Empty
Empty

Đại dịch COVID-19 bước sang năm thứ 3, virus SARS-CoV-2 không ngừng đột biến, tạo ra nhiều biến thể mới với độc lực và tốc độ lây lan vượt trội so với chủng gốc ở Vũ Hán (Trung Quốc). Đây là thách thức lớn với ngành y tế toàn cầu trong nỗ lực kiểm soát hoàn toàn đại dịch COVID-19.  

Từ khi được ghi nhận lần đầu tại Nam Phi vào tháng 11/2021, Omicron được đặt tên là biến thể “siêu đột biến” với số lượng đột biến nhiều hơn Delta, trong đó có đến 32 đột biến gắn trên protein gai (một cấu trúc giúp virus tăng độ bám dính và xâm nhập vào tế bào cơ thể người).

Vào thời điểm đó, các nhà khoa học đưa ra nhiều quan điểm, dự đoán trái chiều về biến thể Omicron. Nhiều cơ quan cho rằng, Omicron sẽ sớm áp biến thể Delta, gây sức ép lên hệ thống y tế vốn đã quá tải. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cũng dự đoán, Omicron có thể khiến số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân, từ đó dẫn đến tỷ lệ nhập viện và tử vong gia tăng, kể cả khi biến thể này gây ra triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với những biến thể khác.

Empty

Một số nhà khoa học lại tin rằng, Omicron là dấu hiệu cho thấy đại dịch sắp kết thúc. Trong một bài viết đăng tải trên The Conversation, nhà nghiên cứu Ben Krishna đến từ Đại học Cambridge cho rằng, Omicron có thể không phải là biến thể cuối cùng, nhưng có khả năng là biến thể đáng lo ngại cuối cùng. Nếu may mắn, virus SARS-CoV-2 có thể sẽ trở thành một loại virus đặc hữu, biến đổi từ từ theo thời gian. Khi đó, bệnh COVID-19 sẽ diễn biến nhẹ hơn vì cơ thể đã hình thành miễn dịch trước đó, từ đó làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.

Thực tế từ 6 tháng qua cho thấy, Omicron có tốc độ lây lan rất nhanh, khiến số ca mắc tăng theo cấp số nhân. Chưa đầy 3 tháng, biến thể này đã lan khắp toàn cầu, tạo ra các đỉnh dịch ở nhiều nơi. Một phần nguyên nhân đến từ khả năng “vượt mặt” hàng rào miễn dịch ở người đã tiêm vaccine và từng nhiễm COVID-19 trước đó. Theo thống kê của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh, hơn 650.000 người Anh đã tái nhiễm COVID-19 trong làn sóng Omicron hồi đầu năm 2022. Trung Quốc – đất nước kiên trì thực hiện “Chiến lược Zero COVID” - cũng liên tục phong tỏa nhiều thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến do làn sóng Omicron.

Empty

Không ở đâu xa, tại Việt Nam, làn sóng dịch lần thứ 4, vốn kéo dài dai dẳng từ tháng 4/2021, đã được thổi bùng trở lại do sự xuất hiện của Omicron. Trước tháng 11/2021, mỗi ngày nước ta ghi nhận dưới 10.000 F0. Ngày 28/12/2021, Bộ Y tế công bố ca nhiễm Omicron đầu tiên ở nước ta, là hành khách trở về từ Anh vào ngày 19/12/2021. Từ đó, số ca mắc được Bộ Y tế ghi nhận mỗi ngày nhích lên mức 20.000, chạm mốc 30.000 sau Tết Nguyên đán và đạt đỉnh với hơn 180.000 ca được công bố trong ngày 16/3/2022. Con số này chưa tính những ca bệnh được Sở Y tế các địa phương đăng ký bổ sung sau khi rà soát thông tin.

Số ca mắc tăng đồng loạt trong thời gian ngắn đã gây ra một cuộc “khủng hoảng” cục bộ tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong gian đoạn dịch “nóng” nhất tại Hà Nội (khoảng tháng 2-3/2022), cả thành phố như lên cơn sốt: Kit test nhanh “đội giá”, nước muối sinh lý và cồn sát khuẩn “cháy hàng”. Các trạm y tế cơ sở đều quá tải do phải đảm nhiệm quá nhiều công việc: Từ xét nghiệm, theo dõi, tiêm chủng, thu gom rác thải F0, đến làm thủ tục hành chính cho người mắc COVID-19… Nhân lực mỏng nhưng bệnh nhân nhiều, không ít nhân viên y tế vẫn phải làm việc dù cũng là F0.

Cũng từ thực tế 6 tháng qua, Omicron gây ra những triệu chứng nhẹ hơn so với biến thể Delta, người mắc cũng phục hồi nhanh hơn. Với độ bao phủ vaccine cao, hầu hết các ca nhiễm biến thể Omicron đều có thể tự theo dõi tại nhà. Tỷ lệ số ca tử vong/số ca mắc cũng giảm sâu nhờ các chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ cao. Người dân dần chuyển từ tâm lý sợ hãi, hoang mang sang tâm lý chủ quan “ai rồi cũng là F0”. Làn sóng Omicron đến nhanh mà đi cũng nhanh. Qua đỉnh dịch, số ca mắc giảm mạnh, hiện nước ta chỉ ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mỗi ngày.

Empty

Đến nay, đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại. Omicron tiếp tục đột biến, xuất hiện các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn: BA.1, BA.2, BA.4, BA.5. Một số nhánh phụ như BA.2.12.1 với khả năng lây lan cao hơn 25% biến thể BA.2. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, biến thể Omicron là biến thể chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2. Bộ Y tế cảnh báo, biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến số ca mắc COVID-19 tăng trong thời gian tới.

Empty

Tuy nhiên, các quốc gia đã có thêm nhiều kinh nghiệm để thay đổi chiến lược đối phó với đại dịch. Một bài viết trên McKinsey cho thấy, việc tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19 chứng tỏ hiệu quả trong phòng ngừa biến thể Omicron. Vaccine COVID-19 giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng và phải nhập viện, nhưng không phải “lá chắn bất bại” trước các biến thể SARS-CoV-2 mới, cũng không thể cập nhật nhanh như tốc độ đột biến của virus.

Phát biểu tại Kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) ngày 22/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros A. Ghebreyesus nhấn mạnh, thế giới đang phớt lờ sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2. Ông dẫn chứng, số ca mắc COVID-19 đang gia tăng tại gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong bối cảnh tỷ lệ xét nghiệm và giải trình tự gene lại giảm mạnh. Tổng Giám đốc WHO cảnh báo, đại dịch sẽ không kết thúc trên toàn cầu cho đến khi mọi nơi trên thế giới không còn ca mắc. Gần 1 tỷ người tại các quốc gia thu nhập thấp chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Bài học thứ 2 từ làn sóng Omicron là mối liên hệ giữa số ca mắc và các biện pháp hạn chế đã bị phá bỏ. Một số quốc gia cũng cho rằng, cái giá phải trả khi tiếp tục phong tỏa, hạn chế nhiều hoạt động kinh tế - xã hội tại giai đoạn này của đại dịch là quá lớn. Vì lý do này, Mexico đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19. Đan Mạch tạm dừng tiêm chủng vaccine COVID-19. Thụy Điển là quốc gia đầu tiên tuyên bố đại dịch COVID-19 đã kết thúc tại nước này. Mỹ cho phép người dân tại các khu vực nguy cơ thấp cởi bỏ khẩu trang. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã bỏ quy định khai báo y tế nội địa và khai báo y tế nhập cảnh. Sau khi lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống dịch COVID-19, Bộ cũng đề xuất V2K (Vaccine - Khẩu trang - Khử khuẩn) thay cho Thông điệp 5K trước đây.

Empty

Nhận định vào tháng 3/2022, bài viết trên McKinsey cho biết, viễn cảnh 10 tháng còn lại của năm 2022 sẽ phụ thuộc vào việc các biến thể mới có xuất hiện hay không. Nếu Omicron tiếp tục là biến thể áp đảo, chúng ta có quyền lạc quan rằng tỷ lệ số ca bệnh nặng sẽ tiếp tục giảm. Một làn sóng dịch có thể trở lại vào mùa Thu – Đông, nhưng tỷ lệ số ca nặng sẽ thấp hơn nhiều so với các làn sóng dịch trước đây. Dần dần, COVID-19 có thể trở thành một bệnh lưu hành tại một số địa phương. Những quốc gia có tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng cũng như độ bao phủ vaccine cao, sẽ an toàn hơn trong viễn cảnh này.

Tuy nhiên, một số biến số có thể ảnh hưởng tới tương lai của đại dịch sau Omicron. Các nghiên cứu cho thấy, khả năng miễn dịch tự nhiên và miễn dịch do vaccine đều sẽ giảm dần theo thời gian. Nhưng chúng ta chưa biết mức độ giảm là bao nhiêu, khi tiến độ tiêm liều nhắc lại đang có xu hướng chậm lại.

Empty

Nguy cơ lớn nhất ngăn cản đại dịch trở thành bệnh lưu hành là sự xuất hiện của một biến thể sẽ thay thế Omicron, trở thành chủng áp đảo mới. Omicron là một trong những virus có tốc độ lây lan nhanh nhất mà khoa học từng ghi nhận. Để có thể “vượt mặt” Omicron, biến thể mới cần ít nhất một trong 3 đặc điểm: Lây lan nhanh hơn; Né tránh hệ miễn dịch tốt hơn; Độc lực cao hơn. Biến thể này hoàn toàn có thể tạo ra một chương mới của đại dịch COVID-19, và các quốc gia cần tiếp tục sẵn sàng các biện pháp ứng phó.

Các nhà khoa học đến từ Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ) cũng khẳng định, SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục lưu hành trong tương lai gần. Hy vọng của chúng ta là người dân được bảo vệ bởi vaccine và miễn dịch tự nhiên, ngành y tế có đủ các liệu pháp kháng virus để giữ tỷ lệ bệnh nặng, tử vong ở mức cộng đồng có thể chấp nhận được. Và cộng đồng ở đây cần được hiểu rộng hơn một thành phố, một đất nước. Dẫn chứng là dịch tả đã được xóa sổ phần lớn tại các quốc gia phát triển nhờ nước sạch và hệ thống xử lý chất thải, nhưng vẫn là mối đe dọa ở các nước nghèo.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn