Mâm ngũ quả ngày Tết 3 miền khác nhau thế nào?

Mâm ngũ quả ngày Tết mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp - Ảnh: Internet

Sai lầm khi bày mâm ngũ quả nhiều người mắc phải

Ý nghĩa mâm ngũ quả trong văn hóa 3 miền

Ý nghĩa từng loại trên mâm ngũ quả ngày Tết

Quyền lực của loại quả mang tên Phật

Theo quan niệm của người Việt và văn hóa phương Đông nói chung thì mâm ngũ quả thể hiện cho 5 hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, là những yếu tố cấu thành nên vũ trụ. Ngoài ra, số 5 cũng tượng trưng cho ước muốn đón ngũ phúc vào nhà. Ngũ phúc gồm phú (giàu có), quý (địa vị sang trọng), thọ (sống lâu), khang (khỏe mạnh), ninh (bình an). Tùy theo đặc trưng về khí hậu, địa lý và quan niệm riêng mà người miền Bắc, miền Nam và miền Trung lựa chọn những loại quả khác nhau.

Mâm ngũ quả ngày Tết tại miền Bắc

Mâm ngũ quả của người miền Bắc được bày trí theo thuyết ngũ hành với 5 màu là: Kim - trắng, mộc - xanh, thủy - đen, hỏa - đỏ, thổ - vàng.

Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường các loại quả phổ biến như chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, táo…

Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc truyền thống là để nải chuối ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả còn lại. Ở chính giữa đặt quả bưởi hoặc phật thủ, các loại quả khác như đào, hồng, quýt thì bày xung quanh còn những chỗ trống có thể đặt xen kẽ quýt, táo xanh hoặc ớt chín đỏ.

Mâm ngũ quả ngày Tết của miền Nam

Theo Tiến sỹ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã trả lời trên Vnexpress.net, mâm ngũ quả ở miền Nam sẽ gồm những quả mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài, tương ứng với cách phát âm "cầu sung vừa đủ xài". Ngoài ra, có thể thêm quả dứa (quả thơm) thể hiện sự vững vàng và mong muốn con cháu đầy nhà.

Mâm ngũ quả người miền Nam thiếu vắng quả chuối vì phát âm tiếng miền Nam gần giống "chúi" thể hiện sự khó khăn, làm ăn không phất. Ngày Tết, cũng ít người trưng quýt, lê, táo với tâm niệm "quýt làm cam chịu"; Lê, táo (bom) thì thất bát.

Empty

Bên cạnh mâm ngũ quả, trên bàn thờ tổ tiên và thánh thần luôn có cặp dưa hấu. Trái dưa căng tròn, vỏ xanh ruột đỏ tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn đầu năm. Ngày nay, nhiều gia đình thích đổi mới bằng cách mua thêm dưa hấu vàng và dưa hấu hình vuông để mâm ngũ quả ngày Tết thêm phong phú.

Cách trình bày mâm ngũ quả miền Nam phổ biến là đặt đu đủ, dừa, xoài lên mâm trước để lấy thế do 3 loại quả này có hình dáng to và trọng lượng nặng, sau đó bày những loại quả khác lên trên, tạo thành hình dáng ngọn tháp.

Mâm ngũ quả ngày Tết của miền Trung

Khác với miền Bắc và miền Nam, mâm ngũ quả ở miền Trung không quá cầu kỳ về hình thức. Tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh gia đình mà mâm ngũ quả sẽ khác nhau.

Một số loại quả thường có trong mâm ngũ quả của người dân miền Trung như: Thanh long, xoài, dưa hấu, đu đủ, mãng cầu, dứa, bưởi, táo…

Mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, dù có khác nhau giữa các vùng miền nhưng trên hết đều thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên và ước mong một năm mới nhiều điều thuận lợi.

*Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa