Người Việt Nam đang ngày càng quan tâm tới sức khỏe hơn, đặc biệt kể từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Bên cạnh việc chú trọng duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe, sử dụng TPCN là một biện pháp đang được dùng ngày một thường xuyên.
Tuy nhiên, những năm gần đây, lĩnh vực này lại luôn là vấn đề gây nhức nhối cho xã hội. Bởi ngày càng nhiều nhà sản xuất, kinh doanh quan tâm đến lĩnh vực TPCN, với hàng nghìn loại sản phẩm khác nhau. Có những người sản xuất kinh doanh đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, nhưng cũng có những người chạy theo lợi nhuận, dẫn đến làm ăn sai trái, lừa dối người tiêu dùng, coi thường pháp luật, gây hậu quả đổ lên đầu người tiêu dùng.
Theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, những hiện tượng sai phạm trong quảng cáo, lừa đảo trong buôn bán TPCN, không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của ngành TPCN, làm lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả.
Mặc dù cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý nhưng đến nay tình trạng này không những không thuyên giảm mà còn ngày càng phát triển.
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn. Trong đó, liên quan đến vấn đề quản lý TPCN, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho 24.643 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, trong đó sản phẩm trong nước chiếm 84,7%.
Đồng thời, Bộ Y tế đã thực hiện và chỉ đạo các địa phương thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Qua thanh tra, kiểm tra về TPCN, phát hiện vi phạm chủ yếu là sản xuất TPCN giả (giả về chất lượng, giả về thương hiệu và giả về nguồn gốc, xuất xứ).
Theo Bộ Y tế, phần lớn các mặt hàng TPCN làm giả, kém chất lượng đều được nhập qua đường tiểu ngạch, về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm làm giả này được bán ra thị trường với giá rẻ hơn hàng thật.
Cùng đó là tình trạng sản xuất TPCN có chứa chất cấm; sản xuất, kinh doanh TPCN không đúng chất lượng đã công bố; sản xuất TPCN ở nơi không bảo đảm vệ sinh, không có Giấy chứng nhận GMP.
Bộ Y tế cho biết, bên cạnh đó là hoạt động quảng cáo TPCN như "thần dược", quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo không đúng với nội dung đã được xác nhận.
Ngoài ra còn có tình trạng sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm; thiết lập tổng đài tư vấn giả mạo bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia y tế để tư vấn không đúng về công dụng, tác dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe; tổ chức hội thảo để lừa dối người tiêu dùng, nhất là người cao tuổi.
Vấn đề “bát nháo” thị trường TPCN đã nhận được sự quan tâm của nhiều Đại biểu Quốc hội, làm “nóng” nghị trường tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chiều 11/11.
Nhìn nhận những hạn chế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết, việc quản lý hoạt động quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng.
Đặc biệt khó khăn khi xử lý các vi phạm nhất là trên các trang mạng xã hội, các quảng cáo từ các máy chủ ở nước ngoài.
Các cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong việc quản lý việc mua bán qua một số hình thức mới như: quảng cáo thông qua hình thức tư vấn bán hàng qua điện thoại, đe dọa, nghiêm trọng hóa tình trạng bệnh nhằm bán thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, không gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý địa phương, công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm và nguy cơ sản phẩm không đảm bảo an toàn, Bộ trưởng nhìn nhận.
Báo cáo cũng nêu nhiều nguyên nhân, trong đó, một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận bất chấp pháp luật, sức khỏe và tính mạng của cộng đồng.
Cụ thể, nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng cao nên cố tình sản xuất TPCN giả, nhập khẩu TPCN không rõ nguồn gốc về dán nhãn, mác của các dòng sản phẩm của Mỹ, Canada, Nhật, Australia..., cố tình quảng cáo sai sự thật bất chấp quy định, đạo đức.
Đề cập về các giải pháp, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá hệ thống văn bản pháp luật về quản lý TPCN đã tương đối hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành hàng này.
Thực tế, sản phẩm TPCN của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia, khẳng định chất lượng và uy tín. Để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành quy định bắt buộc các nhà máy sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn thực hành tốt. Bộ Luật Hình sự đã quy định rõ các mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh và quảng cáo TPCN giả, kém chất lượng.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Bộ Y tế cũng sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó tăng cường công tác quản lý quảng cáo, nhất là quảng cáo qua mạng xã hội.
Bộ Y tế đã công khai danh sách các doanh nghiệp được cấp phép sản xuất TPCN, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm uy tín. Bên cạnh đó, cũng công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm. Đồng thời, Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong lĩnh vực quảng cáo.
Đối với các sản phẩm quảng cáo, theo quy định của pháp luật về quảng cáo, sản phẩm quảng cáo phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo được các cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Việc bán hàng online, hàng “xách tay” không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đáp ứng đầy đủ các quy định thì đều là vi phạm.
Đối với các sản phẩm bán trên website hoặc trên trang thương mại điện tử, tổ chức hội thảo để lừa dối người tiêu dùng đặc biệt là người cao tuổi, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, nội dung này cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý TPCN theo hướng: Quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh, cũng như tăng các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Ngoài ra, Bộ Y tế cùng các bộ đã thành lập đội phản ứng nhanh, khi phát hiện các sai phạm, theo chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, bộ cũng có cách thức xử lý. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là liên quan đến mạng xã hội, khi máy chủ đặt ở nước ngoài nên việc kiểm soát nằm ngoài phạm vi của cơ quan chức năng.
Bình luận của bạn