mặc dù tín ngưỡng đã giúp nhiều khi tôi vượt qua bạo bệnh năm tôi gần đến ngưỡng 70, thì nay chính tín ngưỡng đó cũng cần buông bỏ. Tín ngưỡng của tôi là đạo Phật, nhưng ngay cả người sáng lập là Thích Ca cũng nói: Đạo Phật không phải là một tôn giáo.

Còn người Ấn Độ giáo có một nghi lễ bắt đầu thời kỳ Sannyasi - tức thời kỳ cuối của đời người - bao gồm việc đốt các bản sao của kinh Veda - một biểu tượng từ chối tất cả các niềm tin và thực hành tôn giáo có được trong giai đoạn đầu của cuộc đời.

Tạm biệt tất cả những điều đó. Thời già là thời hoàn toàn là của riêng mình, là thời tự do tuyệt đối về tư tưởng. Thông qua thiền định, tôi phải tìm thấy bất cứ sự giác ngộ tâm linh nào mà tôi có thể. Trên thực tế, nếu tôi muốn có một tín ngưỡng trước khi chết, tôi phải học đạo và tu lại từ đầu.

Các đạo sỹ Hindu là những ẩn sỹ lang thang, sống không nơi nương tựa và không có tài sản. Tôi đã nhiều lần gặp họ và chào hỏi khi đi dạo trên bờ sông Hằng, vào bất cứ giờ nào, và ngạc nhiên đầu tiên của tôi là: làm sao họ có thể khỏe thế? Râu tóc bạc phơ, người trần trùi trụi, da bọc xương, chỉ có đôi mắt ngời sáng cho thấy một sức khỏe sung mãn từ bên trong. Họ chỉ ăn khi thức ăn được cho. Họ sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào của bạn, cho dù họ đang ngồi thiền bên vệ đường.

Empty

Chính nhà phân tâm học bậc thầy Sigmund Freud đã bác bỏ tôn giáo. Ông lập luận rằng tôn giáo có mục đích chính là kiểm soát xã hội và thực thi quy tắc đạo đức bằng cách hứa hẹn phần thưởng, sau khi chết (lên thiên đường), vì vậy con người phải có hành vi tốt cho đến phút cuối cùng. Đó là một luận điểm gọn gàng, dễ hiểu. Hiện tại, các nhà lý thuyết tiến hóa và nhà di truyền học đang tạo cho lý thuyết này một vòng xoáy mới hấp dẫn, với suy đoán của họ rằng "gene tôn giáo" luôn tồn tại. Gene đó thể hiện đặc điểm sinh tồn vì vậy các bộ lạc hay các dân tộc không có gene này sẽ chết. Tại sao? Bởi vì không có quy tắc đạo đức tôn giáo bắt buộc, họ đã giết lẫn nhau. (Tuy vậy, trong thế kỷ 21 này, nhiều người có quy tắc đạo đức hay tín ngưỡng tôn giáo nghiêm khắc, vẫn gây ra chiến tranh, không giết hại dân tộc mình, nhưng giết hại dân tộc khác: có nghĩa nhân loại giết lẫn nhau).

Empty

Những nhà tư tưởng này chỉ ra rằng hầu hết chúng ta tuân theo tư duy khoa học, logic-thực nghiệm trong 99% hành vi và hành động của chúng ta, nhưng sau đó chúng ta đi sâu vào suy nghĩ phi logic, phi thực tế khi nói đến Chúa và tôn giáo. Chúng ta chọn giữa hai cách suy nghĩ tùy theo những gì chúng ta cần: một cái đầu khoa học phù hợp với việc lái xe hơi, trong khi một cái đầu phi logic, phi thực tế sẽ phù hợp hơn khi cầu nguyện cho sự cứu rỗi. Sam Harris giải thích một cách hài hước: “Nếu tôi nói với bạn rằng tôi nghĩ rằng có một viên kim cương to bằng cái tủ lạnh được chôn ở sân sau của tôi, và bạn đã hỏi tôi, tại sao bạn lại nghĩ như vậy? Tôi muốn nói rằng niềm tin này mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của tôi hoặc gia đình tôi. Niềm tin này cho cho chúng tôi niềm vui khi cùng nhau đào tìm viên kim cương này vào chủ nhật hàng tuần và chúng tôi có một cái hố khổng lồ trong bãi cỏ của chúng tôi. Thật ra, đó là sự tự lừa dối mà không ai muốn". Một cách nói khác: "chỉ để tự mình trở thành sự thật của chính mình”.

Empty

Tháng 5/2021, trong đợt bùng phát thứ tư của COVID-19, tôi cũng xem phim “Thành phố của những đứa trẻ bị mất tích” (The city of the lost children) trên kênh Foxmovie. Câu chuyện kể về những đứa trẻ bị bắt cóc từ một thành phố cảng bởi một giáo phái có tên là Cyclops, đứng đầu là Krank, một nhà khoa học độc ác, để ăn cắp những giấc mơ của bọn trẻ. Những kẻ bắt cóc muốn đánh cắp giấc mơ của trẻ nhằm đảo ngược quá trình lão hóa đang tăng nhanh của bọn chúng. Ước mơ là cái mà những kẻ bắt cóc không thể có được. Tất nhiên, đây là câu chuyện điên rồ khi con người muốn đảo ngược quy luật tự nhiên. Thật ra, mỗi tuổi hay mỗi giai đoạn đời người, con người đều có thể có những ước mơ riêng của thời đó. Trên thực tế, nhiều cụ già vẫn sống vui vì tiếp tục thực hiện những giấc mơ mà thời trẻ mình chưa làm được. Ví dụ: tháng 7/2022 một cụ 81 vẫn đi thi tốt nghiệp phổ thông và đã vượt qua kỳ thi mà không có một điểm ưu tiên nào, rồi tháng 8/2022 một cụ khác, ở thành phố HCM, đã 72 tuổi vẫn bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ của mình… Rất nhiều những câu chuyện đời thường như thế, cho thấy tuổi tác không còn là vấn đề với những giấc mơ. Không việc gì phải đi ăn cắp của bọn trẻ… như bác sỹ Krank độc ác trong cuốn phim dã tưởng trên.

Empty
Empty

Ở làng Phong Điền, Thừa Thiên-Huế, quê vợ tôi, người ta dành những đồi cát trắng làm nghĩa trang và có thể xây mộ “hoành tráng” bao nhiêu tùy thích. Đất cát hoang không trồng trọt được, nên nhiều người dành tiền làm “nhà ở cuối cùng” cho mình. Có một người giàu, khoảng 70 tuổi, sống ở thành phố Huế, chiều nào cũng lái xe ra đây thăm chính ngôi mộ như một biệt thự khá lộng lẫy ông tự xây sẵn cho mình.

Riêng tôi, tôi nghĩ thiêu (như trong đại dịch COVID-19) là tốt nhất.

Đi bộ trở lại con đường dốc đầy ổ gà về phía núi mà ngày nhỏ tôi gọi là núi Phước Tường, nằm chếch phía Tây sân bay Đà Nẵng, để đi đến nghĩa trang - nơi mẹ tôi an nghỉ. Trước mặt là một trong nhiều nghĩa trang nhỏ nằm rải rác xung quanh một nghĩa trang lớn với tấm bảng nằm ngang hai cột bê tông vuông vắn ngay lối vào: “Nghĩa trang liệt sỹ”. Mẹ tôi nằm gần đó, trong nghĩa trang nhỏ của gia tộc, khiêm tốn, tĩnh lặng như cách bà và những bà con thân thuộc của tôi nằm kia. Có nhiều người trong họ, vốn là những nông dân nghèo, hiền lành, đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh vì độc lập, nhưng họ không chịu nằm trong nghĩa trang lớn, đơn giản là vì thủ tục cũng rất nhiêu khê và hơn nữa, họ muốn gần những người thân ruột thịt.

Empty

Tôi luôn tìm thấy ở các nghĩa trang một sự an ủi kỳ lạ. Tôi nghĩ đó là sự khiêm tốn lặng lẽ - những ô xi măng đơn giản dài hơn thân người một chút, với những tấm bia thường gắn một bức ảnh đang mờ dần của người đã khuất và những dòng chữ Hán mà tôi không đọc được. Bây giờ tôi phát hiện ra, ở phía xa của nghĩa trang, một đàn bò đang cúi xuống gặm cỏ trong nắng sớm mai. Ngay phía sau những con vật, tôi thấy bóng của một cụ già đang ngồi trên một ngôi mộ, và tôi có thể nghe thấy ông ấy nói chuyện sôi nổi. Tôi nghĩ ông cụ đang trò chuyện với một người thân đã mất. Người vợ quá cố hay đứa con chết trẻ của ông? Tôi bước vào trong nghĩa trang, mắt nhìn thẳng về phía trước. Tôi không muốn xâm phạm cõi riêng tư của ông lão. Tự nhiên, tôi thoáng thấy khuôn mặt của ông nội tôi: ông hiện ra mờ ảo trong nắng! Tôi dừng lại, định thần và nhắm mắt một giây, khi mở mắt ra nắng chói qua mắt khiến nước mắt chảy, như đang khóc ngày ông mất lúc tôi 5 tuổi. Những người bạn, vốn thông thái theo cách của người Quảng Nam - tức là thẳng thắn, thô mộc như dân gian đặt tên “ăn một cục nói một hòn” - nói rằng đó là ảo giác khi say nắng. Cũng như các bạn trẻ hiện nay dùng chữ “say nắng” theo nghĩa bóng là yêu thoáng qua… hoặc “ngoại tình thoáng qua”. Trong một thoáng, nỗi nhớ ông quay quắt khiến tôi không thể từ bỏ ý định đi tìm bia mộ ông tôi, dù chúng hầu hết đều khắc bằng chữ Hán - một sự đánh đố không dễ chịu đối với một người mù chữ Hán như tôi. Cuối cùng, dưới mưa lất phất, người em họ đã đọc thấy tên ông nội tôi trên một tấm bia nhỏ, đã cũ, nhưng nhờ có một mái che nhỏ bên trên nên nét chữ còn rõ. Tôi biết sau gần một ¾ thế kỷ thân xác ông đã là tro bụi, nhưng liệu hồn ông có bay đâu đó để nghe thấy lời nguyện cầu của những đứa cháu dần dần trở nên người lạ của ông? Tôi bỗng nhớ một câu thơ của Du Tử Lê: “Thôi em ngựa đã tan đàn/ Chúng ta càng lớn khôn càng chia xa”. Không, tôi nghĩ ngược lại: con người phải “chia xa” để “lớn khôn” thôi!

Năm 2005 tôi có đến San Jose, California, Hoa Kỳ, thăm Thiền viện của một bạn học cũ, ở đó tôi đã được gặp đại thiền sư Pandita từ Myanmar. Ông đã tặng tôi cuốn kinh “Đại niệm xứ” được dịch tiếng Việt. Mãi đến thời gian giãn cách vì COVID-19 năm 2021 tôi mới đọc kỹ cuốn kinh này và thích thú với phần nói về “quán sát tử thi” (mới đây, trong lễ giỗ một người thân chết vì COVID-19, tôi nói điều này, thì nhiều Phật tử lâu năm đã tỏ ra ngạc nhiên, cho rằng không hề có chuyện các tu sinh phải thực hành “quán sát tử thi”). Mục đích của “quán sát tử thi” theo kinh Đại Niệm Xứ chính là giúp con người (tu sinh) nhận rõ tấm thân ô trược mà không còn dính mắc vào đó, mà tu tập để đến Niết bàn. Tất nhiên, tu tập là con đường gian nan. Bất cứ người nào cũng có Phật trong tâm, nhưng không phải ai cũng thành Phật, vì lẽ đó.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết