Rằm tháng Giêng hành hương về Chùa Bà Thiên Hậu

Thành kính xin lộc đầu năm tại Lễ hội chùa Bà (Ảnh: VTC)

Biển người đội mưa dự lễ cầu an Chùa Phúc Khánh

Mùng 1 Tết: Dân Hà Nội nô nức đi lễ chùa đầu năm

Đi lễ chùa: Làm thế nào để sở cầu như nguyện

Nô nức lễ chùa đầu năm

Chùa Bà thờ nữ thần Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu là một di tích văn hoá của tỉnh Bình Dương. Chùa được kiến trúc theo lối cổ, là nơi thờ tự tôn nghiêm, một điểm hành hương rất quen thuộc của người dân Bình Dương, Bình Phước và một số tỉnh lân cận.

Đi chùa Bà Thiên Hậu để xin lộc, cầu may (Ảnh: VTC)

Chùa thờ nữ thần Thiên Hậu. Theo truyền thuyết, Bà sinh vào thời Tống Kiến Long nguyên niên (Công nguyên 960), là con thứ 6 của gia đình họ Lâm ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Khi mới lọt lòng mẹ, Bà đã toả ánh hào quang và hương thơm. Lớn lên, Bà thường cưỡi thảm bay lượn trên biển và du ngoạn nhiều nơi. Năm 27 tuổi Bà từ giã cõi trần và hiển linh. 

Hàng năm, ngày hội rằm tháng Giêng tại Chùa Bà đã trở thành ngày hội lớn của cư dân Hoa, Việt ở Nam Bộ. Lễ hội đã tạo điều kiện tăng cường tình đoàn kết gắn bó của hai dân tộc nhiều hơn và đã trở thành một nét văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.

Từ truyền thuyết dân gian đã chuyển hoá thành tín ngưỡng và Bà được những thế hệ sau hương khói, phụng thờ ở nhiều nơi. So những điều ghi ở bia đá nói trên với một số truyền thuyết về Bà ở các chùa khác thì có ít nhiều khác biệt, nhưng tựu trung họ đều ca ngợi suy tôn Bà là một người phụ nữ đức hạnh có lòng hiếu thảo, xả thân cứu người.

Đề cao Bà Thiên Hậu, ngưỡng mộ và phụng thờ Bà như một vị hiển thánh, bà con người Hoa muốn thông qua tấm gương của Bà mà giáo dục cộng đồng của mình hãy học tập lòng hiếu thuận, đức nhân hậu của Bà. Mặt khác, trên con đường vượt sóng gió biển khơi, đi về hướng nam tìm đất lập nghiệp đầy gian truân, họ luôn cầu nguyện Bà giúp đỡ, phù hộ và sau khi đã định cư, ổn định đời sống, sum họp đông vui, làm ăn phát đạt trên đất Việt Nam, quê hương thứ hai của họ, họ cùng nhau lập đền thờ để tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với Bà.

Lễ hội Chùa Bà hàng năm được tổ chức vào 3 ngày từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch.

Đêm 13 tháng Giêng âm lịch, nhân dân ở thị xã Thủ Dầu Một bày bàn ra trước nhà để cúng tế chuẩn bị cho lễ rước Bà ngày hôm sau. Dân chúng các vùng lân cận cũng đổ về đây khá đông.

Khách đến hành hương vào Chùa Bà theo cổng phụ hai bên (Ảnh: Dân Trí)

Sáng 14 tháng Giêng lễ rước Bà được tổ chức theo nghi thức cổ truyền: Kiệu Bà được rước đi khắp các đường phố cùng với những đội múa lân, sư tử, rồng, cờ xí ngợp trời.

Lễ hội rước kiệu Bà Thiên Hậu thu hút hàng vạn du khách tham gia (Ảnh: Báo Bình Dương)

Ngày 15 tháng Giêng dân chúng lại kéo nhau về chùa Bà để thắp hương cúng lễ, cầu phúc, cầu lộc cho năm mới.

Xin lộc ở Chùa Bà (Ảnh: Dân Trí)

Đảm bảo an toàn lễ hội

Ông Lý Lai Phát, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Chùa Bà cho biết, mỗi ngày có khoảng gần 200 người, gồm: Công an Phòng chống tội phạm, công ty bảo vệ, dân phòng… làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực Chùa Bà. Ngoài ra, công tác phòng chống cháy nổ, giữ gìn và làm sạch vệ sinh môi trường được Ban Tổ chức đặc biệt quan tâm.

Lực lượng bảo vệ (áo xanh) có mặt ở mọi nơi trong lễ hội (Ảnh: 24h)

Cũng theo ông Phát, để chống nạn rải đinh, "chặt chém" khách hành hương, từ chiều 3/3, Đội Phòng chống tội phạm phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một đã lập điểm vá xe miễn phí ở ngã tư Chợ Đình (cách chùa Bà khoảng 1,5 km).

Tính đến chiều 4/3, các "hiệp sỹ" đã vá xe, thay ruột miễn phí cho khoảng 30 trường hợp bị thủng ruột, đa phần là khách hành hương đến chùa Bà. Khách hành hương về chùa Bà nếu xe bị thủng hãy gọi theo số 0917.365.367 hoặc 0908.137.437 để được vá, thay ruột miễn phí.

Năm nay, xung quanh khu vực Chùa Bà, các tiệm bán hàng mã, cây tài lộc, nhang đèn, hoa cúng… được bày bán có quy củ, gọn gàng chứ không tràn lan xuống lòng đường như mấy năm trước.

Giá của một số dịch vụ ăn theo Lễ hội Chùa Bà năm nay được nới lỏng hơn so với trước (Ảnh: Báo Giao thông)

Hầu hết các bãi giữ xe máy tại đây đều thu của khách với giá 10.000 đồng/lần gửi. Mức giá này cũng được nhiều người trông giữ xe chào mời khách để cạnh tranh nhau. Giá chim phóng sinh từ 10.000 – 15.000 đồng/con; Hoa sen từ 10.000 – 20.000 đồng/bông; Dịch vụ giải khát cũng nới giá, chỉ đắt hơn chút ít so với giá thị trường…

Thả chim phóng sinh là một nghi thức không thể thiếu của nhiều người dân khi đi Lễ hội Chùa Bà (Ảnh: Dân Trí)

"Mục tiêu của chúng tôi là làm thế nào để an toàn cho bà con hành hương. Thực tế thì lễ hội nào cũng có sơ xuất, nhưng dịp lễ Chùa Bà này, những việc như ép giá khách, hành khách bị kẻ gian móc túi… là không đáng kể", Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Chùa Bà – ông Lý Lai Phát khẳng định.

Thanh Hà H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa