Bữa cơm này có ai còn nhớ?

Mâm cơm gia đình thời bao cấp vô cùng giản dị mà ấm áp (ảnh do tác giả cung cấp)

Bìa đậu ngày đó không mềm mướt như bây giờ, mà được đóng khuôn chắc nịch, cầm vào còn có cảm giác hơi khô cứng. Nhưng đi xếp hàng ở Mậu dịch, mua được 2-3 bìa đậu là quý lắm rồi. Về nhà xắt miếng, rán với chút mỡ đủ bóng cái mặt chảo, rồi tẩm nước mắm hành thì cứ gọi là ngất ngây vì thèm.

z3445832331175_df8d0114b788049b04a352283fca8e31

Mà gọi là nước mắm cho sang, chứ mắm lúc ấy chỉ được thêm vào cho có màu và có mùi. Lúc bấy giờ nước mắm cũng là thứ xa xỉ, chủ yếu là muối pha vào cùng cho đậm đà. Vậy mà đây là món chính được yêu thích nhất của mâm cơm đó, ăn là thấy hơi hơi sang rồi.

Ngày đó, hầu như nhà nào cũng tích ít lạc, đỗ, coi như thực phẩm khô dự trữ. Lạc khi chuẩn bị đến bữa thì lấy ra 1-2 nắm, cho vào chảo rang chín. Trong lúc chờ lạc rang thì phải lấy một bát nước nhỏ, hòa muối hạt cho tan, đợi khi lạc chín thì đổ nước muối vào đảo đều, thấy nước bay hơi hết, những tinh thể muối bám trắng đều hạt lạc là bắc ra, để nguội.

z3445832364191_ff1cffd11057040605882f67302ba00b (1)

Đợi lạc rang nguội hẳn, nhân lúc người lớn ra ngoài không để ý là trẻ con nhảy ngay vào bếp, nhón vài hạt nhai giòn tan, vị muối mặn thấm sâu tận họng hòa cùng cái bùi bùi, thơm thơm, sao mà thích thế chứ. Ăn vụng, dù vài hạt, thì kiểu gì cũng bị phát hiện. Thế là lại có đứa bị phát mấy cái vào mông vì cái tội dám ăn trước cả nhà, nhưng mà chả có đứa nào chừa, bữa sau có cơ hội là nhón tiếp. Cảm giác ăn nhón thế thú vị lắm cơ, nên không sửa được.

Rau có lẽ là nguồn thực phẩm đơn giản nhất lúc bấy giờ. Mua ở cửa hàng Mậu dịch thì không đắt, nhưng thường là rau già, cằn cỗi, có khi mua về ăn được ít ngọn thôi, còn đâu là băm nhỏ nuôi lợn, gà. Vì thế, các nhà đều chọn một khoảnh đất nhỏ, tự trồng rau. Chủ yếu là rau muống, mùng tơi, rau đay,… Nhưng tự trồng thì cũng chả có sẵn nước mà tưới cây, đi cả vài cây số mới gánh được tý nước sông, hồ để tưới, thành ra rau không non mỡ màng. Chả thế mà, đợi khi có lương về, bà nội trợ mới dám ra chợ mua mớ rau xơ mới hoặc rau muống dải về luộc.

z3445834993383_d9da3a762d7fbb24d98744514a6a33a8

Hai loại rau muống này luộc lên thì nhất, vừa giòn, vừa ngọt, chấm với tý tương là nhớ mãi vị ngon của mỗi cọng rau luôn ấy chứ. Rau muống luộc xong được vớt ra đĩa, nồi nước luộc thì cho thêm 2-3 quả sấu cạo vỏ vào đun tiếp cho sấu mềm, dầm ra là được bát canh chua thanh mát, tỉnh hết cả người. Miếng sấu dầm cho canh chua xong, có khi còn được vớt ra dầm thêm vào bát nước mắm chấm rau luộc, thêm vài lát ớt là bát nước chấm ấy đỉnh luôn.

Mà kể cũng lạ, canh rau muống luộc hay ở chỗ có thể đánh chua bằng rất nhiều nguyên liệu nhé, sấu là chuẩn nhất, nhưng sấu hồi đó chưa nhiều và khá đắt hơn các loại khác, nên người ta thường thay bằng lá me chua, bằng quả thanh trà, quả me xanh, hoặc vắt nửa quả chanh vào cũng được hết. Bát canh vẫn cứ gọi là chua chua, mát ruột lắm. Chả thế mà ngày đó có câu thơ: “Anh đi anh nhớ quê nhà, Nhớ canh ra muống, nhớ cà dầm tương!”

z3445832341339_f005446ed6bf58853f6a0d673fb069fc

Cà dầm tương ư, nghĩ tới cứ gọi là nhớ. Ngày Hè nóng nực thì nhà nào cũng có cà muối. Đơn giản thì là cà pháo muối mặn được 2 ngày là có thể ăn luôn cùng cơm. Sang hơn thì có cà bát, quả to đùng, muối nén kỹ trong vại, và cũng phải thật mặn nhé, vì còn ăn dè, được lâu. Cà bát mà muối nén còn được quý như miếng thịt cơ mà. Khi ăn, muốn cho có vị đậm đưa cơm hơn nữa thì rót ít tương vào cà, trộn đều và để thật ngấm mới dùng. Ôi miếng cà vừa giòn, vừa hơi dai dai, mặn mà vị tương ấy mang dấu ấn sâu sắc của cả một thế hệ.

z3445835044673_209ff5b43f16fb5551536bf2055bb384

Thức ăn lên mâm cả rồi, nhìn rôm rả và bắt mắt lắm. Bây giờ mới bắc nồi cơm ra khỏi bếp ủ để xới. Người ngồi đầu nồi thường là mẹ, mẹ sẽ dùng đôi đũa cả đánh cho tơi cơm trước, rồi mới xới cho từng người. Bao giờ cũng phải xới cho người lớn tuổi nhất trong nhà, rồi dần dần mới đến trẻ con. Cơm gạo trắng lúc đó kiếm đâu ra, khó lắm. Chủ yếu là cơm tấm, gạo đỏ được phân phối theo tiêu chuẩn tem phiếu. Gạo trước khi nấu phải nhặt thật kỹ vì có rất nhiều sạn, thóc lẫn, thậm chí có cả con mọt. Thường thì trẻ con ở nhà sau buổi học, sẽ được giao nhặt thóc sạn để chiều về mẹ chỉ việc vo gạo và nấu. Chị em ở nhà tự bảo nhau học xong thì lấy ống bơ xúc gạo ra rá, nhặt ít một cho sạch, có khi công việc này ngốn thời gian hết gần nửa buổi chiều chứ không ít.

Mâm cơm bình dị ngày ấy thật đầm ấm biết bao, chẳng phải sơn hào hải vị cao sang mà làm ai cũng nhớ da diết và đâu đó có sự tiếc nuối không nói thành lời…

 
Phương Chi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết