2021 - Năm của các biến chủng SARS-CoV-2 và "cuộc đua" vaccine COVID-19

Năm 2021 trở thành năm của những biến thể SARS-CoV-2 hoành hành khắp thế giới.

Novavax công bố hiệu quả vaccine trước biến chủng Omicron

Việt Nam có ca nhiễm Omicron đầu tiên, phương án ứng phó thể nào?

4 gương mặt nổi bật của thể thao Việt Nam 2021

Nhìn lại thế giới đầy "hỗn loạn" trong năm 2021

Theo số liệu thống kê của Worldometer, tính đến 6h sáng ngày 29/12, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 283 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5,4 triệu ca tử vong.Tới nay, 5 quốc gia có số ca COVID-19 nhiều nhất thế giới lần lượt là: Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Anh và Nga. 

Trong suốt 2 năm qua, tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 khiến nhân loại lo ngại. Dù vậy, tới nay, một số quốc gia vẫn chưa ghi nhận ca COVID-19 nào. Theo trang Koryogroup, tới ngày 5/12/2021, có 4 quốc gia chưa xác nhận bất kỳ ca COVID-19 nào gồm: Triều Tiên, Turkmenistan, Tuvalu, Nauru. 

Năm 2021 - Năm của những biến chủng SARS-CoV-2 hoành hành

Nhìn lại quá khứ, ngày 11/3/2020, WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch. Đây là đại dịch đầu tiên do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong khi cả thế giới muốn sớm tạm biệt "năm 2020 đen đủi" và chào đón năm 2021 đầy hy vọng vào sự bình thường mới, thì viễn cảnh năm nay còn trở nên "tồi tệ" hơn khi làn sóng các biến thể SARS-CoV-2 liên tiếp "tấn công" con người.

Tháng 12/2020, những chiến dịch tiêm chủng đầu tiên bắt đầu được thực hiện ở các nước có thu nhập cao, khiến nhiều người hy vọng cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường.

Một năm sau đó, các nước lần lượt tái áp đặt biện pháp hạn chế khi số ca mắc COVID-19 tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Lý do là vì virus SARS-CoV-2 liên tục "tiến hóa" kể từ khi xuất hiện cách đây hơn 2 năm.

Đầu tiên phải kể đến biến thể Beta, lây lan ở Eastern Cape, Nam Phi vào nửa cuối năm 2020. Beta có thể tránh được khả năng miễn dịch ở một mức độ nào đó và nó gây ra làn sóng dịch bệnh thứ hai trong khu vực, đỉnh điểm vào tháng 1/2021. Biến thể Beta sau đó lan rộng trên toàn thế giới nhưng không gây ra làn sóng lớn ở hầu hết các quốc gia khác.

Vào tháng 12/2020, Vương quốc Anh gióng lên "hồi chuông" cảnh báo về biến thể Alpha, được phát hiện đầu tiên ở Kent từ tháng 9/2020. Alpha có một loạt đột biến mới và có khả năng lây truyền cao hơn biến thể ban đầu. Trong những tháng đầu năm 2021, Alpha đã gây ra một làn sóng dịch bệnh ở Châu Âu và Bắc Mỹ cũng như nhiều khu vực khác của thế giới. Ngoại lệ chính là Nam Mỹ, khu vực này không bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì Alpha nhưng lại phải vật lộn với Gamma - biến thể được cho là xuất hiện ở Brazil từ cuối năm 2020.

Dù được phát hiện từ tháng 10/2020, nhưng năm 2021 là năm biến thể Delta hoành hành dữ dội nhất. Ấn Độ là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất, ghi nhận hơn 4 triệu ca mắc và hơn 25.000 ca tử vong do biến thể Delta trong tháng 4/2021, khiến hệ thống y tế rơi vào "khủng hoảng".

Khung cảnh như ngày tận thế khi biến thể Delta càn quét qua Ấn Độ vào tháng 4/2021 khiến cả thế giới bàng hoàng - Ảnh: Reuters

Khung cảnh như "ngày tận thế" khi biến thể Delta càn quét qua Ấn Độ vào tháng 4/2021 khiến cả thế giới bàng hoàng - Ảnh: Reuters

Rõ ràng rằng Delta thậm chí còn dễ lây truyền hơn Alpha, ngoài ra còn có một số khả năng tránh miễn dịch. Đến tháng 7/2021, Delta đã trở thành biến thể "thống trị" trên thế giới và "càn quét" khắp Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á, gây ra làn sóng lây nhiễm thứ 3. Số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng đột biến tại nhiều nước trên thế giới, thậm chí cả ở những nước có độ phủ vaccine lớn nhất.

Đã có thời điểm, người ta cho rằng, sự xuất hiện của Delta sẽ khiến các biến thể khác biến mất và các biến thể mới trong tương lai sẽ là đột biến của Delta. Nhưng sau đó, Omicron "bất ngờ" xuất hiện. Được các nhà khoa học Nam Phi phát hiện đầu tiên vào tháng 11 vừa qua, biến thể Omicron đã lây lan nhanh tới hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tốc độ "chưa từng thấy".

Hiện tại thế giới đang phải đối phó với 2 mối lo: biến thể Delta vẫn đang hoành hành ở nhiều nước trong khi biến thể Omicron đã nhanh chóng lan rộng. Vẫn chưa rõ liệu Omicron sẽ thay thế Delta hay cả hai biến thể này sẽ tiếp tục hoành hành, làm phát sinh thêm nhiều biến thể mới khác.

Vẫn chưa biết đến bao giờ đại dịch sẽ thực sự kết thúc nhưng bước sang năm 2022, thế giới chắc chắn sẽ có thể bắt đầu với một làn sóng mới của dịch COVID-19 trên toàn cầu do biến thể Omicron và có nhiều lý do để lo ngại về sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm hơn sau Omicron.

"Cuộc đua" vaccine COVID-19 trong năm 2021

Năm 2021 không chỉ là năm của các biến thể SARS-CoV-2 mà còn là năm của vaccine ngừa COVID-19. Hơn 8 tỷ liều vaccine, chủ yếu là 8 loại vaccine dẫn đầu, hiện đã được sử dụng trên khắp thế giới, phần lớn vào năm 2021. Nhà virus học Gagandeep Kang thuộc Đại học Y khoa Christian ở Vellore, Ấn Độ, khẳng định: "Chỉ cần tạo ra nhiều vaccine như vậy đã là thành công nổi bật", theo Nature.

Nhà khoa học Soumya Swaminathan của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: "Các loại vaccine ngừa COVID-19 đã có tác động rất lớn trong việc ngăn chặn tử vong và giúp các nền kinh tế đất nước trở lại bình thường. Ở các quốc gia có mức độ tiêm vaccine bao phủ cao, ngay cả khi có những đợt lây nhiễm mới, tử vong vẫn ở mức thấp."

Trong lịch sử, không có loại vaccine nào được phát triển nhanh như vậy. Thế nhưng, 23 loại vaccine khác nhau chống lại SARS-CoV-2 đã được chấp thuận sử dụng trên khắp thế giới trong vòng 2 năm qua và hàng trăm loại vaccine ngừa COVID-19 khác đang được phát triển.

Sự phát triển phi thường của vaccine COVID-19 đem lại hy vọng cho loài người trong năm 2021

Sự phát triển "phi thường" của vaccine COVID-19 đem lại hy vọng cho loài người trong năm 2021

Ước tính rằng sự phát triển và triển khai các vaccine ngừa COVID-19 một cách nhanh chóng đáng kinh ngạc này đã cứu được ít nhất 750.000 sinh mạng chỉ tính riêng ở Mỹ và Châu Âu và có thể nhiều hơn nữa trên toàn cầu, mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa dám khẳng định chắc chắn về các số liệu.

Tuy nhiên, bất chấp sự thành công đáng kinh ngạc của vaccine, thế giới vẫn tồn tại sự bất bình đẳng vaccine ngừa COVID-19 một cách sâu sắc.

Nhà khoa học Swaminathan nhận định: "Sự bất bình đẳng về vaccine ngừa COVID-19 là một trong những trải nghiệm đau đớn nhất của đại dịch".

Trung bình, ở các quốc gia có thu nhập cao, 83% dân số đủ điều kiện đã tiêm ít nhất một lần, nhưng ở các quốc gia thu nhập thấp, con số này giảm xuống còn 21%. Nhà dịch tễ học Andrew Azman thuộc tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland (Mỹ) - đồng tác giả của một phân tích về sự bất bình đẳng trong liều lượng vaccine ngừa COVID-19, thốt lên rằng: "Những con số về sự bất bình đẳng vaccine ngừa COVID-19 chưa bao giờ ngừng gây kinh ngạc".

Người ta mong đợi rằng các quốc gia nghèo hơn sẽ nhận được nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 tăng lên khi nhu cầu bắt đầu giảm ở các quốc gia giàu có. Thế nhưng, các quốc gia giàu có lại đang tích trữ những liều vaccine tang cường, do đó tiếp tục gây khó khăn cho khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 của những người thực sự cần chúng.

Hiện tại, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử đang diễn ra với hơn 8,79 tỉ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm ở 184 quốc gia, theo dữ liệu do Bloomberg thu thập tính tới 21/12. Tỉ lệ mới nhất là khoảng 39,6 triệu liều vaccine mới được tiêm mỗi ngày.

Israel là quốc gia đầu tiên cho thấy vaccine đã "làm phẳng đường cong" lây nhiễm COVID-19. Israel dẫn đầu thế giới về tiêm chủng sớm với 63% dân số tương đương 9,4 triệu người của Israel đã được tiêm hai liều vaccine, trong khi gần 45% người dân đã tiêm mũi thứ 3. Ngày 27/12, một bệnh viện ở Israel đã bắt đầu cho triển khai tiêm thử nghiệm liều vaccine COVID-19 thứ 4 cho nhân viên y tế, nhằm tăng cường ứng phó với biến thể Omicron, theo Reuters.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Newscientist/Nature)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn